Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ: Kỳ vọng quan hệ kinh tế VN- Hoa Kỳ
VOV.VN - Trong các ngày từ 29 - 31/5, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc có chuyến thăm chính thức Mỹ.
Đây cũng là lần tiếp xúc đầu tiên giữa một lãnh đạo cấp cao Việt Nam với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Được biết, ngay sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện chúc mừng và lãnh đạo cấp cao hai nước đã có cuộc điện đàm trao đổi về tương lai quan hệ Việt – Mỹ. Trong chuyến thăm này dư luận hai nước đều kỳ vọng về mối quan hệ tốt đẹp, nhất là về kinh tế giữa hai quốc gia.
Từ thương mại…
Ngay sau khi lên nắm quyền ông Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi TPP, khiến cho TPP đứng trước nguy cơ thất bại cao. Vì Mỹ là quốc gia có quy mô kinh tế lớn nhất (60%) trong 12 nước ký kết Hiệp định này, khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước những quốc gia còn lại khó có thể chấp nhận những nhượng bộ đã thỏa thuận trong đàm phán trước đó.
Giới chuyên gia cho rằng, ngay cả khi TPP được thông qua mà không có Mỹ, Hiệp định này cũng sẽ giảm đi ý nghĩa đối với Việt Nam và nhiều nước thành viên còn lại vì Mỹ được trông đợi sẽ là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất trong TPP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP, ngày 23/1/2017. (Ảnh: Reuters). |
Được biết, từ năm 2005, Mỹ đã trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng ở mức 20% trong những năm gần đây, đạt 53 tỷ USD năm 2016, trong đó Việt Nam xuất siêu 30,9 tỷ USD; Mỹ tuy nhập siêu song tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Việt Nam tăng nhanh ở mức 77%, gấp 4 lần tốc độ tăng xuất siêu dịch vụ của Việt Nam.
Với tuyên bố sẽ đánh thuế 20% hàng hóa qua biên giới của Mỹ. Nếu điều đó xẩy ra thi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Mỹ sẽ bất lợi lớn bởi thị trường Mỹ chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 và giá trị xuất siêu chỉ đủ bù đắp nhập siêu từ Trung Quốc.
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ tháng 1 năm nay chỉ đạt 3 tỷ USD, thấp hơn 600 triệu USD so với tháng 12/2016 và 10 triệu USD so với cùng kỳ năm trước; trong khi trung bình mỗi tháng của năm 2016 đạt 3,3 tỷ USD.
Ngày 2/4, Bộ trưởng Ngoại Thương Mỹ Wilbur Ross cho biết, trong vòng 3 tháng tới sẽ thiết lập một danh sách “từng quốc gia, từng món hàng, từng trường hợp gian lận” trong giao dịch với Mỹ. Theo đó, các châu lục đều bị đặt trong tầm ngắm của Mỹ. Tuy nhiên, 16 nước, trong đó có Việt Nam được Mỹ coi là trọng điểm.
Đến đầu tư…
Về đầu tư, theo thống kê, tính đến tháng 11/2016, Mỹ xếp thứ 8/112 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam với 815 dự án có tổng vốn đăng ký 10,07 tỷ USD, đồng thời xếp thứ 9/68 quốc gia tiếp nhận FDI của Việt Nam với 147 dự án đầu tư có tổng vốn đăng ký 571,38 triệu USD. Từ ngày 27-28/3, hai bên đã tái khởi động cuộc họp kỹ thuật của Hội đồng Hiệp định khung về thương mại và đầu tư song phương (TIFA).
Về khoa học, công nghệ, hai bên ký Tuyên bố hợp tác về Khoa học Công nghệ (3/2015), dàn xếp hành chính trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (5/2016).
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ tháng 1 năm nay chỉ đạt 3 tỷ USD, thấp hơn 600 triệu USD so với tháng 12/2016. |
Tuy nhiên, trong tuyên bố rút khỏi TPP, Tổng thống Donald Trump vẫn để ngỏ khả năng thành lập các FTA song phương với từng nước, đó là tín hiệu mà Việt Nam rất quan tâm để đạt được thỏa thuận mới thay thế cho Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA) có hiệu quả hơn, đồng thời tăng cường thu hút vốn đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ vào Việt Nam.
Và tài chính…
Với chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump, nhất là xu hướng bảo hộ mậu dịch có thể khiến cho thâm hụt thương mại của nước này giảm đi và đồng USD sẽ tăng giá. Cùng với chính sách hạn chế nhập cư khiến lượng kiều hối lớn từ Mỹ về Việt Nam (bình quân 4 tỷ USD/năm) cũng giảm đi đáng kể. Bởi vì khi Mỹ sử dụng đồng USD ít hơn để nhập khẩu hàng hóa, càng làm cho đồng USD tăng giá, khiến tỷ giá giữa USD và VND thay đổi bất lợi cho Việt Nam, nhất là những khoản nợ nước ngoài bằng đồng USD cũng tự động tăng lên.
Theo dự báo của IMF, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng năm 2017 với mức 2,3% và năm 2018 là 2,5%. Tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức thấp, chính sách kinh tế mở rộng làm gia tăng lạm phát kỳ vọng, khiến tốc độ tăng lãi suất ở Mỹ sẽ cao hơn. Lãi suất cao cùng với sự hỗ trợ về thuế sẽ khuyến khích các công ty Mỹ đưa lợi nhuận và việc làm từ nước ngoài về Mỹ càng kích thích đồng USD tăng giá. Khiến nguy cơ dòng vốn ngoại “tháo chạy” khỏi các nước mới nổi, trong đó có Việt Nam và VND yếu đi là có thể xẩy ra.
Cho đến nay, theo thống kê nợ của Việt Nam bằng đồng USD chiếm tới 44% tổng nợ nước ngoài (2016). Bởi vậy, nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam năm 2017 sẽ lớn hơn, tăng áp lực lên nợ công vốn đã vượt quá ngưỡng cảnh báo của IMF (65%/GDP). Khi đồng nội tệ giảm giá so với USD và lãi suất USD có xu hướng tăng, Ngân hàng Trung ương sẽ khó khăn hơn trong việc điều hành tỷ giá.
Mặt khác, việc Mỹ rút khỏi TPP càng khiến cho vai trò của Trung Quốc trong khu vực tăng lên, bởi vì Mỹ có thể thay đổi hình thức can dự vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này khiến Việt Nam buộc phải cân đối lại quan hệ ngoại thương với Trung Quốc hoặc dựa vào các hiệp định FTA khác để giảm sự lệ thuộc quá nhiều vào một nền kinh tế.
Như vậy, sau thời gian cầm quyền, nhất là khi triển khai các chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump. Sự tác động đến kinh tế toàn cầu và Việt Nam ngày càng rõ nét hơn, mặc dù ông Trump đã có những điều chỉnh nhất định.
Tuy nhiên, Việt Nam đang kỳ vọng vào chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Washington lần này có thể tháo gỡ những khó khăn, làm cho kinh tế giữa hai quốc gia phát triển theo hướng tích cực, trong bối cảnh Mỹ không còn là thành viên của TPP./.