Thực hiện dự án ODA ra nước ngoài phải đấu thầu
(VOV) -Ngoài ra, nhà thầu nước ngoài muốn tham dự thầu quốc tế tại Việt Nam phải liên danh với nhà thầu phụ Việt Nam.
Đây là một trong các qui định tại Dự án Luật đấu thầu sửa đổi vừa được Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh thay mặt Chính phủ trình Quốc hội.
Ưu đãi nhà thầu và hàng hóa trong nước
Một trong những điểm mới của lần sửa đổi này là phải tiến hành hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu thuộc dự án đầu tư sử dụng vốn ODA của Việt Nam ra nước ngoài và hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên trong tổng mức đầu tư.
Theo phân tích của Chính phủ, hiện nay, Việt Nam đã và đang cung cấp ODA ra nước ngoài và có các hoạt động sử dụng vốn nhà nước của các doanh nghiệp nhà nước để đầu tư ra nước ngoài (FDI) nhưng chưa có quy định để điều chỉnh các hoạt động đấu thầu đối với các nguồn vốn này. Do đó, Dự thảo Luật cần bổ sung hoạt động nêu trên.
Nhấn mạnh việc tạo điều kiện thuận lợi, tăng cường vị thế của các nhà thầu trong nước, Ban soạn thảo dự án Luật đấu thầu sửa đổi khẳng định ưu tiên phát triển nguồn lực, tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước trúng thầu và tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước. Theo đó, Dự thảo Luật đưa ra quy định yêu cầu nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu quốc tế tại Việt Nam phải liên danh hoặc ký hợp đồng với nhà thầu phụ Việt Nam. Nhà thầu nước ngoài chỉ được phép sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước không đủ khả năng thực hiện và không đáp ứng yêu cầu của gói thầu theo quy định của pháp luật.
Quy định nêu trên nhằm tiếp tục khẳng định chính sách ưu tiên phát triển nguồn lực, tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước đồng thời từng bước giúp nhà thầu Việt Nam tiếp nhận công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tự chủ, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh để tiến tới trở thành nhà thầu độc lập thực hiện các gói thầu lớn, công nghệ cao, phức tạp không chỉ tại thị trường Việt Nam mà cả trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, Dự thảo Luật (Khoản 22 Điều 32 và Khoản 4 Điều 101) đã có quy định về chế tài xử lý đối với trường hợp nhà thầu nước ngoài không tuân thủ quy định này.
Dự thảo Luật cũng khẳng định việc ưu đãi nhà thầu và hàng hóa trong nước; Khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.. “Với các quy định, khuyến khích các nhà thầu trong nước như trong dự thảo sẽ hạn chế được tối đa tình trạng “nhà thầu Việt Nam thua trên sân nhà” – Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư nói.
Gói thầu nhỏ, thời gian thực hiện ngắn hơn
Để hoạt động đầu thầu được triển khai theo đúng tiến độ của dự án và phù hợp với thực tế thực hiện của các Bộ, ngành và địa phương, Dự thảo Luật đã sửa đổi quy định hiện hành theo hướng xác định thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu phù hợp với quy mô, tính chất của từng gói thầu. Theo đó, gói thầu quy mô nhỏ, gói thầu do cấp xã, phường thực hiện, gói thầu có sự tham gia của cộng đồng sẽ có thời gian tổ chức thực hiện ngắn hơn so với các loại gói thầu còn lại.
Dự thảo Luật quy định rõ phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu theo từng lĩnh vực cụ thể: lựa chọn nhà thầu (dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp); lựa chọn nhà đầu tư.
Mặt khác, Dự thảo Luật đã bổ sung một số phương pháp mới trong đánh giá hồ sơ dự thầu. Cụ thể: Đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp; Đối với gói thầu tư vấn.
Trên cơ sở kết quả thí điểm thực hiện thành công hoạt động đấu thầu qua mạng trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2012, Dự thảo Luật bổ sung quy định về đấu thầu qua mạng nhằm minh bạch hóa và đơn giản hóa thủ tục đấu thầu, đồng thời thực hiện đầy đủ cam kết với cộng đồng quốc tế về quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tăng cường hiệu quả của hoạt động đấu thầu.
Theo đánh giá chung, sau gần 7 năm thi hành Luật đấu thầu, các hoạt động đấu thầu mua sắm sử dụng vốn nhà nước đã dần đi vào nề nếp.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, thời gian qua, hoạt động đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước cũng bộc lộ một số bất cập, thể hiện nổi bật trên các mặt như: tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong hoạt động đấu thầu chưa đồng đều và còn hạn chế ở một số địa phương; chất lượng, hiệu quả thực hiện một số công việc chuẩn bị cho hoạt động đấu thầu chưa cao; vấn đề quản lý sau đấu thầu chưa được thực hiện thường xuyên và chưa được quan tâm đúng mức… Một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của hoạt động đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước là do những hạn chế của hệ thống pháp luật về đấu thầu
Còn báo cáo giám sát của Ủy ban kinh tế của Quốc hội cũng khẳng định, qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cho thấy có tình trạng thông thầu, chỉ định thầu bất hợp lý, kéo dài thời gian thực hiện gói thầu… gây lãng phí, thất thoát nguồn vốn nhà nước. Trong quá trình thực hiện, Luật đấu thầu cũng đã bộc lộ những vướng mắc, hạn chế và bất cập như: phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu hiện hành chưa bao quát hết các hoạt động mua sắm sử dụng nguồn vốn của Nhà nước; quy định về đấu thầu trong nhiều luật, gây khó khăn cho việc tra cứu, áp dụng, gây nên tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các văn bản, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Cơ chế giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu chưa được quy định cụ thể, chặt chẽ. Thực tế cho thấy, một số hành vi lách luật hoặc không tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật đấu thầu đã phát sinh trong thời gian qua, nhưng chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh và chưa đầy đủ đối với tất cả các bên tham gia hoạt động đấu thầu; cơ chế giải quyết kiến nghị trong đấu thầu chưa hợp lý và chưa rõ ràng trong trường hợp giải quyết tranh chấp tại tòa án.
Cùng chung nhận định này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc ban hành Luật đấu thầu (sửa đổi) với vai trò là luật chung quy định về hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các gói thầu, dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước thuộc tất cả các lĩnh vực và các hình thức là cần thiết. Đồng thời, để thống nhất các nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật, góp phần xử lý mối quan hệ giữa Luật này với các luật khác có liên quan về lĩnh vực đấu thầu, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý đấu thầu, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Cũng theo nhận xét của Ủy ban Kinh tế, dự án Luật có phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Luật đấu thầu hiện hành, bổ sung các hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư khi thực hiện mua sắm sử dụng nguồn vốn của Nhà nước hiện chưa được điều chỉnh hoặc đã có quy định nhưng ở nhiều luật và văn bản dưới luật./.