Thống đốc: Kiểm soát chặt vốn ngân hàng “rót” vào dự án BOT, bất động sản
VOV.VN - Thống đốc NHNN cho biết, vốn cho vay BOT, bất động sản đã giảm, nhưng ngân hàng vẫn cho vay với chủ đầu tư BOT có năng lực tốt.
Kiểm soát chặt rủi ro cho vay BOT, BĐS
Trong phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng trước Quốc hội chiều 16/11, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) nêu thực trạng: Lãi suất cho vay thương mại các dự án đầu tư lên tới hơn 11%, làm tăng giá thành như dự án BOT giao thông, bất động sản. Đại biểu Thành hỏi Thống đốc NHNN về quan điểm và giải pháp giải quyết như thế nào?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, thời gian vừa qua, với điều hành của Chính phủ và NHNN thì mặt bằng lãi suất giảm rất mạnh. Từ 2011-2016 giảm từ 7-10%, cho vay còn mạnh hơn, đến 10-11%. Một số lĩnh vực lãi suất cho vay còn cao nhưng mặt bằng bình quân chung trung dài hạn là từ 9-10%.
Một số ngân hàng cho vay BOT, theo chỉ đạo NHNN quản lý chặt chẽ dòng tín dụng và có khả năng rủi ro như bất động sản (BĐS) và một số dự án BOT. Dư nợ tăng thấp hơn so với trước đây, tỷ trọng tín dụng chiếm 1,5% dư nợ tín dụng, tuy nhiên nhu cầu vốn rất lớn cho BOT, ông Hưng cho hay.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng |
Ngân hàng vẫn cho vay với chủ đầu tư BOT có năng lực tốt
Về vấn đề cho vay đối với các dự án BOT giao thông, đại biểu Trần hoàng Ngân (đoàn TP HCM) tranh luận: Ngày 24/11 tới, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Nghị quyết về đầu tư cao tốc Bắc - Nam, trong đó tổng vốn trên 118.000 tỷ đồng (ngân sách chỉ đảm 55.000 tỷ, còn huy động trên 63.000 tỷ). Dự kiến vay ngân hàng trên 50.000 tỷ đồng. Thống đốc nói kiểm soát chặt chẽ dự án BOT là chính xác, tuy nhiên, được biết, một trong những yếu tố có thể “tắc nghẽn” là vượt quá khả năng cho vay của hệ thống tín dụng do hạn chế về mặt pháp lý. BOT của trung ương ở Mỹ Thuận hiện đang vướng cũng là vấn đề này. Đại biểu Trần Hoàng Ngân mong Thống đốc NHNN làm rõ thêm để đại biểu bấm nút thông qua nghị quyết.
Chú thích ảnh |
Thống đốc Lê Minh Hưng giải đáp: Đây là vấn đề rất lớn, nhu cầu vốn lớn nhưng rủi ro cho ngân hàng cũng là vấn đề quan trọng không kém. Nên không phải không cho vay dự án BOT giao thông mà chỉ đạo tăng cường thẩm định phương án khả thi, năng lực tài chính của chủ đầu tư để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực sự.
“Có dự án khả thi thì ngân hàng có thể tiếp tục cho vay. Quá trình khi thực hiện quản chặt tình hình sử dụng vốn của chủ đầu tư để không gây rủi ro tín dụng ngân hàng.”, ông Hưng nêu rõ./.