Thương mại Việt Nam-Ấn Độ đang tăng mạnh
(VOV) - Trong chính sách “hướng đông” của mình, Ấn Độ xem Việt Nam là trung tâm để đi đến toàn bộ các nước trong khối ASEAN
Quan hệ Việt Nam và Ấn Độ đã phát triển toàn diện và sâu sắc trong tất cả các lĩnh vực ở cả cấp độ song phương, khu vực và thế giới. Vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công thương) cho rằng, trong tương lai, với những nền tảng vững chắc đã và đang được xây dựng, quan hệ giữa hai nước sẽ còn tiếp tục được củng cố và phát triển hơn nữa, góp phần cụ thể hóa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam- Ấn Độ đã được Lãnh đạo cấp cao hai nước thiết lập vào năm 2007.
Kim ngạch thương mại tăng cao qua từng năm
Giai đoạn 2006- 2012 chứng kiến tốc độ trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ tăng liên tục với tốc độ cao qua từng năm. Nếu năm 2006 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam- Ấn Độ chỉ đạt 1,018 tỷ USD, đến năm 2012 tổng giá trị trao đổi hàng hóa đã đạt 3,943 tỷ USD tăng gần 4 lần.
Hai nước phấn đấu nâng đưa kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, năm 2012, Việt Nam xuất sang Ấn Độ 1,782 tỷ USD tăng trưởng 14,7% và đã vượt qua giá trị xuất khẩu của cả năm 2011 là 1,553 tỷ USD. Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ 2,161 tỷ USD, giảm 7,9%.
Dẫn các con số thống kê cụ thể, Th.s Bùi Trung Thướng- Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ khẳng định: Tổng giá trị xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn tăng đều hàng năm, tuy nhiên, về chỉ số tương đối, nếu so sánh tốc độ tăng trưởng của năm trước với năm sau, chỉ số này đang cho thấy xu hướng giảm đáng kể. Tổng kim ngạch nhập khẩu trong năm 2012 giảm gần 8% so với năm 2011.
Trong tổng giá trị xuất nhập khẩu, tăng trưởng xuất khẩu hàng Việt Nam tăng liên tục với tốc độ cao hơn so với giá trị hàng nhập khẩu, tổng giá trị hàng xuất khẩu trong năm 2006 chỉ đạt 138 triệu USD đầu năm 2012 đã tăng gấp 13 lần, trong đó năm 2008 và 2010 tốc độ tăng tương ứng đạt 116 và 136% so với năm trước.
Trong giai đoạn này, Việt Nam vẫn luôn là nước nhập siêu từ Ấn Độ, tuy nhiên xu hướng này đã giảm rõ rệt, trong năm 2012 thâm hụt cán cân thương mại chỉ còn 379 triệu USD giảm trên 50% so với năm 2011, chỉ bằng 21,26% giá trị xuất khẩu, trong khi đó năm 2006 thâm hụt cán cân thương mại gấp 5,4 lần giá trị xuất khẩu.
Có được kết quả này, không thể không kể đến hiệu lực của Hiệp định thương mại hàng hóa trong khuôn khổ Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN- Ấn Độ (AITIG) được Bộ trưởng các nước ASEAN và Ấn Độ ký kết ngày 16/8/2009 tại Bangkok (Thái Lan) và có hiệu lực từ ngày 1/6/2010 đối với Việt Nam.
Kể từ khi Hiệp định AITIG có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của đa số các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh đều tăng, trong đó có một số mặt hàng tăng trưởng rất cao như Cao su tăng trưởng 641%, điện thoại các loại và linh kiện tăng trưởng 448,57%...
Cao su và các sản phẩm chế biến từ cao su là một điểm sáng của những mặt hàng cuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Ấn Độ, trong năm 2012 tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này đạt 211,57 triệu USD, tăng trưởng 93,74% so với mức 109,20 triệu USD của năm 2011.
Các mặt hàng xuất khẩu có giá trị tăng trưởng cao còn có: điện thoại các loại và linh kiện 469 triệu USD, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 238 triệu USD, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện 159 triệu USD, cà phê 58 triệu USD.
Chỉ tính riêng 05 nhóm hàng này, giá trị kim ngạch xuất khẩu đã chiếm 64,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 03 nhóm hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao là điện thoại, máy móc thiết bị và sản phẩm điện tử chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu đã góp phần tăng tính bền vững của kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang thị trường này. Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu trong kỳ đều có kim ngạch tăng trưởng, đã góp phần đưa tỉ trọng nhóm hàng này trong cơ cấu hàng xuất khẩu đạt 21,7% so với mức 15,6% của cùng kỳ năm trước.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu có giá trị xuất khẩu giảm thì nhóm hàng quặng, khoáng sản khác và sắt thép có mức sụt giảm mạnh nhất khi chỉ đạt tương ứng 1,17 triệu USD và 36,5 triệu USD (giảm 95% và 68%) do nhu cầu nhập khẩu của thị trường giảm.
Về nhập khẩu chỉ, có 15/33 nhóm hàng được thống kê có giá trị kim ngạch tăng trưởng. Ngô, phân bón các loại, hóa chất là những nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng nhập khẩu cao nhất với các mức tăng tương ứng là 128%, 34% và 30%. Trong đó có 5 mặt hàng nhập khẩu lớn gồm: Ngô hạt 330 triệu USD, thức ăn gia súc và nguyên liệu 285 triệu USD, dược phẩm 236 triệu USD, bông các loại 111 triệu USD. Đây cũng chính là những mặt hàng nhập khẩu chủ lực của ta từ thị trường này trong thời gian vừa qua.
Điểm đến đầu tư hấp dẫn của doanh nghiệp Ấn Độ
Vụ châu Phi, Tây Á, Nam Á cho biết, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến ngày càng hấp dẫn cho các nhà đầu tư của Ấn Độ. Chỉ riêng trong năm 2012, Việt Nam đã đón nhận thêm 10 dự án mới với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 19,35 triệu USD và đứng thứ 22 trong tổng số 55 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào nước ta trong năm nay.
Nếu tính lũy kế các dự án đầu tư của Ấn Độ còn hiệu lực đến hết năm 2012, thì tổng vốn đầu tư của Ấn ộ vào nước ta hiện là 252,35 triệu USD, đứng thứ 30 trong tổng số 98 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào nước ta. Hoạt động đầu tư trực tiếp của các nhà đầu tư Ấn Độ tại Việt Nam diễn ra tập trung ở các ngành công nghiệp, dịch vụ, chế biến nông sản với một số dự án tiêu biểu như nhà máy Cà phê hòa tan Ấn Độ tại Đăk Lăk, nhà máy Chế tạo bột than đen tại Vũng Tàu, Nhà máy Chế biến thức ăn gia cầm tại Tây Ninh...
Trong năm 2012, cùng với hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức tại ở cả Việt Nam và Ấn Độ, nhiều đoàn doanh nghiệp Ấn Độ đã trực tiếp vào Việt Nam tìm kiếm đối tác và cơ hội đầu tư. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tích cực chủ động thâm nhập thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường Ấn Độ trong năm 2012 thông qua việc tham dự Hội chợ thương mại ASEAN-Ấn Độ, tham gia đoàn giao thương, xúc tiến thương mại tại các thành phố Kolkata và New Delhi…
Bên cạnh đó, việc Việt Nam đã tích cực hội nhập vào hệ thống kinh tế đa phương, như việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tham gia các thỏa thuận kinh tế khu vực (ASEAN và ASEAN+, v.v...) đã đem lại môi trường kinh doanh thân thiện và cởi mở hơn cho các công ty nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp đầu tư Ấn Độ nói riêng.
Trong chính sách “hướng đông” của mình, Ấn Độ xem Việt Nam là trung tâm để đi đến toàn bộ các nước trong khối ASEAN. Đây chính là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh kinh tế thương mại với Ấn Độ.