Thủ tướng: Phải bớt nhà cao cấp, quan tâm nhà ở xã hội
(VOV)-Thủ tướng chỉ đạo cần bổ sung chính sách khuyến khích nhà đầu tư làm nhà ở xã hội; hỗ trợ người dân mua, thuê nhà ở xã hội.
Sau cuộc làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, hôm nay (19/12), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục cùng phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, các bộ ngành liên quan và các ngân hàng thương mại lớn làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP Hà Nội nhằm đánh giá thực trạng thị trường bất động sản Thủ đô, đưa ra các giải pháp cả trước mắt và lâu dài nhằm khơi thông thị trường bất động sản để phát triển ổn định và bền vững.
Bộ trưởng Xây dựng: Chúng ta bị lệch pha cung- cầu
Khác với TP Hồ Chí Minh, tình trạng đóng băng thị trường bất động sản Hà Nội xảy ra chậm hơn, số lượng dự án ít hơn, nhưng quy mô mỗi dự án và tổng thể quy hoạch đô thị lại rất lớn. Vốn triển khai dự án chủ yếu huy động từ người mua nhà và so với các dự án cùng điều kiện thì giá nhà Hà Nội cao hơn TP Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Bộ Xây dựng) |
Từ đầu năm đến nay, giá bất động sản nhà ở Hà Nội sụt giảm từ 5-10% ở tất cả các phân khúc thị trường, cá biệt có những dự án giảm tới 30 - 35% so với cùng thời điểm này năm ngoái. Hà Nội hiện đang tồn kho khoảng gần 5.800 căn hộ chung cư và 3.500 biệt thự, nhà liền kề, 175.000m2 văn phòng cho thuê... với tổng số vốn ước tính ít nhất khoảng trên 14.000 tỷ đồng.
Nợ xấu bất động sản Hà Nội chiếm khoảng hơn 13% tổng dư nợ bất động sản nhưng vấn đề nóng là đại đa số doanh nghiệp nợ bất động sản khó có khả năng thanh toán đúng hạn mà lý do chính là không bán được sản phẩm...
Tại buổi làm việc, các ngân hàng thương mại đều khẳng định nợ xấu bất động sản tại Hà Nội không đáng lo ngại. Vấn đề là các ngân hàng chủ động triển khai cơ cấu lại nợ, tiếp tục cho vay lãi suất thấp với thời gian tối đa để các dự án bất động sản khả thi, sớm hoàn thành sản phẩm, đồng nghĩa ngân hàng cũng sẽ sớm thu hồi được vốn. Các ngân hàng thương mại đề nghị có cơ chế rõ ràng xử lý tài sản thế chấp; kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp tham gia thị trường bất động sản.
Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo kiến nghị: “Cần đặc biệt kiểm soát các doanh nghiệp gia nhập thị trường bất động sản. Cần phải có sự đánh giá lại, quy định các điều kiện gia nhập thị trường này”.
Trên cơ sở phân tích nhu cầu nhà tái định cư, nhà ở cho người thu nhập thấp, người hưởng lương từ ngân sách ở Hà Nội rất lớn, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nêu rõ quan điểm của Bộ Xây dựng: tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản phải gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở, nhất là nhà ở xã hội.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề nghị: Chúng ta bị lệch pha, nếu chúng ta chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, tránh lệch pha về cung cầu, và đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân hiện nay.
Các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc đề nghị Hà Nội tùy theo các dự án cụ thể có chính sách khuyến khích chủ đầu tư tăng quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính; công bố chính thức tiến độ, lộ trình triển khai đối với từng dự án bất động sản để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng; hạ giá thành sản phẩm bất động sản gắn với triển khai các biện pháp tăng cầu tiêu dùng, trong đó nhiều ý kiến đề nghị mở tín dụng với lãi suất hợp lý hỗ trợ cho người mua nhà; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển dự án nhà ở thương mại sang hình thức cho thuê, mua…
Phải bớt nhà cao cấp, quan tâm nhà ở xã hội
Trên cơ sở lắng nghe các ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản là một trong nhiều giải pháp đồng bộ mà Chính phủ đang tập trung chỉ đạo thực hiện nhằm tháo gõ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Giải quyết nợ xấu hay hàng tồn khi thì lớn nhất vẫn là bất động sản. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trước hết là do công tác quản lý nhà nước còn nhiều yếu kém, nhất là chiến lược, quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển nhà ở.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Bây giờ, nhiệm vụ là rà soát lại quy hoạch theo hướng có cơ cấu hợp lý, bớt nhà cao cấp, quan tâm nhà ở xã hội. Dự án nào dừng, tiếp tục, dự án nào chuyển từ nhà cao cấp sang nhà xã hội. Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu ban hành chính sách. Cần bổ sung chính sách khuyến khích nhà đầu tư làm nhà ở xã hội. Hỗ trợ người dân mua, thuê nhà ở xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu TP Hà Nội ngoài chính sách chung phát triển nhà ở xã hội cần nghiên cứu đề xuất các chính sách cụ thể cả về tiêu chí, cơ chế, hỗ trợ đối với người được hưởng chính sách nhà ở xã hội, nhất là đối với người thu nhập thấp, người hưởng lương từ ngân sách và lực lượng vũ trang. Hà Nội cũng cần tính toán quỹ để mua lại nhà ở phục vụ công tác tái định cư và tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính…Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm hoàn thiện chính sách cho vay tạo cầu phát triển nhà ở xã hội hợp lý, đồng thời hạ mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp với mức giảm lạm phát. Các Ngân hàng thương mại tự cơ cấu lại nợ, trích lập dự phỏng rủi ro để xử lý nợ xấu; tích cực xử lý tài sản thế chấp và giao quyền chủ động cho Ngân hàng thương mại chịu trách nhiệm xem xét và quyết định dự án bất động sản để cho vay tiếp…Thủ tướng cũng cho rằng, không có cách nào khác, các doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản phải cung cấp thông tin minh bạch về thị trường, cơ cấu lại sản phẩm gắn với hạ giá thành cho phù hợp với thị trường…
Đồng tình với nhiều kiến nghị, đề xuất của TP Hà Nội và các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp vào dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường bất động sản để trình Chính phủ thảo luận, thông qua trong phiên họp thường kỳ sắp tới./.