Tổng Giám đốc WTO tiếc khi doanh nghiệp Việt và FDI xa cách nhau
VOV.VN - Tại Việt Nam, chưa có sự liên kết giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, chưa thấy rõ hiệu ứng lan toả về công nghệ và năng suất lao động...
Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp Việt nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam cuối tuần vừa qua, ông Roberto Azevedo, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có nhận định rất đáng để cả nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp Việt đặc biệt lưu tâm, rằng: “Xuất khẩu phần lớn là do khu vực FDI mang lại, còn doanh nghiệp nội địa của Việt Nam đạt tỷ lệ xuất khẩu thấp và thiếu liên kết. Tại Việt Nam, chưa có sự liên kết giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là điều hết sức đáng tiếc”.
Quẩn quanh thị trường nội địa
Điều “đáng tiếc” của ông Tổng Giám đốc WTO không phải mới, nhưng rõ ràng thể hiện ông “chấm điểm” cộng đồng doanh nghiệp Việt còn chưa biết hoặc cố tình không biết hợp lực để tăng sức cạnh tranh trong môi trường hội nhập toàn cầu với sức ép cạnh tranh ngày càng tăng.
97,6% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam là các DNNVV. (Ảnh minh họa: KT) |
Bởi vì, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm tỷ trọng lớn trong tổng các doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo Sách Trắng DNNVV Việt Nam năm 2014 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, có tới 97,6% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam là các DNNVV. Khu vực này giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của bất cứ một địa phương hay quốc gia nào. Không phải địa phương nào cũng có điều kiện hay năng lực thu hút nguồn vốn đầu tư bên ngoài, hầu hết các nơi đều phải dựa vào nguồn nội lực, hay chính là các doanh nghiệp bản địa, để duy trì sức sản xuất và vận hành của nền kinh tế.
Doanh nghiệp FDI ngày càng chiếm ưu thế
Theo Tổng cục Thống kê, Quý I/2016, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước ta ước đạt 37,9 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,8 tỷ USD, tăng 0,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 27,1 tỷ USD, tăng 5,8%.
Trước đó, năm 2015, tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp trong nước đều thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của khối doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp FDI tiếp tục đóng vai trò lớn trong tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam khi tỷ trọng của khu vực các doanh nghiệp này trong tổng kim ngạch của cả nước đạt trên 63%.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực FDI năm 2015 đạt 207,85 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2014 (trong đó xuất khẩu đạt 110,59 tỷ USD tăng 17,7%, nhập khẩu đạt 97,26 tỷ USD tăng 15,5%). Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước chỉ đạt 119,91 tỷ USD, (trong đó xuất khẩu đạt 51,52 tỷ USD và nhập khẩu đạt 68,39 tỷ USD).
Khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2015 (PCI 2015) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cho thấy, phần lớn DNNVV hình thành từ hộ kinh doanh: Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đi lên từ các mô hình sản xuất gia đình, cá thể nhỏ lẻ, khi có cơ hội kinh doanh thì thành lập doanh nghiệp. Có tới 77% các doanh nghiệp siêu nhỏ và 69% doanh nghiệp nhỏ đi lên từ mô hình hộ kinh doanh. Các doanh nghiệp dân doanh trong nước phần lớn vẫn quẩn quanh ở thị trường nội địa. Chỉ có 3% doanh nghiệp siêu nhỏ, 4% doanh nghiệp nhỏ và gần 9% doanh nghiệp quy mô vừa có khách hàng là các cá nhân, doanh nghiệp ở nước ngoài. Ngay cả các doanh nghiệp lớn trong nước, việc vươn được ra thị trường nước ngoài vẫn ở một tỉ lệ rất khiêm tốn (24%).
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, “kết quả này góp phần lý giải cho tỷ trọng 70,7% của khối doanh nghiệp FDI trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam năm 2015. Doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị nhiều hơn để tận dụng các cơ hội thương mại đến từ các hiệp định lớn như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Châu Âu (EVFTA) hay Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP)”.
Kết nối doanh nghiệp nội - ngoại còn mờ nhạt
Trong bối cảnh đó, đặc điểm các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, theo VCCI, tương tự như kết quả điều tra PCI-FDI các năm trước, doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, hướng vào xuất khẩu và có mức lãi tương đối thấp. Họ thường cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các nhà sản xuất lớn hơn hoặc tập đoàn đa quốc gia, do đó họ thường nằm ở những vị trí thấp trong chuỗi giá trị sản phẩm. Tương tự như nguồn vốn FDI đăng ký, đa phần các nhà đầu tư đến từ Châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Trung Quốc.
Sự liên kết giữa các DNNVV với các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thông qua việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ cũng tương đối hạn chế. Nhiều DNNVV chưa nắm bắt được các thông tin về các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia hoặc ký kết gần đây và đáng lo ngại là quy mô doanh nghiệp càng nhỏ, thì mức độ hiểu biết về những hiệp định này càng thấp.
Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo: DN cần biết điểm yếu của mình
"Doanh nghiệp Việt Nam cần ghi nhớ rằng sản xuất ra sản phẩm là chưa đủ, mà cần nhìn vào điểm yếu của mình thì mới có thể trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu. Giờ tại Việt Nam mới có một số doanh nghiệp đáp ứng được, tuy nhiên chủ yếu là các tập đoàn, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài với tiêu chuẩn riêng, công nghệ riêng”.
Mặc dù vậy, nhiều năm qua cho thấy, “doanh nghiệp FDI là nhân tố quan trọng, đóng góp vào việc tạo thêm việc làm, sản lượng công nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết những lợi ích từ các dòng vốn FDI, con số thâm hụt khổng lồ trong cán cân thanh toán của Việt Nam là một chỉ báo.” – ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo ông Tuấn cho biết, gần 30 năm sau khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực, kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn mờ nhạt. Kết quả là, vẫn chưa thấy rõ hiệu ứng lan toả về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước. Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực công nghệ cao – lĩnh vực được các nhà hoạch định chính sách trong nước kỳ vọng về những tiến bộ của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Một điểm tích cực đáng ghi nhận, theo PCI 2015, hai năm qua ngày càng có thêm các doanh nghiệp FDI ký hợp đồng với các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khác biệt giữa các địa phương, các lĩnh vực và các quốc gia xuất xứ, đặc biệt các doanh nghiệp FDI sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ chính nước xuất xứ.
Về nguyên nhân thực trạng này, ông Đậu Anh Tuấn chỉ rõ do 3 yếu tố: mối liên kết, khoảng cách địa lý giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa và khả năng hấp thụ đầu tư của các doanh nghiệp và người lao động trong nước.
Do vậy, nhằm tăng hiệu ứng lan tỏa, Trưởng ban Pháp chế của VCCI khuyến nghị: Việt Nam cần cải thiện hiệu quả các hoạt động đào tạo giúp nâng cao năng lực của người lao động và trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong nước, để từ đó thu lại được nhiều lợi ích từ FDI.
Với khoảng cách địa lý, hiệu quả tác động mạnh mẽ của khoảng cách về địa lý cho thấy chính sách ưu tiên hiện nay của các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đối với các khu công nghiệp có thể vô hình trung làm suy giảm hiệu ứng lan tỏa.
Còn năng lực hấp thụ vốn, nếu thiếu vắng những cải thiện căn bản về khả năng hấp thụ đầu tư, thì các chính sách ưu đãi thuế hay hỗ trợ khác vẫn sẽ không thể mang lại hiệu quả như mong muốn./.