Tiểu thương không đồng ý xây dựng Trung tâm thương mại Tân Bình

VOV.VN - Hầu hết các tiểu thương chợ Tân Bình đều không đồng ý với dự án xây dựng Trung tâm thương mại đa năng và xây dựng mới chợ Tân Bình.

Nhiều ý kiến lo lắng, bức xúc của tiểu thương về việc Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh công bố thông tin dự án xây dựng Trung tâm thương mại đa năng và xây dựng mới chợ Tân Bình. Sáng nay (25/9), Ủy ban nhân dân quận Tân Bình đã có buổi gặp gỡ tiểu thương đang kinh doanh tại chợ nhằm giải đáp những thắc mắc và nêu rõ chủ trương của quận.

Buổi gặp gỡ “nóng” ngay từ những phút đầu, khi hầu hết các tiểu thương chợ Tân Bình đều không đồng ý với dự án xây dựng Trung tâm thương mại đa năng và xây dựng mới chợ Tân Bình.

Theo dự án mới, diện tích chợ Tân Bình hiện tại sẽ được chia thành hai phần. Trong đó, một Trung tâm thương mại đa năng sẽ được xây dựng trên khu đất khoảng 7.000 m2 giáp mặt tiền đường Lý Thường Kiệt với quy mô 17 tầng và 3 tầng hầm. Khoảng 15.000 m2 còn lại sẽ xây lại chợ truyền thống Tân Bình quy mô 6 tầng theo phong cách hiện đại.

Tiểu thương chợ Tân Bình đang phát biểu tại cuộc đối thoại  (ảnh: Tuổi trẻ)
Như vậy, thay vì nằm ngay mặt tiền đường Lý Thường Kiệt như hiện nay, chợ mới sẽ bị dời ra phía sau, nơi tiểu thương cho rằng ít sầm uất hơn.

Chị Đặng Thị Hồng Minh, tiểu thương chợ Tân Bình nói: “Chúng tôi không đồng ý cắt 7.000 m2 mặt tiền chợ Tân Bình hiện hữu để xây trung tâm thương mại 17 tầng, còn chợ nằm ở sau lưng. Chúng tôi đã gắn bó với chợ mấy chục năm và chỉ đồng ý sửa chữa lại chợ mà thôi. Chúng tôi tất cả các chợ ở thành phố và cả Hà Nội nữa đều thất bại khi xây chợ cao tầng, các tầng đó đều không có ai kinh doanh”. 

Thực tế hiện nay, chợ đã xuống cấp, nên đa số các hộ kinh doanh đều đồng tình với phương án nâng cấp và sửa chữa chợ. Còn phương án xây mới chợ Tân Bình, tiểu thương không ủng hộ vì họ cho rằng có quá nhiều bất cập, trong khi các hộ đang kinh doanh ở đây khá thuận lợi.

Nhiều tiểu thương phản ánh: Chợ Tân Bình là chợ sỉ chuyên về vải vóc, may mặc, việc xây dựng chợ mới với quy mô từ 5 - 6 tầng sẽ làm mất đi vẻ truyền thống, gây khó khăn, bất tiện trong buôn bán. Chợ hiện hữu cũng chỉ kinh doanh sầm uất ở tầng trệt, rất ít hộ kinh doanh trên tầng lửng, thậm chí tầng 1 đã bỏ không mấy chục năm qua.

Ông Trần Ngọc Oanh, tiểu thương chợ Tân Bình nói: Chúng tôi đang buôn bán rất hiệu quả vậy tại sao lại phải đập đi để xây mới mà xây 5 – 6 tầng để làm gì trong khi tầng 1 chợ hiện hữu đã bỏ phí mấy chục năm nay?. Chúng tôi sẵng sàng góp tiền để sửa, nâng cấp lại chợ để kinh doanh cho hiệu quả thôi chứ không xây mới”. 

Một lý do nữa khiến các tiểu thương bức xúc, lo lắng là theo chủ trương chung, sau khi hoàn thành, nhà đầu tư sẽ giao chợ cho Ủy ban Nhân dân quận quản lý. Quận sẽ thu tiền sạp từ các hộ kinh doanh để hoàn vốn lại cho nhà đầu tư. Và để có “chân” trong chợ mới, tiểu thương sẽ phải thuê với giá từ 360.000 – 400.000/m2/tháng, tùy theo vị trí thuê với thời hạn thuê là 30 năm. Nếu không tiếp tục kinh doanh thì chỉ được hỗ trợ một lần là 30 triệu đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc, tiểu thương cũng chính là những người đã gắn bó, đóng góp kinh phí xây nên chợ Tân Bình gần 50 năm nay, từ chỗ “làm chủ” phải chuyển qua “đi thuê”.

Đáng quan tâm là, tất cả các chủ trương, kế hoạch này, tiểu thương chỉ được biết qua các phương tiện thông tin đại chúng chứ chưa bao giờ được nghe thông báo chính thức bằng văn bản, cuộc họp nào từ Ban quản lý chợ hay Ủy ban nhân dân quận Tân Bình.

Bà Doãn Thu Phương, tiểu thương nói: “Chúng tôi mới biết mấy ngày nay vì hiện chưa có cuộc họp nào Ban quản lý chợ. Chúng tôi không thể nào đồng ý được vì bao nhiêu tài sản đều đầu tư vào chợ để sinh sống làm ăn mà quận nói nếu không bán nữa thì đền bù 30 triệu đồng, còn bán tiếp thì mua sạp với giá 430 triệu, tiền đâu mà đóng nên không đồng ý được”.

Trước những phản ứng của tiểu thương, trong buổi làm việc sáng nay, lãnh đạo quận Tân Bình cho biết, vẫn tiếp tục triển khai và sẽ trao đổi trực tiếp với người dân trên cơ sở sẽ đặt quyền lợi của tiểu thương lên trên hết.

Ông Lê Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình nói: “Quan điểm và phương châm của quận Tân Bình là sẵng sàng lắng nghe và điều chỉnh nội dung dự án nếu phù hợp. Đối với các hộ kinh doanh trên những tuyến đường chung quanh chợ Tân Bình, để công bằng cho hoạt động bên trong và bên ngoài, các cơ quan chức năng của quận sẽ phối hợp với phường 8 kiểm tra xử lý kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường, đồng thời tham mưu cho thành phố quy hoạch lại ngành hàng kinh doanh theo hướng hàng kinh doanh trong chợ thì không được kinh doanh xung quanh chợ”.

 Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình cho rằng: đầu tư xây dựng mới chợ Tân Bình là việc cần thiết bởi chợ đã được xây dựng hơn 50 năm qua, trải qua nhiều giai đoạn duy tu, sửa chữa nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là nguy cơ cháy nổ.

Tại chợ hiện có 3.336 sạp, nhưng hiện có tới 2/3 số sạp kinh doanh diện tích dưới 1 m2 nên không còn phù hợp với quy chuẩn chung. Việc đầu tư, xây dựng lại chợ Tân Bình theo mô hình văn minh, hiện đại cần có sự đồng cảm và chia sẻ từ nhiều phía. Dự kiến dự án này sẽ bắt đầu khởi công vào năm 2016 và đưa vào sử dụng vào năm 2018./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chợ Tân Bình sẽ thành trung tâm thương mại
Chợ Tân Bình sẽ thành trung tâm thương mại

Dự án Trung tâm Thương mại dịch vụ đa năng Tân Bình sẽ có diện tích 7.000 m2. Gồm 17 tầng lầu, ba tầng hầm với kinh phí là 1.992 tỉ đồng.

Chợ Tân Bình sẽ thành trung tâm thương mại

Chợ Tân Bình sẽ thành trung tâm thương mại

Dự án Trung tâm Thương mại dịch vụ đa năng Tân Bình sẽ có diện tích 7.000 m2. Gồm 17 tầng lầu, ba tầng hầm với kinh phí là 1.992 tỉ đồng.

Xây chợ mới Tân Bình: Tiểu thương lo lắng
Xây chợ mới Tân Bình: Tiểu thương lo lắng

"25 năm kinh doanh tại chợ này, chỉ sau một đêm chúng tôi gần như mất hết, mất hết mọi thứ mà không hề được biết trước điều gì”.

Xây chợ mới Tân Bình: Tiểu thương lo lắng

Xây chợ mới Tân Bình: Tiểu thương lo lắng

"25 năm kinh doanh tại chợ này, chỉ sau một đêm chúng tôi gần như mất hết, mất hết mọi thứ mà không hề được biết trước điều gì”.