Việt Nam - Trung Quốc tháo gỡ khó khăn tiêu thụ nông sản do dịch Covid-19
VOV.VN - Việt Nam hiện nay có 9 loại hoa quả xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, xếp thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á về xuất khẩu sang thị trường này.
Ngày 5/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - ông Lê Quốc Doanh đã có buổi làm việc với Tham tán Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam - ông Hồ Tỏa Cẩm về các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với một số nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, trong đó có việc thúc đẩy tiêu thụ quả nhãn ở thị trường nước này.
Tại buổi làm việc 2 bên đánh giá cao nỗ lực phối hợp thời gian qua trong hiện thực hóa những cam kết tiêu thụ nông sản mà Bộ trưởng Nông nghiệp 2 bên đã trao đổi thỏa thuận. Thời gian qua, do dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa 2 bên chịu tác động trong chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, quá trình đàm phán mở cửa thị trường một số mặt hàng đã có kế hoạch cụ thể nhưng do dịch nên việc Trung Quốc đưa chuyên gia sang Việt Nam trao đổi còn gặp nhiều khó khăn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh mong muốn ông Hồ Tỏa Cẩm thông tin đến Bộ Nông nghiệp Trung Quốc và các cơ quan liên quan của Trung Quốc tiếp tục tích cực tháo gỡ khó khăn trong xuất, nhập khẩu nông sản vì tình hình dịch Covid-19 còn nhiều phức tạp. Từ đó, hai bên sẽ có các giải pháp khắc phục khó khăn do tác động của dịch.
Vừa qua, Trung Quốc đã tiêu thụ được hơn 60.000 tấn vải thiều của tỉnh Bắc Giang. |
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và sự vào cuộc kịp thời của các ngành chức năng 2 nước nên vụ vải thiều vừa qua được tiêu thụ đạt hiệu quả cao. Việt Nam mong muốn thúc đẩy xuất khẩu trái nhãn sang Trung Quốc như trái vải. Bởi, ngoài sản phẩm tươi, nhãn có thể chế biến được nhiều sản phẩm khác.
"Trung Quốc và Việt Nam cũng có điểm tương đồng về tập quán tiên dùng nông sản, đơn cử như long nhãn cũng chế biến được nhiều thứ như sản xuất bánh trung thu dùng nhiều. Ngoài chuyện nhập khẩu nhãn tươi rất muốn đề nghị chế biến tại Trung Quốc để giúp cho Hưng Yên và tới đây là Sơn La là 2 vùng nhãn hàng hóa tập trung ở Việt Nam" - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết.
Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Hồ Tỏa Cẩm cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, trái ngược với các nước trong khu vực ASEAN thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc không bị tác động nhiều bởi dịch và vẫn giữ ở mức cao.
6 tháng đầu năm nay, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc chiếm tỷ lệ gần 26,5% trong tổng kim ngạch của Trung Quốc với các nước trong ASEAN, là điểm sáng khích lệ cho doanh nghiệp 2 nước phát triển kinh tế thương mại và những lĩnh vực khác.
Vừa qua, Trung Quốc đã tiêu thụ được hơn 60.000 tấn vải thiều của tỉnh Bắc Giang. Về việc xuất khẩu trái nhãn của Việt Nam, ông Hồ Tỏa Cẩm cho biết, đã làm việc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) để đẩy mạnh xuất khẩu loại trái cây này.
Đại sứ quán Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với các Bộ ngành liên quan để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng thời liên hệ các doanh nghiệp, đầu mối lớn trong nước của Trung Quốc để doanh nghiệp 2 bên kết nối tạo điều thuận lợi nhất cho trái nhãn và thúc đẩy nhập khẩu long nhãn của Việt Nam…
Liên quan đến việc đánh giá, khảo sát để xuất khẩu chính ngạch 2 mặt hàng là sầu riêng và khoai lang của Việt Nam sang Trung Quốc, ông Hồ Tỏa Cẩm cho biết: "Việt Nam hiện nay có 9 loại hoa quả xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, xếp thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á về xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hai bên sẽ thỏa thuận nhất trí sẽ tiếp tục đàm phán cho nhiều loại hoa quả nông sản, xuất khẩu sang Trung Quốc. Tôi tin tưởng sẽ đàm phán thành công để sớm đưa 2 mặt hàng này vào xuất khẩu chính ngạch".
Cũng tại buổi làm việc, ông Bùi Thế Cử, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên cho biết, địa phương được mùa nhãn nhưng do dịch Covid 19 diễn biến phức tạp nên việc tổ chức xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm này đang gặp nhiều khó khăn.
Ông Bùi Thế Cử mong muốn: "Hiện nay có một số các hợp đồng mà đối tác phía Trung Quốc đang tạm dừng nhập vì lý do dịch Covid-19. Chúng tôi cũng mong muốn thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, đặc biệt là Tham tán Thương mại của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam sẽ hỗ trợ cho một kênh bán hàng cũng như tiếp cận đến các đối tác bạn hàng khác của Trung Quốc để thông quan được lượng long nhãn của tỉnh Hưng Yên.
Chúng tôi kỳ vọng rất cao với kinh nghiệm của Bắc Giang trong thời gian vừa rồi thì sẽ sớm có hội nghị trực tuyến giữa 2 điểm cầu tại Trung Quốc và tại Việt Nam để kết nối được các đơn vị tiêu thụ sản phẩm nhãn lồng nhãn của Hưng Yên"./.