Thủ tướng cam kết tạo sân chơi bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp
VOV.VN - Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế yếu kém đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp đồng thời đề ra những giải pháp cấp bách.
Kết luận Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Đảng, Nhà nước ta thời gian qua đã tập trung làm thể chế chính sách, tạo môi trường đầu tư kinh doanh nhìn chung là tốt, tốt hơn nhiều so với trước đây.
Đoàn Chủ tọa Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016. |
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, bước vào giai đoạn phát triển mới, với tư cách một Đảng lãnh đạo, một nhà nước pháp quyền do dân và vì dân, chúng ta cần nhìn lại thực chất bức tranh hiện tại của môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta chưa thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp ra đời và phát triển.
10 tồn tại đang cản trở doanh nghiệp phát triển
Thủ tướng đã chỉ rõ 10 tồn tại đang cản trở sự phát triển thuận lợi cho doanh nghiệp: Thứ nhất, thời gian qua các luật được ban hành và đi vào ứng dụng còn chậm so với thực tế. Thậm chí, có nhiều lĩnh vực dù đã có luật nhưng việc ban hành thông tư, nghị định hướng dẫn còn quá chậm. Có tình trạng nhiều thông tư, nghị định tính thống nhất không cao, không rõ ràng, còn cảm tính, thiếu sát thực. Điều này trong thực tế người dân và doanh nghiệp còn bị kêu ca nhiều lắm. Với tư cách là Chính phủ là cơ quan kiến tạo thể chế, cần nhìn thấy những khuyết điểm này. Từ đó, quyết tâm hoàn thiện thể chế trên tinh thần không để luật pháp trì trệ, lạc hậu.
Thứ hai, chưa có cơ chế hiệu quả trong việc khuyến khích doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến để tạo ra nhiều sản phẩm thương hiệu hàng Việt Nam để bán ra nước ngoài với giá trị cao…
Thứ ba, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nước ta có xu hướng giảm, do thể chế, thủ tục góp phần làm chi phí cao.
Thứ tư, chưa có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các giải pháp đột phá, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo sản phẩm thương hiệu lớn.
Thứ năm, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp còn thấp, tỷ lệ cổ phần hóa cao nhưng số vốn hóa ra thị trường chưa đến 10%, đây là tồn tại bất cập.
Thứ sáu, thực trạng doanh nghiệp ngày càng nhỏ đi về quy mô, thiếu hụt doanh nghiệp có quy mô vừa, quy mô lớn, chỉ số khả năng thanh toán ít cải thiện, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp.
Thứ bảy, khả năng kết nối doanh nghiệp Việt với nhau, rồi kết nối DN Việt với DN FDI còn hạn chế, còn tình trạng một mình một cõi.
Thứ tám, tình trạng phí chồng phí, thanh tra, kiểm tra chồng chéo, tiêu cực gây mất nhiều thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp. Còn có một bộ phận cán bộ, đảng viên tiêu cực gây phiền hà cho doanh nghiệp ở nhiều cấp, nhiều ngành.
Thứ chín, Việt Nam có những tiến bộ về cải cách nhưng thực tế triển khai cải cách chưa đạt mục tiêu đặt ra. Kết quả cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19 của Chính phủ, sau 2 năm chưa có cải thiện rõ rệt, nhiều địa phương chưa hiểu rõ và chưa quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh.
Thứ mười, về khó khăn trong hoạt động của DN, DN Việt Nam đang bị hụt hơi, phản ánh rõ kết quả tăng trưởng của nền kinh tế thời gian qua khá tích cực nhưng chủ yếu dựa vào tăng trưởng theo chiều rộng, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thấp, mặt bằng trình độ doanh nghiệp còn thấp, nhiều cắt khúc, cải cách kinh tế thị trường chưa đồng bộ, thông suốt, huy động nguồn lực chưa hiệu quả, chưa tạo thể chết cho cạnh tranh bình đẳng. Sự hụt hơi, yếu kém của chúng ta còn nhiều vấn đề, cần phải nhìn thẳng vào đó để khắc phục, cải thiện.
Hàng trăm đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tham dự hội nghị |
10 giải pháp cơ bản trong thời gian tới
Từ những thực tế nói trên, Thủ tướng cũng nêu ra 10 giải pháp của Chính phủ trong thời gian tới, đồng thời cũng là thông điệp của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp.
1 - Trước hết, Nhà nước bảo vệ quyền lợi chính đáng, đảm ảo quyền kinh doanh của doanh nghiệp, DN được kinh doanh tất cả các lĩnh vực pháp luật cho phép.
2 - Ngoại trừ trường hợp đặc biệt phục vụ an ninh quốc phòng, tất cả các DN còn lại không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế trong tiếp cận nguồn lực, vốn, tài nguyên, cơ hội kinh doanh kể cả doanh nghiệp nhà nước cũng bình đẳng.
3 - Nhà nước đảm bảo sự ổn định lâu dài của chính sách, đảm bảo tính tiên lượng cho nhà đầu tư, cho doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư, đừng sáng nắng chiều mưa. Vấn đề này rất quan trọng, đảm bảo môi trường hòa bình thuận lợi cho doanh nghiệp. Nhấn mạnh ổn định vĩ mô, đảm bảo vấn đề an ninh, không để kẻ xấu phá hoại doanh nghiệp.
4 - Các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành chính sách, các văn bản quy định pháp lý phải quy định rõ 1 vấn đề, 1 cơ quan chịu trách nhiệm và người đứng đầu cơ quan đó chịu trách nhiệm đến cùng cho quyết định của mình.
5 - Các quy định về điều kiện phải lượng hóa được, minh bạch, dễ hiểu để nhà đầu tư đánh giá được việc tuân thủ, đáp ứng yêu cầu với chi phí thấp, giảm thiểu rủi ro. Đưa ra một quy định mới thì phải nói rõ chứ không thể để hiểu thế này, hiểu thế khác. Doanh nghiệp rất lo chuyện này.
6 - Các đơn vị nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi theo tinh thần nhà nước kiến tạo, cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.
7 – Doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò qna trọng tạo việc làm, tăng thu nhập, khơi nguồn đổi mới sáng tạo cần được tạo điều kiện cho phát triển và hội nhập. Việt Nam chỉ 1,8% doanh nghiệp vừa, 2% doanh nghiệp lớn, 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam coi doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế.
8 - Ngăn chặn có hiệu quả việc hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư, DN. Bữa nay, Bộ Công an nói rất rõ, Nhà nước, Bộ Công an không có chủ trương hình sự hóa kinh tế, trừ trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng thì phải xử lý.
9 - Các DN hoạt động phục vụ trong các lĩnh vực đặc biệt như quân sự, quốc phòng cần được quản lý chặt chẽ.
10 - Giảm dần, tiến tới loại bỏ các loại phí, phụ phí bất hợp lý. Nghị định thông tư phải thực hiện theo đúng Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Thủ tướng CP đã kết luận, yêu cầu từ 1.7.2016 phải bỏ hết các quy định cũ trái với các Luật do Quốc hội thông qua.
6 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, Chính phủ sẽ thực hiện các nhóm giải pháp để kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện khuyến khích đầu tư đảm bảo thực thi pháp luật. Trong đó, có 6 việc cụ thể:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thể chế và môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư và DN, trước hết rà soát giải quyết triệt để những vướng mắc chưa phù hợp giữa Luật Đầu tư và Luật DN, tập trung xây dựng DN nhỏ và vừa có chất lượng.
Hai là, giải quyết triệt để các vấn đề liên quan tới cấp thủ tục đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, đặc biệt với DN FDI và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.
Chúng ta coi doanh nghiệp FDI là những người bạn đồng hành với Việt Nam, khi các hiệp định đối tác như TPP, FTA… có hiệu lực. Các doanh nghiệp Nhật Bản, châu Âu phát triển về sở hữu trí tuệ, năng lực tái tạo.
Ba là, cải cách và nâng cao chất lượng các quy định về điều kiện kinh doanh. Tập hợp rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh theo hướng đơn giản hóa, loại bỏ quy định không còn phù hợp, nghiêm cấm ban hành các quy định trái luật, ban hành không đúng thẩm quyền.
Bốn là, đổi mới tư duy, phương pháp quản lý nhà nước theo hướng các doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm. Bỏ cơ chế xin - cho sang áp dụng cấp phép tự động rồi hậu kiểm. Thanh tra kiểm tra, giám sát hướng tới mục tiêu doanh nghiệp phát triển.
Năm là, trước mắt, không tăng thuế, không tăng lãi vay ngân hàng, giảm 1% trong trung dài hạn. Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu có gói hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa để đầu tư phát triển khoa học công nghệ. Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo quyền lợi giá trị tài sản của công dân, doanh nghiệp; không thanh tra, kiểm tra chồng chéo.
Sáu là, đề nghị những người đứng đầu các tỉnh trên toàn quốc phải tiếp doanh nghiệp hàng tháng. Môi địa phương thành lập đường dây nóng tiếp nhận ý kiến doanh nghiệp. Quán triệt đến từng công chức về việc xử lý hành chính, lãnh đạo các tỉnh thành phố chịu trách nhiệm trước Chính phủ về vi phạm của công chức trong phạm vi quản lý.
Thủ tướng cũng lưu ý, việc các bộ, ngành, địa phương ký cam kết chỉ là khởi đầu, sau đó phải thực hiện nghiêm. Bí thư và Chủ tịch làm rất tốt nhưng giám đốc sở, chủ tịch huyện, xã khi thực hiện mới phức tạp. Không chỉ Hà Nội và TPHCM, tất cả địa phương phải xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh kết nối chia sẻ thông tin trực tuyến giữa Chính phủ và nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo thông thoáng và điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, không cần can thiệp trực tiếp của cơ quan hành chính và có thể theo dõi trực tiếp quy trình xử lý thủ tục hành chính trên mạng.
“Đã cam kết thì các tỉnh phải làm được. Tất cả các địa phương triển khai Nghị quyết 19 tinh thần yêu cầu chỉ tiêu môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng ASEAN 4, chứ không phải chúng ta chỉ trên Lào và Campuchia. Đất nước và dân tộc anh hùng mà chỉ hơn Lào và Campuchia thì không được. Ta không làm tốt thì không có môi trường đầu tư kinh doanh tốt”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Đối với việc giải quyết kiến nghị cụ thể của doanh nghiệp về thị trường, tiếp cận vốn tín dụng, đất đai, chi phí kinh doanh, hải quan, thanh kiểm tra, báo chí truyền thông… những vấn đề này cần tổng hợp và phân loại để Thủ tướng họp và xử lý cụ thể.
Vấn đề tài nguyên môi trường cần phải giải quyết tốt; phải xử lý triệt để tình trạng hối lộ. Báo chí truyền thông phải đồng lòng cùng doanh nghiệp, bảo vệ thương hiệu Việt Nam. Báo chí phải đóng vai trò tôn vinh DN Việt Nam trên thị trường.
Chính phủ tạo ra sân chơi bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp
Xuất phát từ suy nghĩ, niềm tin và quyết tâm hành động của Chính phủ, Thủ tướng nhắn nhủ tới cộng đồng DN 7 việc lớn: Chính phủ là cơ quan tạo sân chơi bình đẳng, thuận lợi cho DN, tạo môi trường tốt nhất cho DN, phát triển và bảo vệ lợi ích hợp pháp cho DN. Quốc hội cùng Chính phủ tạo thuận lợi cho DN, các cơ quan hành pháp và tư pháp cùng phải tạo môi trường thuận lợi cho DN.
Bản lĩnh, tâm huyết và tiềm năng sáng tạo của Việt Nam còn rất lớn, Chính phủ nghiên cứu chính sách giải pháp, động viên có hiệu quả hơn và phát huy tính chủ động và sáng tạo cho DN. Trong bối cảnh nợ công lớn, thâm hụt ngân sách còn cao, sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại thì cần hạn chế rủi ro, tạo thuận lợi.
Thúc đẩy DN kinh doanh lành mạnh, lớn mạnh có khả năng vươn tầm quốc tế, đảm bảo vị thế quốc gia Việt Nam, giữ gìn an ninh quốc phòng, môi trường cạnh tranh quốc gia.
Thực hiện mục tiêu nhà nước pháp quyền là bình đẳng quan hệ kinh tế, xã hội để làm động lực quan trọng. Đồng thời, nhắn gửi tất cả doanh nhân khởi nghiệp, các DNVVN thế hệ trẻ và DN có vai trò quan trọng tạo việc làm, hình thành hệ thống, chuỗi cung ứng cho DN lớn, hướng tới xuất khẩu cho Việt Nam.
Cộng đồng DN, doanh nhân nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, nâng cao đạo đức, tôn trọng pháp luật, nói không trốn thuế, buôn lậu, gian lận thương mại, nâng cao tinh thần liêm chính trong kinh doanh.
Cơ quan nhà nước cương quyết xử lý DN làm ăn bất lương, bất chính, bất chấp lợi ích quốc gia thì phải xử lý. Chính phủ sẽ có Nghị quyết chuyên đề về phát triển DN và thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vào tháng 5 tới đây./.