Thương mại điện tử tạo đà cho doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển
VOV.VN - Nắm bắt thế mạnh của công nghệ số, các bạn trẻ đã tiếp cận người tiêu dùng qua các trang mạng xã hội và đăng ký danh mục sản phẩm lên các sàn TMĐT.
Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT), bán hàng đa kênh trở thành xu hướng. Đây cũng là cơ hội cho những người khởi nghiệp trong quá trình tiếp cận khách hàng và xây dựng thương hiệu. Thực tế, nhiều DN khởi nghiệp ở Đắk Lắk đã tận dụng tốt cơ hội do TMĐT mang lại để tạo đà cho sự phát triển.
Thành lập vào năm 2021 bởi những người trẻ năng động, Công ty Thương mại Epis, huyện M Đrăk, tỉnh Đắk Lắk, kinh doanh các loại mỹ phẩm được làm từ các nguyên liệu tự nhiên của địa phương. Nắm bắt thế mạnh của công nghệ số, các bạn trẻ đã tiếp cận người tiêu dùng qua các trang mạng xã hội và đăng ký danh mục sản phẩm lên các sàn TMĐT.
Chị Lê Thị Hồng Thơm, Phó Giám đốc công ty cho biết, hiện nay sản phẩm của DN đã có mặt trên tất cả các sàn giao dịch TMĐT quen thuộc, được đông đảo người tiêu dùng biết đến và có lượng tương tác cao, như Shoppee, tiki, lazada, tiktokshop… Điều này đã giúp DN giảm được rất nhiều chi phí quảng bá và tiếp thị sản phẩm.
“Là DN khởi nghiệp nên vẫn còn nhiều hạn chế về chi phí mặt bằng. Việc bán hàng trên các sàn TMĐT và internet đã là điểm mạnh và là lợi thế giúp DN tiết kiệm nhiều chi phí trong việc thuê mặt bằng hay những thứ DN chưa sẵn có”, chị Thơm cho biết.
Cũng chọn cách tiếp cận và mở rộng thị trường từ những lợi thế của TMĐT, Công ty thương mại Kim Long, ở huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk đã nhanh chóng có những bạn hàng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
“Sản phẩm đưa ra thị trường là sản phẩm mới, chính vì thế DNđã dựa trên những nền tảng online là chính. TMĐT chiếm đến hơn 50% doanh thu từ hoạt động bán hàng. Việc sử dụng websize, cũng như các nền tảng online trong việc bán hàng là một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh của DN”, ông Đỗ Ngọc Anh, đại diện doanh nghiệp cho biết.
Theo ông Hoàng Minh Ngọc Hải, Giám đốc Trung tâm kết nối và chuyển đổi số, Hiệp hội doanh nghiệp Đắk Lắk, con số thống kê hiện nay 70% dân số Việt Nam tiếp cận Internet và đa phần là người trẻ. Mua sắm trên các sàn TMĐT dần trở thành thói quen của người tiêu dùng, từ đó DN hoàn toàn có thể tiếp cận với một lượng lớn khách hàng tiềm năng. Hiệp hội đã có nhiều chương trình và giải pháp được triển khai, hỗ trợ các doanh nghiệp Đắk Lắk kết nối, tiêu thụ sản phẩm, nhất là nông sản địa phương trên môi trường trực tuyến.
“Chúng tôi đã mở rộng và kết nối với hơn 28 đối tác công nghệ để hình thành hệ sinh thái TMĐT đủ tốt, cạnh tranh để giúp DN có được những giải pháp tốt nhất. Những giải pháp này cũng đã được chứng minh về tính bảo mật và tính hiệu quả. Khi DN được các đơn vị có kinh nghiệm đồng hành, DN sẽ vượt qua những rào cản của TMĐT, gặt hái được những thành công trên môi trường số”, ông Hoàng Minh Ngọc Hải cho biết.