Thách thức dịch chuyển lao động ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam:

Thiếu lao động, khó thu hút đầu tư

VOV.VN - Thực trạng người lao động rời các tỉnh, thành phố lớn, về quê làm ăn sinh sống được nhìn nhận là xu thế tất yếu trong bối cảnh có thêm khu công nghiệp ở các địa phương. Tuy nhiên, về lâu dài, việc này sẽ khiến các tỉnh như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề.

Xu thế “dịch chuyển ngược”

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng cục Việc làm (Bộ Lao động- Thương Binh và Xã hội) cho rằng, chuyển dịch cơ cấu đầu tư trên cả nước và cơ cấu đầu tư theo ngành, lĩnh vực sẽ dẫn đến chuyển dịch lao động. Cụ thể, trong tương lai, một số thành phố lớn ưu tiên doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào sản xuất nên doanh nghiệp nhỏ, thâm dụng lao động chuyển hướng đầu tư ở tỉnh mới phát triển công nghiệp. Việc chuyển dịch về các địa phương sẽ giảm chi phí nhân công, giá thuê đất. Không chỉ dịch chuyển lao động theo vùng mà sẽ còn theo ngành nghề.

“Quá trình chuyển dịch cơ cấu đầu tư thời gian tới sẽ có 1 số ngành tổng lao động không giảm nhưng lương của những ngành đó không hấp dẫn bằng các ngành khác, nên sẽ có sự chuyển dịch cơ cấu lao động, đặc biệt sau đại dịch COVID-19. Đây cũng là 1 điểm tốt, chứng tỏ thị trường lao động bền vững và phát triển” - ông Vũ Trọng Bình đánh giá.

Dẫu là vậy, nhưng với các doanh nghiệp lớn đã bỏ ra kinh phí để đào tạo, huấn luyện người lao động từ vài tháng đến một năm mới có thể vận hành tốt dây chuyền sản xuất hiện đại, thì công nhân nghỉ việc là bài toán khá “đau đầu”. Bởi lẽ, khi thiếu một người đứng máy chuyên nghiệp có thể khiến cả chuyền phải tạm ngưng sản xuất. Việc này đồng nghĩa với chiến lược kinh doanh công ty không ổn định và sẽ khó “ghi điểm” với các tập đoàn, đối tác để mở rộng sản xuất.

Thực tế đó cũng là nỗi lo của Ban giám đốc Công ty TNHH Sonova Việt Nam, ở thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Ông Nguyễn Minh Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sonova Việt Nam cho biết, năm 2022, công ty có khoảng 8% lao động xin nghỉ với lí do về quê làm việc cho các nhà máy gần nhà. Trước mắt, doanh nghiệp phải cấp tốc huấn luyện, luân chuyển công nhân khi cần thiết.

“Công ty triển khai huấn luyện tay nghề đa năng cho nhân viên. Ví dụ, một người làm công đoạn này được luân chuyển sang công đoạn khác. Việc huấn luyện kỹ năng cho người lao động được thực hiện thường xuyên, hàng ngày. Khi có những biến động trong sản xuất dẫn đến thiếu hụt lao động tại một số tổ, nhóm thì chúng tôi điều chuyển để không gián đoạn sản xuất” - ông Hải nói.

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp ít đơn hàng, phải cắt giảm nhân công. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, với xu hướng dịch chuyển lao động, khi thị trường ổn định nhiều khả năng sẽ thiếu hụt nhân lực cung ứng cho doanh nghiệp.

Ông Thắng cho hay, việc đi hay ở là tùy hoàn cảnh, nhu cầu của bản thân người lao động, phía Trung tâm luôn tìm cách hỗ trợ tốt nhất: “Đối với người lao động muốn về quê, Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM đã liên hệ với các trung tâm việc làm của Tiền Giang, Long An để họ tiếp nhận thông tin và hỗ trợ”.

Đau đầu “bài toán” lao động

Việc lao động dịch chuyển "ngược" thể hiện rõ nhất là mỗi năm cứ sau Tết Nguyên đán, hầu hết doanh nghiệp đều không đủ 100% lao động trở lại làm việc. Đặc biệt, từ khi có dịch COVID-19 đến nay số lượng người về quê rồi ở lại hẳn tăng khoảng 10-15%.

Tại sàn giao dịch việc làm lần thứ 3 năm 2023 của tỉnh Đồng Nai, nhu cầu tuyển dụng là 865 lao động nhưng chỉ có khoảng 350 người tìm việc làm và phỏng vấn trực tiếp. Dự kiến có 220 lao động được tuyển dụng vào các lĩnh vực như: may mặc, xuất khẩu lao động, dịch vụ tài chính... Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông cao (chiếm hơn 73%), song số lao động tìm việc khá ít và chưa đáp ứng các các tiêu chí của doanh nghiệp.

Tình trạng công nhân nghỉ việc là nỗi lo rất lớn cho doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp chưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, Khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Phú, TP.HCM) nhận định: “Công nhân ở đây lương tháng 9-10 triệu đồng, vật giá ở TP.HCM thì không đủ sống. Thêm nữa là theo thời gian thì họ cũng lập gia đình, có con, nếu ở lại thành phố thì không ai trông con. Việc gửi trẻ cũng là một vấn đề, nên họ sẽ dịch chuyển về quê. Lao động dệt may thiếu trầm trọng, chúng tôi bị mất lao động, việc tuyển dụng diễn ra thường xuyên”.

Việc nhiều lao động chuyển về quê không chỉ khiến doanh nghiệp gặp khó mà còn là nỗi lo của các “thủ phủ công nghiệp “trong thu hút đầu tư. Tại Bình Dương, trong số 1,6 triệu lao động có hơn 53% là dân nhập cư. Điều này là “điểm cộng” cho tỉnh khi có lực lượng lao động dồi dào, nhưng cũng là thách thức khi xảy ra dịch chuyển lao động. Bởi ngoài quỹ đất, chính sách đãi ngộ thì vấn đề nhân lực cũng là yếu tố quan trọng khi doanh nghiệp quyết định đầu tư.

Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Bình Dương cho biết, định hướng của tỉnh là thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các ngành, lĩnh vực ít thâm dụng lao động.

“Đầu tư giảm thiểu thâm dụng lao động, thâm dụng đất đai và bảo vệ môi trường. Bình Dương muốn thu hút nguồn lao động chất lượng cao, đã qua đào tạo và phải làm chủ được dây chuyển sản xuất ở mức độ cao. Đây là vấn đề đặt ra mà tỉnh cần giải quyết song song giữa chọn lọc thu hút đầu tư và thu hút nguồn nhân lực lao động” - ông Tuấn Anh nói.

Dù hiện tại chưa đến mức thiếu hụt trầm trọng, song khi tình hình kinh tế thế giới ổn định trở lại, việc đảm bảo nguồn lao động cho sản xuất đặt ra bài toán cần "lời giải" ở những đô thị lớn như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai./.

Cùng loạt bài: Thách thức dịch chuyển lao động ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Nỗi lòng lao động xa quê

VOV.VN - Lâm vào cảnh thất nghiệp do nhiều DN bị giảm đơn hàng buộc phải cắt giảm nhân công. Không xin được việc làm, nhiều lao động đành chấp nhận quay lại quê nhà, tìm cách mưu sinh…

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cần một tổng chỉ huy để liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Cần một tổng chỉ huy để liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

VOV.VN - Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm các tỉnh: Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang với trung tâm vùng là TP.HCM. Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 53 (2005-2022), đến nay Vùng đã có những thành công nhất định trong phát triển kinh tế xã hội.

Cần một tổng chỉ huy để liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Cần một tổng chỉ huy để liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

VOV.VN - Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm các tỉnh: Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang với trung tâm vùng là TP.HCM. Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 53 (2005-2022), đến nay Vùng đã có những thành công nhất định trong phát triển kinh tế xã hội.

Đường vành đai 3 TP.HCM tạo cơ hội phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Đường vành đai 3 TP.HCM tạo cơ hội phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

VOV.VN - Giai đoạn 1 của đường vành đai 3 có chiều dài 76km, trong đó đoạn đi thấp có tổng chiều dài 53km, đoạn trên cao 13km với tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 1 là 75.377 tỉ đồng.

Đường vành đai 3 TP.HCM tạo cơ hội phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Đường vành đai 3 TP.HCM tạo cơ hội phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

VOV.VN - Giai đoạn 1 của đường vành đai 3 có chiều dài 76km, trong đó đoạn đi thấp có tổng chiều dài 53km, đoạn trên cao 13km với tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 1 là 75.377 tỉ đồng.

Tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang chững lại
Tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang chững lại

VOV.VN - Tăng trưởng của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam những năm gần đây đã chững lại, từ tăng trưởng ở mức cao xuống mức trung bình cả nước.

Tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang chững lại

Tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang chững lại

VOV.VN - Tăng trưởng của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam những năm gần đây đã chững lại, từ tăng trưởng ở mức cao xuống mức trung bình cả nước.