Thương mại hàng hóa và sản xuất ngày càng phụ thuộc nhiều vào dịch vụ
VOV.VN - Thông tin này được nêu tại Đối thoại công tư về dịch vụ trong khuôn khổ Hội nghị FBCDM thuộc APEC 2017.
Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương (FBCDM) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương do Bộ Tài chính cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì đã chính thức khai mạc ngày 23/2, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC tại Nha Trang (Ảnh: TTXVN) |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhấn mạnh, Hội nghị Thứ trưởng tài chính và Phó Thống đốc ngân hàng sẽ thảo luận đánh giá tình hình và triển vọng kinh tế toàn cầu, khu vực, nhận diện những cơ hội, thách thức chung.
Từ đó có những giải pháp hợp tác thiết thực, hiệu quả nhằm giảm thiểu rủi ro, phát triển bền vững, vun đắp cho một tương lai tốt đẹp. Hội nghị cũng sẽ cập nhật tiến trình thực hiện Chương trình hành động Cebu, tổng hợp những sáng kiến, sản phẩm sẽ triển khai tới đây nhằm thực hiện thành công Chương trình hợp tác.
Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, sau khi tham vấn, ý kiến các nền kinh tế thành viên đã đề xuất nội dung thảo luận trong khuôn khổ Tiến trình Bộ trưởng tài chính APEC 2017 tập trung vào các vấn đề: Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng; Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai; Xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận; Tài chính toàn diện. Các chủ đề nghiên cứu sẽ được báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng tài chính vào tháng 10 năm nay.
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: SGGP) |
Tại Đối thoại công tư về dịch vụ trong khuôn khổ Hội nghị, bà Phạm Quỳnh Mai, Phó phụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, thương mại dịch vụ ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế và sự tăng trưởng kinh tế của một quốc gia cũng như khu vực.
Bà Mai lưu ý: Càng ngày, thương mại hàng hóa và các lĩnh vực sản xuất trong nền kinh tế càng phụ thuộc nhiều hơn vào sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ như: dịch vụ phân phối, vận tải và logistics, viễn thông, tài chính... Hơn nữa, thương mại dịch vụ cũng là lĩnh vực có nội hàm và cơ cấu phân ngành đa dạng nhất và đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc của nền kinh tế hiện đại.
Thực tế đã cho thấy, những nền kinh tế có tỷ lệ thương mại dịch vụ càng lớn trong GDP, nền kinh tế đó càng ở giai đoạn phát triển cao hơn so với những nền kinh tế có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp hoặc sản xuất cao trong GDP.
Xét tầm quan trọng của lĩnh vực dịch vụ đối với khu vực cũng như nhận thấy hợp tác về thương mại dịch vụ trong APEC chưa tương xứng với hợp tác về thương mại hàng hóa, năm 2015, các Nhà Lãnh đạo APEC đã thông qua Lộ trình Cạnh tranh về Dịch vụ APEC (ASCR) tại Hội nghị các Nhà Lãnh đạo Cấp cao APEC lần thứ 24 (AELM 24) với mục tiêu thiết lập một môi trường dịch vụ cạnh tranh bình đẳng và minh bạch trong khu vực tới năm 2025.
Các nền kinh tế thành viên cũng đã đặt ra mục tiêu của Lộ trình là đến năm 2025, APEC sẽ vượt mức 6,8% tăng trưởng dịch vụ đã từng đạt được trong lịch sử và tỷ lệ phần trăm giá trị gia tăng của lĩnh vực dịch vụ trong GDP khu vực APEC sẽ cao hơn mức bình quân của toàn thế giới/..
Khai mạc Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc các nước APEC