Thuế môi trường xăng dầu: VINPA để xuất tăng 5.000 đồng/lít xăng
VOV.VN - Hiệp hội xăng dầu kiến nghị nâng thuế môi trường từ 3.000 lên 5.000 đồng/lít xăng, từ 1.500 đồng lên mức 3.000 đồng/lít dầu diezel.
Hiệp hội xăng dầu Việt Nam (VINPA) mới đây đã có văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Bảo vệ môi trường.
Theo đó, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam đồng tình với phương án tăng thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính. Việc sửa đổi, bổ sung về đối tượng và khung mức thuế đảm bảo trách nhiệm bảo vệ môi trường của cá nhân, tổ chức khi sử dụng các sản phẩm có tác động trực tiếp đến môi trường, phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng tăng thuế môi trường đảm bảo nguồn thu ngân sách, đảm bảo an ninh năng lượng và quyền lợi người tiêu dùng. |
“Trong khi giá bán lẻ xăng ở thời điểm hiện tại đang là 17.360 đồng/lít xăng RON92. Nếu tăng thuế bảo vệ môi trường lên tối đa 8.000 đồng/lít thì tổng thuế sẽ bằng 62% giá bán lẻ (trong đó, riêng thuế bảo vệ môi trường đã chiếm 60,61% tổng lượng thuế) nên sẽ rất khó giải thích cho người người tiêu dùng”, đại diện VINPA nêu rõ.
Từ thực tế trên, Hiệp hội xăng dầu kiến nghị nâng mức thuế môi trường đối với mặt hàng xăng từ 3.000 đồng/lít như hiện nay tăng lên 5.000 đồng/lít. Với mức tăng này, tổng thuế sẽ bằng 48,91% giá bán lẻ và thuế bảo vệ môi trường chiếm 58,88% tổng thuế áp dụng với giá xăng thời điểm hiện tại.
Thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng dầu diezel sẽ tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức 3.000 đồng/lít; Thuế môi trường cho nhiên liệu bay sẽ điều chỉnh nâng từ 3.000 đồng/lít lên tối đa 5.000 đồng/lít; Thuế bảo vệ môi trường mặt hàng dầu mazut sẽ nâng từ 900 đồng/lít/kg lên mức 3.000 đồng/lít/kg.
Đối với mặt hàng xăng dầu sinh học, VINPA đồng tình với Bộ Tài chính chọn phương án: Nếu tỉ lệ phối trộn nhiên liệu là 5%, mức thuế môi trường bằng 80% mức thuế của xăng thường và dầu diesel tương ứng; Nếu tỷ lệ phối trộn nhiên liệu là 10%, mức thuế môi trường sẽ bằng 70% xăng thường và dầu diesel tương ứng.
Chủ tịch VINPA - ông Phan Thế Ruệ khẳng định, Hiệp hội nhận thấy mức tăng thuế bảo vệ môi trường như kiến nghị của Hiệp hội là phù hợp với nền kinh tế Việt Nam, đảm bảo nguồn thu Ngân sách Nhà nước, đảm bảo an ninh năng lượng và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ các Hiệp định Thương mại mà Việt Nam đã ký kết.
Trước đó, tại buổi Hội thảo “Thị trường xăng dầu Việt Nam và vấn đề thể chế” do VINPA tổ chức ngày 16/5 tại Hà Nội, phần lớn các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều cho rằng, việc thu thuế môi trường nói riêng, các khoản thuế, phí áp thu trên mỗi lít xăng dầu cần phải đảm bảo lợi ích của cả nhà nước, người dân, doanh nghiệp và cần minh bạch, đảm bảo vận hành đúng nguyên tắc của thị trường.
Tại hội thảo này, ông Phan Thế Ruệ cũng đã đưa ra quan điểm ủng hộ Dự thảo khung chính sách mới của Bộ Tài chính. Nghĩa là, nên tăng thu thuế môi trường tới mức “kịch trần” (8.000 đồng trên mỗi lít xăng dầu) theo đề xuất của Bộ Tài chính để đảm bảo nguồn thu ngân sách.
Ông Ruệ bày tỏ, trong bối cảnh giá dầu thô sụt giảm, lộ trình giảm thuế giảm thuế nhập khẩu xăng dầu đang được thực thi, tỷ lệ thu ngân sách từ dịch vụ xăng dầu, chưa nói đến lĩnh vực dầu khí sẽ giảm từ 14-15% hiện nay xuống còn 7-8% trong thời gian tới sẽ khiến Ngân sách Nhà nước có nguy cơ hụt thu rất lớn.
Chính vì thế, ông Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng, chỉ cần tăng thuế bảo vệ môi trường lên 1.000 đồng/lít, nhà nước sẽ thu lại được mấy chục nghìn tỷ đồng, nếu tăng thuế môi trường lên kịch mức 8.000 đồng/lít sẽ cân đối được nguồn thu./.
Xăng dầu và sức ép tăng thuế môi trường giảm thuế nhập khẩu