Thoát nghèo từ vốn vay phát triển sản xuất
VOV.VN - Hiện nay, nhiều nông dân vùng cao tỉnh Quảng Nam đã mạnh dạn vay vốn của ngân hàng để mở rộng chăn nuôi phát triển sản xuất. Nhiều gia đình có thu nhập từ 200 triệu đồng đến 800 triệu đồng/năm.
4 năm trước, anh Nguyễn Trọng Nghĩa ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đi làm công nhân, tiền lương không đủ trang trải cuộc sống. Anh Nghĩa bàn với vợ rời đồng bằng lên huyện miền núi huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam lập nghiệp. Ban đầu, anh vay ngân hàng 1 tỷ đồng rồi thuê đất lập 2 trại nuôi gà. Trại nuôi gà của anh Nghĩa được Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam ký hợp đồng hỗ trợ về kỹ thuật và công nghệ chăn nuôi.
Hiện nay, trang trại gà của anh Nghĩa có gần 20.000 con, mỗi năm bán 4 lứa, trừ chi phí, lãi từ 600 triệu đồng đến 800 triệu đồng. Anh Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, từ con giống, thức ăn đến đầu ra sản phẩm đều do Công ty cung cấp và hỗ trợ bao tiêu. Trang trại của anh Nguyễn Trọng Nghĩa hiện có nhiều người dân tộc Cơ Tu đến làm việc, thu nhập ổn định.
“Trước đây, tôi làm nông, sau đi làm công nhân, sau đó huyện có dự án kêu gọi đầu tư dần dần cũng ổn. Trước đó, cuộc sống khó khăn, bếp bênh nhưng giờ làm cũng có lãi, đỡ hơn”, anh Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
Cũng từ nguồn vốn vay ngân hàng, gia đình ông Lê Văn Nam ở thôn Ra Ê, xã A Tinh, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ông Nam đã mạnh dạn vay ngân hàng 200 triệu đồng để đầu tư kinh doanh, mở rộng trang trại chăn nuôi heo, vịt và trồng chuối. Hiện nay, gia đình ông Lê Văn Nam đã thoát nghèo, trở thành hộ có thu nhập cao tại địa phương này.
“Trước đây, mình không có nguồn vốn để làm ăn rất khó khăn, bây giờ có nguồn vốn, có cơ sở chăn nuôi. Hiện tôi còn nhận kinh doanh bên xây dựng. Sắp tới mở rộng trồng cây ăn quả như sầu riêng và cây chôm chôm. Cũng nhờ nguồn vốn vay ngân hàng, phát triển kinh tế hơn trước đây. Nay gia đình khấm khá hơn, có tiền mua xe ô tô và xe múc để làm kinh tế. Ngoài ra, tôi còn hướng dẫn bà con cách làm ăn và có nhiều hộ đã học tập làm theo”, ông Lê Văn Nam chia sẻ.
Nguồn vốn từ Ngân hàng Agribank đã giúp nhiều hộ gia đình mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm ổn định, từng bước cải thiện và nâng cao cuộc sống. Nhiều hộ đồng bào Cơ Tu đã vượt khó, vươn lên thoát nghèo. Ông Nguyễn Đình Thương, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện có gần 2.500 hộ dân vay khoảng hơn 200 tỷ đồng để phát triển sản xuất.
“Khi có vốn, bà con có điều kiện sản xuất mới, có những hộ đã tập trung làm được trang trại như hộ anh Nghĩa, doanh thu đem lại hiệu quả. Đây là mô hình để bà con học tập làm theo, tạo điều kiện cho bà con phát triển xuất, nâng cao đời sống, góp phần xoá đói giảm nghèo. Sắp tới, hệ thống mở rộng hạn mức tín dụng tạo điều kiện để bà con không bị thiếu vốn giúp bà con làm ăn tốt hơn”, ông Nguyễn Đình Thương cho biết.
Những năm qua, Agribank - Chi nhánh tỉnh Quảng Nam đã chủ động cung cấp vốn tín dụng cho hàng ngàn hộ dân phát triển kinh tế, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại, trồng cây ăn quả, nuôi trồng thuỷ sản, làm du lịch... mang lại hiệu quả rõ rệt. Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam cũng tín chấp với Agribank giúp hơn 1.000 hộ dân vay gần 800 tỷ đồng để đầu tư phát triên sản xuất. Theo đó, nhiều hộ thoát nghèo, làm giàu trên quê hương mình.
Ông Nguyễn Út, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam cho biết, nhiều hộ nông dân đã có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh, tăng vụ và mua sắm nhiều máy móc hiện đại, đẩy mạnh sản xuất, phát triển bền vững.
“Ngân hàng cùng chúng tôi phối hợp triển khai hỗ trợ nông dân vay vốn qua hình thức tín chấp đầu tư phát triển một số mô hình hiệu quả. Điển hình như mô hình nuôi gà thả vườn, nuôi heo đen bản địa đã đem lại thu nhập cho người nông dân cải thiện cuộc sống phát triển kinh tế. Đây là những mô hình điển hình mà chúng tôi hỗ trợ đầu tư nhân rộng để người dân tham quan học hỏi để áp dụng cho gia đình mình. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, chúng tôi hướng dẫn quy trình kỹ thuật, mô hình canh tác theo hướng cầm tay chỉ việc”, ông Nguyễn Út cho biết thêm./.