Thương mại điện tử phát triển nhanh thành động lực cho xuất khẩu trực tuyến
VOV.VN - Xuất khẩu trực tuyến là một yếu tố quan trọng trong phát triển thương mại điện tử, do đó việc đặt ra mục tiêu, tham vọng cho xuất khẩu trực tuyến, tạo động lực cho doanh nghiệp bắt tay vào đầu tư và phát triển trở thành thương hiệu toàn cầu.
Năm 2024 thương mại điện tử (TMĐT) đã hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 18% - 20%, vượt mốc 25 tỷ USD. Cùng với những động lực tăng trưởng mới, dự báo thị trường này sẽ cán mốc hơn 30 tỷ USD trong năm 2025, nếu DN trong nước được hỗ trợ để đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu thông qua TMĐT.
Thương mại điện tử tạo dựng thương hiệu sản phẩm
Hiện tại, các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) Việt Nam có nhiều thuận lợi và cả thách thức trong lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới. Vì vậy, trong số các MSME hiện đang hoạt động TMĐT xuyên biên giới tham gia khảo sát, 93% khẳng định, không thể tiến hành xuất khẩu nếu không thông qua nền tảng TMĐT, như Amazon Global Selling, Alibaba hay Ebay... Chi phí logistics cao, thiếu hụt nhân tài và hạn chế kiến thức về các thị trường nước ngoài,… là những rào cản lớn khiến các MSME ngần ngại mở rộng đầu tư vào phát triển TMĐT xuyên biên giới.
Từ thực thế tiếp thị, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm của địa phương qua các kênh TMĐT, ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên khẳng định, việc kết nối tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh qua TikTok là một bước đi quan trọng, để không chỉ quảng bá hình ảnh xứ chè mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. “Thái Nguyên sẽ hợp tác với TikTok để xây dựng phương án triển khai lâu dài, với mục tiêu chính là tiêu thụ nông sản, đặc biệt là chè - sản phẩm chủ lực của Thái Nguyên”, ông Chính khẳng định.
Nhận thấy nhiều địa phương, ngành hàng và DN chưa được khai thác và quảng bá hết tiềm năng của TMĐT trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, ông Nguyễn Lâm Thanh, Tổng Giám đốc Tiktok Việt Nam cho biết, trong hơn 2 năm qua, đơn vị đã triển khai chuỗi chương trình hỗ trợ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để nâng cao năng lực kỹ năng số cho các địa phương.
"Trên nền tảng Tiktok, thông qua những góc máy, cách kể chuyện truyền tải thông tin của các nhà làm nội dung sẽ góp phần lan tỏa sản phẩm. Mục tiêu của Tiktok sẽ xây dựng thương hiệu các sản phẩm, bao gồm cả những nét văn hóa, lịch sử, nguồn gốc từ đó thúc đẩy tiêu thụ để phát triển kinh tế, xã hội", ông Lâm Thanh nhấn mạnh.
Cấp thiết cần đầu tư nguồn nhân lực chất lượng
Hiện nay, 95% MSME Việt Nam được khảo sát cho biết gặp khó khăn đặc biệt trong việc tìm kiếm nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới. Các DN cho rằng họ thiếu hiểu biết về các quy định nhập khẩu qua TMĐT tại thị trường nước ngoài và mong muốn được trang bị thêm kiến thức.
Trong khi đó, Việt Nam chuẩn bị bước qua giai đoạn khởi động của xuất khẩu trực tuyến, năm 2025 là năm bản lề để từ năm 2026 xuất khẩu trực tuyến bước sang giai đoạn mới - giai đoạn cất cánh. Điều này phù hợp với nhận định của ông Đoàn Quốc Tâm - Trưởng Ban hợp tác, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) khi cho rằng, điều kiện đầu tiên để xuất khẩu trực tuyến có thể chuyển sang giai đoạn cất cánh, là các MSME cần chủ động đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao, giỏi ngoại ngữ, có năng lực sáng tạo phát triển sản phẩm độc đáo và xây dựng thương hiệu để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trực tuyến ở nước ngoài.
“Bên cạnh việc xây dựng website hay ứng dụng di động của riêng mình, các MSME nên khai thác các lợi thế từ các nền tảng xuất khẩu trực tuyến tuyến có uy tín trên thế giới để nhanh chóng tiếp cận thị trường toàn cầu. Các cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT, kinh tế số, logistics, hải quan cần nắm bắt xu hướng phát triển, coi xuất khẩu trực tuyến là một phần quan trọng của TMĐT và đề xuất các chính sách và giải pháp cụ thể, hỗ trợ hiệu quả các MSME xuất khẩu trực tuyến”, ông Tâm đề xuất.
Để hỗ trợ cộng đồng MSME đang gặp nhiều vướng mắc trong vấn đề xuất khẩu trực tuyến, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, lãnh đạo Cục đã giao Trung tâm Phát triển TMĐT nghiên cứu, phát triển Hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến (Ecomex) với các giải pháp cụ thể, nhằm hiện thực hóa định hướng của Chính phủ, chung tay hỗ trợ các DN Việt Nam đưa những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tiếp cận thị trường quốc tế qua TMĐT.
“Cùng với đó, Cục TMĐT và Kinh tế số thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn về TMĐT nói chung và TMĐT xuyên biên giới nói riêng, với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phổ biến các quy định, thủ tục và kiến thức mới cho đối tượng quản lý nhà nước và cộng đồng DN”, bà Huyền cho hay.
Bộ Công Thương cho biết, đang khẩn trương xây dựng Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2026 - 2030; trong đó Dự thảo đã đề xuất, đưa xuất khẩu trực tuyến là một bộ phận quan trọng của phát triển TMĐT, với các mục tiêu, chính sách và giải pháp cụ thể để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp MSME xuất khẩu trực tuyến.
Việc đặt ra mục tiêu, tham vọng cho xuất khẩu trực tuyến, với sự hỗ trợ cùng phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp MSME trong nước bắt tay vào đầu tư và phát triển để trở thành thương hiệu toàn cầu.