Thu hồi đất: Bất bình vì chênh lệch chủ yếu vào túi tư nhân
VOV.VN -Vấn đề tài chính đất đai- chênh lệch địa tô được tính lại sẽ đáp ứng phần nào yêu cầu của người dân.
Luật Đất đai (sửa đổi) thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, phóng viên VOV phỏng vấn đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP HCM) về nội dung dự thảo luật lần này.
PV: Bà đánh giá thế nào về tiếp thu giải trình của Chính phủ trong dự thảo luật đất đai sửa đổi lần này?
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: Lần tiếp thu này đã toàn diện hơn trước rất nhiều. Cụ thể, việc minh bạch trong thu hồi đất đã được thể hiện trong Luật. Thu đất phải thông báo cho người thu hồi biết trong thời hạn bao nhiêu, phải nghe ý kiến của người thu hồi đất... đã giải quyết được một số bất cập hiện nay, đặc biệt là áp đặt khi thu hồi đất. Từ Luật ra thực tế còn khoảng cách nhưng ít ra luật phải định hình được tính minh bạch đó.
PV: Một nội dung được nhiều người quan tâm là giá đất. Theo bà, qui định như bản dự thảo đã thỏa đáng hay chưa?
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: Người dân thì quan tâm đến giá đất, còn mình thu hồi đất để xây dựng các công trình làm cho đất nước phát triển thì họ ủng hộ. Nếu không có các công trình, dự án này thì làm sao đất nước phát triển được. Vấn đề là một miếng đất có thể người dân đang sử dụng để họ làm kinh tế, họ buôn bán thì cũng là làm kinh tế, giờ chuyển đổi để một người khác cũng làm kinh tế để phát triển đất nước nhưng người đó có điều kiện để làm kinh tế tốt hơn, sử dụng miếng đất hiệu quả hơn. Người dân sẵn sàng giao lại nhưng quyền lợi của họ cũng phải được đảm bảo. Luật Đất đai đã nói được điều đó, giá đất sát với giá thị trường và phù hợp với thị trường mà nó ở khu vực mang tính phổ biến. Điều 112 đã nêu 5 nguyên tắc định giá đất và tôi nghĩ là người dân ủng hộ phương án đó.
Các miếng đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng, cùng khả năng sinh lời giá phải như nhau là công bằng. Tính minh bạch có, công bằng có, hợp lý có thì người dân ủng hộ.
PV: Việc tổ chức lại cuộc sống của người dân nếu như bị thu hồi đất phải di dời chỗ ở thì nên được thực hiện như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: Đây là điều rất quan trọng. Tổ chức lại cuộc sống của người dân chứ không đơn thuần chỉ là có chỗ ở mới. Cuộc sống của họ còn là vấn đề văn hóa, giáo dục, y tế, cộng đồng dân cư nên không phải là bồi thường cho người ta bao nhiêu rồi họ muốn đi đâu ở thì đi. Tôi cho rằng, Luật Đất đai kỳ này theo hướng tiếp thu đã thể hiện được chỗ đó.
Ví dụ, trước khi thu hồi phải có chỗ ở tái định cư, phải được xây dựng hạ tầng đồng bộ, trường học, trạm y tế…
Cuối cùng, khi người dân hy sinh để đóng góp vào phát triển đất nước thì phải được ghi nhận bàng chính sách chứ không phải lời nói. Chính sách đó là chênh lệch địa tô phải được vào túi NS NN. Từ đó mới đầu tư trở lại để phát triển đất nước và các phúc lợi công cộng khác để người dân được hưởng một cách công bằng. Hiện nay, người dân bất bình là đa số chênh lệch đất rơi vào túi của tư nhân. Tất nhiên việc chênh lệch là không phủ định nhưng mức độ, tỷ lệ như thế nào phải được tính toán kỹ lưỡng. Nên tại kỳ này đặt ra vấn đề tài chính đất đai- chênh lệch địa tô phải được tính lại đã đáp ứng phần nào yêu cầu của người dân.
PV: Với nội dung của dự thảo luật lần này, các vấn đề đặc thù của TP Hồ Chí Minh có giải quyết được hay không, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: Đặc thù lớn nhất của TP HCM là quá trình đô thị hóa nhanh. Đi đối với nó là diện tích thu hồi đất khá lớn. Tất nhiên khi thu hồi đất nhiều nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Chính vì vậy, đòi hỏi khung pháp lý phải hết sức chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn để giải quyết các vấn đề bất cập cho phát triển. Bởi vì, nếu chúng ta không giải quyết thì nó đẻ ra 2 vấn đề mâu thuẫn với nhau. Quá trình đi đi lên rất nhanh của TP, một đô thị lớn, phát triển nhanh, góp phần cùng với cả nước phát triển kinh tế. Nhưng nếu không giải quyết được bất cập chính sách thì sẽ có bộ phận dân cư chịu thiệt thòi, hy sinh cho sự phát triển đó. Tôi cho rằng đấy là mâu thuẫn các nhà quản lý và lãnh đạo cần xem xét nghiêm túc.
Luật đã tiếp thu rất đáng kể về những thực tiễn bất cập từ TP HCM và từ những giải quyết của TP HCM- khu đụng đến luật, vướng về luật thì TP HCM luôn có đề nghị để các bộ ngành xem xét tháo gỡ. Từ tháo gỡ cục bộ như vậy thì đây là cơ hội để điều chỉnh luật cho phù hợp với thực tiễn đó. Đó chính là đóng góp của TP cho thực tiễn.
Ví dụ như vấn đề tái định cư, HĐND TP phải có 1 nghị quyết riêng về tái định cư, trước khi thu hồi đất phải làm dự án tái định cư trước. Bởi trước đó có thực tế là chúng ta cứ thu hồi đất, cứ đền bù nhưng tái định cứ chưa làm. Có dự án 10 năm sau dự án tái định cứ chưa làm. Trước thực trạng đó HĐND có nghị quyết là phải làm dự án tái định cư trước rồi mới tính đến chuyện thu hồi đất của người dân. Đây cũng là thực tiễn mà Luật đất đai đã ghi vào.
Thứ 2 là cùng một diện tích đất và của 1 người sử dụng đất nhưng có thể sẽ là 2 dự án khác nhau một phục vụ cho lợi ích công cộng như trường học; một là phục vụ kinh tế. Trong cơ chế đền bù thời gian qua có 2 giá khác nhau như vậy trên cùng 1 lô đất nhưng có 2 chế độ giá khác nhau thì lần này trong dự án luật có điều chỉnh vấn đề đó.
PV: Có điều nào trong dự thảo Luật mà đại biểu còn băn khoăn?
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: Cũng còn nhiều nội dung còn thiếu. Đó là vấn đề thu hồi đất. Nó vẫn là vấn đề rất nóng hiện nay cần phải nói một cách chỉnh chu hơn. Ví dụ như thu hồi vào mục đích phát triển kinh tế-xã hội. Đây là một phạm trù rộng. Khi người thực hiện chính sách đó có cái tâm trong sáng, biết nghĩ đến quyền lợi của người dân đi đôi với phát triển chung của đất nước thì không có vấn đề gì để nói. Nhưng người ta muốn lợi dụng nó thì cũng có đường để lợi dụng. Chính vì vậy việc đó cần phải tính toán để ghi vào các điều luật sao cho nó có tính thực tiễn nhất chứ không phải là lý thuyết.
Thứ 2 là điều tiết chênh lệch địa tô tôi cũng rất quan tâm. Làm sao để quyền lợi của người dân hy sinh cho sự nghiệp chung của đất nước nó phải phục vụ đúng mục đích phát triển đất nước chứ không phải đi vào túi riêng của bất cứ cá nhân nào.
PV: Theo bà, những qui định mới của Luật có giảm được khiếu kiện đất đai không?
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: Luật ra đời để điều tiết vấn đề thực tiễn đặt ra song thực tiễn luôn phát sinh nên nói rằng giải quyết triệt để bất cập thì khó nhưng ít ra nó giải quyết được bất cập mình đã thấy. Còn những bất cập phát sinh lúc đó mình sẽ điều chỉnh.
PV: Xin cảm ơn bà!/.
Ông Trương Văn Vở, ĐBQH Đồng Nai: “Vẫn băn khoăn cơ chế thu hồi đất”
Vấn đề khiếu nại của công dân liên quan đến đất đai, theo tôi chiếm phần lớn và có trên 70% khiếu nại xung quanh các vấn đề thu hồi đất và bồi thường hỗ trợ tái định cư. Dự án Luật Đất đai sửa đổi lần này đáp ứng được những nội dung cơ bản và tôi cho rằng có điểm rất mới là phần thu hồi đất có bồi thường hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ đời sống, việc làm cho người bị thu hồi đất. Theo tôi, sau khi Luật ban hành cần có những văn bản hướng dẫn kịp thời, để tổ chức thực hiện cho tốt vấn đề này. Có một điều bản thân tôi góp ý đã nhiều lần và nhiều đại biểu quan tâm xung quanh cơ chế thu hồi đất. Theo tôi, dự án luật Đất đai sửa đổi làm sao giải quyết được tách bạch những dự án phục vụ cho lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và lợi ích kinh tế xã hội. Riêng dự án kinh tế xã hội, cần phân rõ Nhà nước thu hồi đất đối với những dự án phục vụ lợi ích công cộng, hay lợi ích quốc gia và kể cả hạ tầng kinh tế phục vụ cho sự phát triển kinh tế. Nói cách khác là hạ tầng thu hồi đất để phục vụ cho việc phát triển các công trình phúc lợi xã hội. Nếu quy định thu hồi đất cho các dự án kinh tế phục vụ các dự án đầu tư thuần túy cho nhà đầu tư, theo tôi phải xem xét tính toán cân nhắc.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, ĐBQH Vĩnh Phúc: “Trong nhiều trường hợp sẽ khó thỏa thuận khi thu hồi đất”
Bởi nếu thỏa thuận dễ dẫn đến bế tắc và nhiều dự án không thực hiện được là như vậy. Ngược lại, có dự án cứ đập đi xây lại như việc đập siêu thị xây chung cư rồi xây dựng trung tâm thương mại phục vụ mục đích kinh doanh, rõ ràng vấn đề đó mang lại quyền lợi về kinh tế và phải mang tính thỏa thuận. Nếu quy định các vấn đề chung chung quá, sẽ tạo khe hở cho tham nhũng, kiện tụng kéo dài. Theo tôi phải tách bạch các việc và người dân cũng sẽ chia sẻ, đối với người thực hiện cũng có thái độ rõ ràng trong những dự án. Dự án Luật Đất đai sửa đổi lần này tốt hơn nhiều so với luật trước đó. Nhưng, còn một số điểm cần cân nhắc để phù hợp hơn. Trong từng giai đoạn, từng thời kỳ phát triển đất nước, đều có những mốc cần phải chỉnh sửa lại. Vì vậy, chúng ta cũng đừng ngạc nhiên bởi Luật được sửa lại nhiều lần. Tài sản đất đai là nguồn lực chính để phát triển kinh tế xã hội, do vậy việc sửa đổi Luật là chuyện bình thường. Đối với doanh nghiệp, Luật Đất đai sửa đổi nếu thực hiện đúng, sẽ giúp cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh và đi đúng hướng hơn, chứ không phải là cái bong bóng. Nhiều đại gia, tiểu gia phát triển từ việc mua đi bán lại đất bằng cách mua trên giấy rồi bán lại đất nền. Theo tôi, luật lần này sẽ quản lý chặt chẽ hơn những hiện tượng nêu trên. Còn những doanh nghiệp đầu tư phát triển cho xã hội, theo tôi làm đúng thì sẽ rất tốt vì Luật bảo vệ cho người thực hiện dự án và bảo vệ quyền lợi cho người dân nếu được thực thi.
Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Phải có giám sát chặt chẽ khi thu hồi, đền bù đất.
Theo tôi, giá đền bù đất từ xưa đến nay có kẽ hở trục lợi cho một nhóm lợi ích, chứ người dân không phải là nguyên nhân cơ bản gây ra khiếu kiện, khiếu nại. Vì mục đích quốc phòng hay kinh tế, an sinh xã hội, người dân vẫn sẵn sàng giao đất. Tuy nhiên, giá trị đất người dân sử dụng bao năm nay so với giá thị trường quá thấp, nảy sinh điều kiện không công bằng. Luật Đất đai sửa đổi lần này quy định rõ đền bù theo giá thời điểm thu hồi và theo tôi Chính phủ cũng nên quy định rõ ngay ai là người thu hồi và ai người giám sát, tham gia. Ví dụ: Khi các tỉnh định giá đất, Hội đồng nhân dân đóng vai trò gì? Hay ĐBQH tham gia vấn đề gì? Đó là những vấn đề và yếu tố kèm theo để đảm bảo tính chính xác trong quá trình định giá đất.