Tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp cần câu trả lời từ thực thi Luật đất đai
VOV.VN - Tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay. Tuy vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia tại các địa phương hoạt động tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Luật đất đai 2024 có hiệu lực thi hành sẽ là chìa khoá để các địa phương hỗ trơ, thúc đẩy các cá nhân, tổ chức tham gia tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp ở quy mô lớn, nâng cao được năng suất, sản lượng và thu nhập từ nông nghiệp.
Trên cánh đồng 100ha tại xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long các thành viên của Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Tấn Ðạt đang cùng nhau trao đổi về tình hình sinh trưởng của trà lúa xuân vừa gieo cấy được gần 1 tháng. Gần 8 năm qua, hàng trăm xã viên và người lao động của hợp tác xã cùng góp đất để tập trung lại thành một cánh đồng lớn sản xuất lúa hữu cơ.
Trong 8 năm qua, đơn vị đã được cấp 4 chứng nhận quốc tế cho sản phẩm lúa hữu cơ, với doanh thu năm 2024 đạt hơn 5 tỉ đồng. Hiện mỗi ha đất xã viên góp đất sản xuất được hợp tác xã chi trả tiền thuê là 60 triệu đồng/năm.
Ông Đoàn Văn Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt chia sẻ, thành quả trong sản xuất của đơn vị chính là nhờ việc tích tụ ruộng đất thông qua việc thuê đất của nông dân. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ hướng dẫn rất cụ thể về các quy định của pháp luật liên quan đến đất sản xuất, hỗ trợ hợp tác xã về máy móc, thiết bị sơ chế, bảo quản, đóng gói lúa, gạo. Mới đây, hợp tác xã cũng đã thực hiện liên kết với các hợp tác xã trong tỉnh Vĩnh Long mở rộng vùng trồng lúa hàng hoá với diện tích dự kiến gần 300ha.
"Xây dựng điều lệ của hợp tác xã là khi bà con tham gia phải góp đất vào hợp tác xã đó là suy nghĩ về tích tụ ruộng đất đầu tiên. Khi bà con tham gia góp đất vào thì hợp tác xã phải đảm bảo thu nhập cho bà con cao hơn so với bà con tự sản xuất" - ông Tài cho biết.
Sự thành công của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt trong sản xuất lúa hữu cơ là minh chứng cho sự thành công của việc tích tụ ruộng đất, sản xuất ở quy mô lớn. Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia việc tích tụ ruộng đất thông qua việc thuê hoặc chuyển nhượng đất nông nghiệp ở các địa phương vẫn còn diễn ra chậm, chưa phổ biến.
Ông Nguyễn Văn Liêm, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long nêu thực tế: Tại địa bàn tỉnh, trung bình mỗi hộ dân chỉ có vài nghìn m2 đất nông nghiệp, nhiều hộ chưa chủ động thực hiện liên kết sản xuất. Điều này dẫn tới việc tích tụ ruộng đất gặp nhiều khó khăn.
Ông Liêm cho rằng, việc thực thi Luật đất đai 2024 sẽ là tiền đề quan trọng để thúc đẩy việc tích tụ, tập trung ruộng đất. "Luật đất đai năm 2024 đã góp phần giúp cho tỉnh khuyến khích được việc tập trung, tích tụ đất đai, khắc phục được tình trạng manh mún nhỏ lẻ tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hoá công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đang khuyến khích các mô hình liên kết, hợp tác xã với cơ chế thuê đất lâu dài", ông Liêm nói.
Luật Đất đai 2024 đã có quy định về tích tụ, ruộng đất. Cụ thể, tại điều 83, Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai (nghị định 102) quy định: Tổ chức kinh tế, cá nhân thực hiện tập trung đất nông nghiệp tự thỏa thuận với người sử dụng đất về các nội dung sau: Phương thức tập trung theo quy định tại khoản 1 Điều 192 Luật Đất đai đối với từng người sử dụng đất, từng diện tích đất.
Điều 84 quy định: Tổ chức kinh tế thực hiện tích tụ đất nông nghiệp thông qua các phương thức: Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đất nông nghiệp; Nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Từ đây có thể thấy Luật đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đưa ra những quy định khá chi tiết về vấn đề tích tụ đất đai trong nông nghiệp.
Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Bến Tre đánh giá: "Luật đất đai mới có nhiều điểm tích cực, mở rộng các đối tượng sử dụng, quyền sử dụng đất cũng nói rõ hơn về khâu tích tụ đất đai… tôi thấy rằng đây là những điểm tích cực, rất mở và sẽ có tác động tích cực giúp doanh nghiệp tham gia sản xuất đồng hành cùng với người dân…".
Thực tế hiện nay, vấn đề tích tụ ruộng đất tại các địa phương chủ yếu diễn ra với hình thức thuê đất. Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, huyện Đức Huệ, Long An cho rằng, hiện nay ở nhiều nơi các cá nhân đang thuê đất hoặc được giao khoán nông nghiệp với thời gian quá ngắn, điều này làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất lâu dài của người dân. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đất đai 2024 có liên quan cần bổ sung thêm các quy định về chuyển nhượng hợp đồng giao khoán, thuê đất tạo điều kiện để thực hiện tập trung đất nông nghiệp.
"Kiến nghị chính sách cho người trực canh tiếp tục được thuê ngay chỗ họ đang canh tác làm sao nhẹ nhàng các thủ tục lại để cho người dân tiếp tục sản xuất nếu mà nó phù hợp với quy hoạch. Hai là xem xét cho việc sang nhượng hợp đồng giao khoán. Xem đây như là một hình thức tích tụ đất đai rất hợp lý trong hiện nay" - ông Đức chia sẻ.
Tích tụ ruộng đất là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Với những quy định liên quan đến vấn đề này trong Luật đất đai 2024 cần được các địa phương triển khai cụ thể. Từ đây, các ngành chức năng, chính quyền các cấp cần đưa ra những kiến nghị đề xuất để hoàn thiện các quy định pháp luật về đất đai. Chính bản thân các cá nhân, tổ chức kinh tế có nhu cầu tích tụ ruộng đất cũng cần tìm hiểu nắm rõ các quy định của Luật đất đai 2024 để đảm bảo thực thi đúng theo quy định pháp luật, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản.