Xe đạp điện nhập lậu lên ngôi
(VOV) - Hầu hết các xe đạp điện không có thông số kỹ thuật cũng như xuất xứ, nguồn gốc và không niêm yết giá.
Mặt hàng xe đạp điện gia nhập thị trường Việt Nam khoảng 10 năm nay và đang trở nên thịnh hành trong 1- 2 năm trở lại đây. Do sự gia tăng về nhu cầu, nên việc kinh doanh mặt hàng này cũng phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, theo nhìn nhận chất lượng mặt hàng này hiện nay chưa được kiểm soát và hiện tượng xe đạp điện giả, nhập lậu đang tràn lan trên thị trường.
Xe đạp điện đang trở thành phương tiện đi lại thông dụng của người lớn, học sinh và sinh viên. (Ảnh: Kim Anh) |
Tại Hà Nội, nếu như cách đây 10 năm, số lượng các cửa hàng xe đạp điện chỉ “đếm trên đầu ngón tay” thì nay đã hình thành những tuyến phố kinh doanh mặt hàng này như Tôn Đức Thắng, Tây Sơn. Bà Triệu, Trương Định... Trên các tuyến phố, ít thì 1 - 2 cửa hàng, nhiều thì hàng chục cửa hàng, chủ yếu kinh doanh xe đạp điện nhập khẩu. Mỗi cửa hàng có đến hàng trăm xe được bày bán với các thương hiệu nổi tiếng như Honda, Asama, Giant, Yamaha, Bridgestone có giá bán từ 9 - 12 triệu đồng/chiếc.
Hầu hết các xe nhập khẩu đều không được dán nhãn thông số kỹ thuật cũng như xuất xứ, nguồn gốc và không niêm yết giá. Nhiều cửa hàng, người mua có thể trả giá, đổi lại, nếu mua thì chịu 10% thuế VAT; Có cửa hàng thì yêu cầu viết hóa đơn mua hàng chỉ bằng 50% giá sản phẩm. Tuy nhiên, do không phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả nên hầu hết người tiêu dùng khi mua đều chọn các sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng bởi mẫu mã đẹp.
Bà Phạm Phương Lan, một khách hàng mua xe đạp điện cho biết, bà không thể nhận biết được xe chính hãng hay là xe nhập lậu bởi rất khó phân biệt, nhưng nếu là hàng Trung Quốc nhập lậu thì chỉ đi một thời gian là đã hỏng, “khi đã hỏng thì không có chỗ nào nhận sửa chữa cả”, bà Lan chia sẻ.
Đợt kiểm tra mới đây của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho thấy 100% số cửa hàng kinh doanh xe đạp điện được kiểm tra đều vi phạm hóa đơn chứng từ mẫu mã, chất lượng sản phẩm và giá bán.
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cho biết, vi phạm phổ biến ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước trong đó có Hải Phòng, Quảng Ninh và Đà Nẵng. Đa số xe đạp điện nhập khẩu vào Việt Nam hiện nay như Honda, Yamaha, Bridgestone, Giant.. đều là những thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản, Đài Loan... nhưng thực chất tất cả những sản phẩm này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong số đó, có những sản phẩm do các nhà máy của Yamaha, Honda đặt tại Trung Quốc sản xuất nhưng cũng có những sản phẩm do những cơ sở khác làm giả. Hành vi nhập lậu sản phẩm giả này đang phổ biến.
“Quản lý thị trường đã bắt được 38 vụ vi phạm trong kinh doanh xe đạp điện trong đó có hành vi nhập lậu, bán hàng giả mạo nhãn hiệu. Ngoài ra, cơ quan quản lý thị trường cũng đang xem xét thêm về mặt giá cả. Hiện nay, cơ quan đã tạm giữ 358 xe, trong đó có 156 xe giả nhãn hiệu, sẽ tịch thu tiêu hủy, phạt hành chính 75 triệu đồng”, Ông Đỗ Thanh Lam nói.
Còn theo ông Đặng Văn Công, phụ trách siêu thị xe đạp, xe đạp điện Thống Nhất, hiện nay 3 thương hiệu chiếm thị phần lớn trên thị trường là Honda, Yamaha và Bridgestone đều chưa phân phối xe đạp điện chính hãng tại Việt Nam.
Hầu hết sản phẩm xe đạp điện ngoại nhập trên thị trường hiện nay, dù có mẫu mã đẹp nhưng ác-quy, hay pin rất nhanh sụt điện, thiết bị điều khiển điện tử không tự động điều chỉnh tốc độ cho phép, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Khi sản phẩm bị hỏng, người tiêu dùng khó tìm được cơ sở bảo hành, mà chỉ có cách là thay mới.
Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi, cũng như an toàn cho gia đình, người thân, khách hàng nên chọn xe đạp điện có in dập nổi thương hiệu của nhà sản xuất trên động cơ (ở may ơ bánh sau xe), có tem chống hàng giả và có phiếu tiêu chuẩn chất lượng, trên mỗi dòng ghi các thông tin như tên xe, loại xe, thông số kỹ thuật... có đóng dấu của nhà sản xuất.
“Người tiêu dùng nên chọn sản phẩm chính hãng, chọn sản phẩm mà người ta có đảm bảo về chất lượng và chăm sóc tốt nếu khi có vấn đề gì thì quay lại nhà sản xuất, quay lại nơi bán hàng người ta chăm sóc chu đáo. Nghĩa là cái dịch vụ sau bán hàng là phải tốt và nên tìm địa chỉ bán hàng chính hãng thì mình phải tự đánh giá được nó xứng đáng với đồng tiền mình bỏ ra, tránh gây hậu quả thiệt hại cho mình, về chất lượng cũng như vì giá cả”, Ông Đặng Văn Công Khuyến cáo.
Hiện nay, do nhu cầu đi lại của người dân cao, đặc biệt là học sinh bị cấm đi xe máy thì xe đạp điện là lựa chọn tối ưu. Vì vậy, thị trường xuất hiện nhiều cửa hàng kinh doanh theo kiểu chộp giật dẫn đến tình trạng nhiều khách hàng khi mua xong không có nơi bảo trì, bảo dưỡng. Do vậy, người tiêu dùng phải cẩn thận, hãy là những người tiêu dùng thông thái.
Về phía các cơ quan chức năng, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt khu vực biên giới nhằm hạn chế ảnh hưởng đến nền sản xuất trong nước, thất thu ngân sách nhà nước./.