Tiền ngân hàng tồn kho, vì sao DN vẫn khát vốn?
VOV.VN - Hiện nay, tiền trong ngân hàng vẫn "tồn kho" trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) lại rơi vào tình trạng khó tiếp cận vốn.
Chính phủ và Quốc hội đã có nhiều chỉ đạo trong vấn đề tăng cường khả năng, vai trò “bà đỡ” của ngân hàng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Về cơ chế chính sách, kể từ đầu năm 2023 đến nay, ngành nhàng đã 4 lần hạ lãi suất điều hành để các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong tiếp cận vốn.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các ngân hàng thương mại hạ lãi suất, tổ chức các hội nghị kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp để tìm ra khó khăn, chia sẻ khó khăn và giải quyết tận gốc những vướng mắc của các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn ngân hàng.
Chữa bệnh thừa tiền khó hơn chữa bệnh thiếu tiền
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, nền kinh tế đang trải qua khoảng thời gian vô cùng khó khăn và thách thức khiến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn thấp, điều này khiến tăng trưởng tín dụng chậm.
Theo thống kê, tín dụng 8 tháng đầu năm 2023 tăng 5,33%, trong khi tín dụng cả năm 2022 tăng hơn 14%. Tính đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%, nhích nhẹ so với con số 5,33% cuối tháng 8. Sau nhiều lần giảm lãi suất liên tiếp, các tổ chức tín dụng cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 19.000 tỉ đồng.
Lãnh đạo NHNN cho rằng, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp nói chung hiện nay là vấn đề tiêu thụ sản phẩm ở cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu vì nhu cầu tiêu dùng đều giảm. Doanh nghiệp khó khăn tác động trực diện tới các ngân hàng. Nếu ngân hàng còn duy trì lãi suất cao thì không doanh nghiệp nào “chơi” với ngân hàng.
“Vốn ngân hàng đang dư thừa, nói cách khác ngân hàng đang phải chữa bệnh thừa tiền. Chữa bệnh thiếu tiền đã khó, nhưng chữa bệnh thừa tiền còn khó hơn. Nếu thiếu tiền, NHNN có thể cho vay tái cấp vốn, nhưng thừa tiền, thì ngân hàng không thể mang lên NHNN gửi được”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nêu thực tế.
Theo Phó Thống đốc, thúc đẩy tín dụng, cần có sự tháo gỡ từ hai phía. Đầu tiên, phải tháo gỡ cho doanh nghiệp khó khăn về thị trường, về tạm trữ… để doanh nghiệp yên tâm vay vốn. Bởi ngân hàng không thể cho vay nếu doanh nghiệp cứ “xua tay” không cần vốn.
Bên cạnh đó, phía ngân hàng cũng phải tích cực phát huy vai trò chủ động, giảm thêm lãi vay và đơn giản hóa thủ tục để hỗ trợ khách hàng, ông Đào Minh Tú nêu rõ.
Gỡ khó về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cân đối dòng tiền. Chia sẻ tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản ĐBSCL mới đây, đại diện tập đoàn Lộc Trời cho biết, dù là doanh nghiệp nông nghiệp hàng đầu, hoạt động trên toàn chuỗi sản xuất lúa gạo Việt Nam, được ưu tiên vay vốn nhưng chính Lộc Trời cũng đang gặp khó khi tiếp cận tín dụng.
Chia sẻ khó khăn về hạn mức vay vốn, lãnh đạo doanh nghiệp thủy sản Năm Căn (Cà Mau) cho hay, do tín dụng phân bổ kiểu "cào bằng" cho cả năm, nên lúc cao điểm, doanh nghiệp không được vay thêm vốn ngân hàng, không có tiền thu mua.
Vị này đề xuất, ngân hàng thương mại mạnh dạn cho hạn mức linh hoạt trong từng thời điểm, không cứng nhắc, đồng thời theo sát tình hình kinh doanh của doanh nghiệp để cho vay hợp lý.
Cùng với đó, cần tiết giảm chi phí lãi suất để giúp doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Ngân hàng nên linh hoạt hạn mức cũng như thời điểm vay vốn phù hơp với hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế của doanh nghiệp.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu thực tế: Hiện nay sức khỏe của doanh nghiệp của nhiều ngành hàng đang rất gay go. Trong bối cảnh này, dòng vốn nên tập trung vào những ngành hàng đang tiềm năng, đang tăng trưởng tốt. Theo đó, các ngân hàng và các ngành hàng cần chủ động hợp tác với nhau để đẩy dòng vốn.
Để ngân hàng, doanh nghiệp gặp nhau, theo ông Tuấn, doanh nghiệp phải nâng cao khả năng quản trị, minh bạch sổ sách, phía ngân hàng cũng hạn chế các loại phí, các ràng buộc hợp đồng khác.
Không còn nhiều dư địa để hạ thêm lãi suất
Theo phân tích của PGS. TS. Phạm Thế Anh (Trường đại học Kinh tế quốc dân), Việt Nam không còn nhiều dư địa để hạ thêm lãi suất. Chuyên gia này nêu 3 lý do: Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cao; điều kiện lãi suất thực dương trong nước (lãi suất huy động ngắn hạn đã xấp xỉ bằng lạm phát lõi); cam kết ổn định tỷ giá và dòng vốn ngoại.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành. Trong bối cảnh tỷ giá liên tục tăng từ đầu tháng 8 tới nay, dư địa giảm thêm lãi suất điều hành không nhiều. PGS. Phạm Thế Anh cho rằng, thay vì lạm dụng các công cụ tiền tệ, Việt Nam nên theo đuổi định hướng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ - tăng cường chi tiêu/giảm thuế trong thời kỳ khó khăn và ngược lại.
Còn theo chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Cấn Văn Lực, việc tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế không chỉ "cứu" doanh nghiệp mà cũng chính là cứu ngân hàng.
Song, TS. Cấn Văn Lực cũng nhận định, giảm lãi suất chỉ là một vế của vấn đề, là điều kiện cần. Điều kiện đủ là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp mới quan trọng. Vấn đề là làm thế nào tăng cả cung và cầu. Phía cầu đã giảm lãi suất rồi, phía cung là tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp.
TS. Cấn Văn lực gợi ý, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng, các chính sách giãn hoãn nộp thuế, phí, tiền thuê đất; kích cầu tiêu dùng nội địa; gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp...