Tồn 1.000 tấn cá khô xuất khẩu: Chủ tịch huyện cũng phải đi bán cá?
VOV.VN - Hơn 3 tháng nay, hơn 1.000 tấn cá khô xuất khẩu của người dân tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị không xuất bán được sang thị trường Trung Quốc.
Việc cá khô tồn không xuất khẩu được do chưa đầy đủ các thủ tục về đăng ký thương hiệu cũng như kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Cá khô ùn ứ chật kho, tiền điện trả hàng tháng lên tới vài chục triệu đồng cùng chi phí phát sinh, khiến người dân lao đao.
Xã Gio Việt, huyện Gio Linh có 35 cơ sở hấp sấy cá, 26 kho đông lạnh, hằng năm thu mua khoảng 15.000 tấn cá tươi, chủ yếu là cá nục, để hấp sấy. Thế nhưng hiện đây cũng là nơi tồn đọng cá khô xuất khẩu nhiều nhất ở tỉnh Quảng Trị. Lâu nay người dân thu mua, chế biến sản phẩm trên rồi bán lại cho thương lái, không hề đăng ký thương hiệu, chứng nhận về an toàn thực phẩm. Vì vậy, khi cơ quan của nước nhập khẩu mặt hàng cá khô đặt ra yêu cầu về nguồn gốc, về chứng nhận an toàn thực phẩm đã dẫn đến hàng hóa không xuất khẩu được.
Hơn 1.000 tấn cá khô xuất khẩu của người dân tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị không xuất bán được sang thị trường Trung Quốc. |
Ông Hoàng Minh Thảo, Chủ cơ sở hấp sấy cá ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh cho biết, hàng tồn đọng, ngư dân đánh bắt vào thì không thu mua nữa, hàng chục lao động bị mất việc làm. Mỗi tháng tiền điện chạy máy đông lạnh lên tới hàng chục triệu đồng.
“Thương lái Việt Nam mình buôn bán với phía Trung Quốc, giữa 2 bên lượng hàng đi không được thì cơ sở lò hấp của tôi không làm được nhiều vì do đồng vốn đọng nợ lại nhiều và phải làm thương hiệu, hàng bị đình chỉ lại 3, 4 tháng nay. Cơ sở không sản xuất thì số nhân công cũng thất nghiệp” - ông Thảo nói.
Huyện Gio Linh đang tồn hơn 1.000 tấn cá nục và cá cơm khô xuất khẩu. Người dân lo lắng việc cá khô trữ lâu trong kho lạnh sẽ giảm chất lượng. Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Gio Việt cho biết, trong số 600 tấn cá nục đã hấp sấy của người dân đang tồn đọng, có 500 tấn đang nằm trong các kho đông lạnh tại địa phương; 100 tấn còn lại đã chuyển đến biên giới Trung Quốc nhưng đối tác không cho nhập hàng, trả về và có nguy cơ hư hỏng.
Nghề làm cá hấp sấy tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. |
“Chúng tôi đã tìm hiểu và tuyên truyền các chủ lò hấp, các chủ thu mua phải xây dựng thương hiệu. Trước mắt các chủ lò này tìm các cơ sở đã có thương hiệu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã được Chính phủ Việt Nam ký kết với Trung Quốc để giúp cho lô hàng được thông quan. Về lâu dài thì phải xây dựng thương hiệu, liên kết lại xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc là Công ty TNHH để cơ quan nhà nước cấp chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu hàng khô” - ông Hải cho biết.
Để mặt hàng cá khô đủ điều kiện xuất khẩu, doanh nghiệp cần có giấy đăng ký chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Mỗi lô hàng phải có chứng thư xác nhận chất lượng an toàn thực phẩm và 1 số thủ tục khác. Sắp tới, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Trị sẽ hỗ trợ xây dựng hồ sơ đăng ký cấp mã số, mã vạch, bảo hộ thương hiệu, hỗ trợ 1 phần kinh phí xây dựng và công bố áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.
Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, qua sự việc này cho thấy, lâu nay việc kiểm định chất lượng an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chưa được chú trọng. Cơ quan chức năng và địa phương có một phần lỗi vì đã không sớm hướng dẫn người dân làm thủ tục về xuất xứ hàng hóa, nguồn gốc sản phẩm.
“Người đầu tiên phải làm việc này là UBND huyện Gio Linh cùng với các ngành khoa học công nghệ, nông nghiệp... tìm cách giải quyết hàng tồn kho cho người dân. Và hướng cho người dân đi vào sản xuất có xuất xứ, có nhãn mác hàng hóa để đảm bảo xuất khẩu lâu dài qua thị trường rộng lớn. Nếu cá tôm của dân đọng lại không bán được thì Chủ tịch huyện cũng đi bán cá giúp, điều đó không có gì là xấu hổ. Nếu cần thì tỉnh cũng đi bán, đi để giới thiệu, để quảng bá sản phẩm” - ông Chính nói./.
Cá kho làng Vũ Đại được chế biến công phu thế nào?
Dùng chất làm thuốc trừ sâu để bảo quản cá khô