TP.HCM khơi thông giao thông nội vùng, gỡ điểm nghẽn hạ tầng

VOV.VN - Năm 2025, TP.HCM tiếp tục có hàng loạt dự án giao thông nội vùng quan trọng được triển khai, góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.


Giai đoạn cuối năm 2024, liên tiếp nhiều công trình giao thông tại TP.HCM được đưa vào sử dụng, phục vụ nhân dân, góp phần phát triển kinh tế. Trong đó có nhiều công trình, dự án đã kéo dài hàng chục năm, không chỉ làm đình trệ kinh tế-xã hội trong khu vực mà còn làm suy giảm niềm tin của người dân.

Điểm sáng khu Nam

Có mặt tại nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi dù là giờ cao điểm chiều nhưng giao thông tại đây khá thông thoáng. Dòng xe từ đường Nguyễn Hữu Thọ hướng từ trung tâm ra dễ dàng tiếp cận với nút giao, thay vì chôn chân hàng dài như thời gian trước.

Kết quả trên là nhờ nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ đã hoàn thiện và đưa vào phục vụ người dân.

“Từ ngày làm tới giờ thấy đường sá sạch đẹp, dân đi thoải mái hài lòng, môi trường sạch sẽ. Đi không bị kẹt xe nữa nên dân rất vui. Mình ngồi đây cũng thấy vui nữa, chứ lúc trước rất buồn” - ông Phan Văn Hùng, người dân ở phường Tân Phong, Quận 7, ngay khu vực nút giao cho biết.

Gần đó, cầu Rạch Đĩa nằm trên đường Lê Văn Lương nối Quận 7 - huyện Nhà Bè cũng đã được đưa vào sử dụng từ cuối tháng 11/2024. Cây cầu mới hiện đại thay cho cầu sắt cũ kĩ đã giúp cho bà con nhân dân ở hai bên đầu cầu tránh cảnh "gần nhà xa ngõ". Nhờ đó, cái Tết vừa qua, bà con nhân dân nơi đây cũng vui hơn.

“Có cầu này khỏe hơn, đi nhanh hơn. Có cầu này đi vui không phải vòng xa. Ngày trước đi vòng xa, kẹt xe và lâu” - ông Nguyễn Út, sống ở gần cây cầu mới cho biết.

Ngày 30/12/2024, một dự án cầu khác kết nối Quận 7 và huyện Nhà Bè cũng được khánh thành và đưa vào sử dụng, đó là cầu Phước Long nằm trên tuyến đường trục Phạm Hữu Lầu. Cầu mới hiện đại thay thế cho cầu cũ, đáp ứng nhu cầu giao thông và tải trọng khai thác, tạo hướng kết nối cho đường Huỳnh Tấn Phát và đường Nguyễn Hữu Thọ, góp phần cải thiện tình hình giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn giao thông khu vực. 

Trong khi đó, ngày 21/1 vừa qua, cầu Tân Kỳ - Tân Quý được thông xe đưa vào sử dụng phục vụ người dân; cùng với dự án mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý được đưa vào khai thác cuối năm 2024 đã hình thành trục giao thông kết nối Quốc lộ 1 đến trung tâm Thành phố và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Đặc biệt, cầu Tân Kỳ - Tân Quý cũng là dự án tiêu biểu cho quyết tâm đổi mới cách làm, tháo gỡ khó khăn để hoàn thành các mục tiêu đặt ra. Được biết, dự án này được triển khai bằng phương thức đối tác công tư PPP, hợp đồng BOT nhằm hay thế cho cầu Tân Kỳ - Tân Quý cũ, được xây dựng trước năm 1975, tải trọng thấp và đã bị sự cố gây sụt, lún vào tháng 8 năm 2016. Tuy nhiên, sau đó do có sự thay đổi về quy định nên dự án phải dừng lại. Thành phố tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, chuyển dự án đầu tư theo hình thức BOT trước đây sang hình thức đầu tư công và sớm hoàn thành đưa công trình vào khai thác phục vụ người dân thành phố.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết, đa phần các công trình được hoàn thành trong năm qua đều là những dự án kéo dài nhiều năm do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Khi nút thắt này được tháo gỡ, chủ đầu tư và các nhà thầu đã đẩy nhanh thi công ngày đêm, đa số đều hoàn thành sớm hơn kế hoạch.

Giai đoạn cuối năm 2024, TP đưa vào khoảng 20 công trình tại nhiều nơi trong TP, qua đó đã góp phần giảm ùn tắc giao thông, phát triển kinh tế - xã hội.

“Kết quả của quá trình chỉ đạo, hỗ trợ sát sao của thành ủy, UBND và sự cố gắng của lãnh đạo chính quyền, đặc biệt là sự hỗ trợ của người dân giúp chúng ta có thể hoàn tất 100 % giải phóng mặt bằng. Tôi nghĩ rằng là hai bài học trong công tác bồi thường mặt bằng và tổ chức thi công sau khi có được mặt bằng sẽ được nhân rộng cho các dự án trong tương lai của thành phố” - ông Lương Minh Phúc cho biết thêm.

Giải bài toán nguồn vốn, gỡ điểm nghẽn hạ tầng

Năm 2025, tại TP.HCM tiếp tục có hàng loạt dự án giao thông nội vùng quan trọng được triển khai hoặc hoàn thành. Trong đó các dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn sẽ được hoàn thành là nút giao An Phú, Quốc lộ 50, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất…

Ngoài ra, nhiều dự án vốn đã nằm chờ quá lâu cũng sẽ được tập trung khởi động trở lại. Tiêu biểu là hai đoạn dự án Vành đai 2 TP.HCM trên địa bàn TP Thủ Đức sẽ được khởi công sau hàng chục năm nằm im ỉm. Hiện TP Thủ Đức đang nỗ lực hoàn thành việc chi trả tiền hỗ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng cho người dân nhằm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư để kịp tiến độ triển khai trong quí II.

Tín hiệu vui nữa là 4 dự án giao thông quan trọng ở cửa ngõ TP.HCM, vốn đã quá cũ kỹ và không còn đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân sẽ được mời gọi đầu tư theo hình thức đặc thù thuộc nhóm cơ chế được Quốc hội cho phép TPHCM thí điểm theo Nghị quyết số 98/2023, đó là áp dụng hợp đồng BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao).

Các dự án trên bao gồm: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); Nâng cấp đường trục Bắc- Nam (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức- Long Thành).

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vừa được Sở Giao thông vận tải trình UBND TP.HCM, tổng vốn đầu tư cho 4 dự án trên là hơn 58.000 tỷ đồng. Các dự án trên sẽ được triển khai từ nay đến năm 2028.

Để góp phần hiện thực hóa các dự án trên, việc nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn là rất quan trọng. Theo TS. Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98, nếu TP tập trung giải quyết, xử lý rốt ráo các dự án tồn đọng, quy hoạch treo…, TP có thể giải được bài toán nguồn vốn đầu tư mà theo Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn giai đoạn 2020-2030, TP.HCM cần kinh phí khoảng 970.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án.

Theo ông Lịch, TP từng có giai đoạn đóng góp đến 20% GDP, 30% thu ngân sách nhưng khoảng 10 năm gần đây đóng góp của TP có dấu hiệu suy giảm.

Tuy nhiên, TP.HCM vẫn luôn là đầu tàu và cũng là nơi có điều kiện nhất để chuyển mình sang giai đoạn mới. Trong đó, giai đoạn 2026 – 2035 có ý nghĩa quyết định, và để biến các mục tiêu của đất nước thành công, TP cần duy trì được tốc độ tăng trưởng gấp 1,2 – 1,5 lần cả nước. Đặc biệt, thời gian qua TP đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Trung ương để giải quyết bài toán kết nối giao thông vùng. Từ chỗ điểm nghẽn cố hữu, hạ tầng giao thông đã dần trở thành điểm sáng cùng với điểm sáng về thể chế.

Và câu chuyện bây giờ là TP.HCM phải tiếp tục giải quyết các điểm nghẽn trong nội vùng TP về hạ tầng, xử lý rốt ráo các dự án tồn đọng, quy hoạch treo, phát triển đô thị theo định hướng TOD...

“Tập trung xử lý nhanh, có hiệu quả các công trình, dự án đang tồn đọng trong nhiều năm về pháp lý, quy hoạch treo, kéo dài lãng phí nguồn lực. Vấn đề này phải tập trung các năm 2025, 2026 và 2027. Nếu làm dứt điểm thì không chỉ là vấn đề xử lý lãng phí mà nó "bơm" một dòng vốn cực lớn vào nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế. Dòng vốn này cực kỳ lớn mà đang chờ, ít có nơi nào mà tiền ngồi chờ để triển khai như thành phố mình” - TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Có thể nói, chưa khi nào hạ tầng giao thông tại TP.HCM lại được quan tâm, đầu tư mạnh mẽ như giai đoạn hiện nay. Hàng loạt dự án trọng điểm liên vùng, nội vùng đã và đang triển khai đã góp phần giúp điểm nghẽn hạ tầng giao thông trở thành điểm sáng, là động lực để TP.HCM thể hiện rõ hơn nữa vai trò đầu tàu của mình trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

TP.HCM thông xe toàn bộ nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ
TP.HCM thông xe toàn bộ nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ

VOV.VN - Trưa nay (24/1, tức 25 tháng Chạp), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông – chủ đầu tư) thông tin toàn bộ nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7) đã được hoàn thành và đưa vào phục vụ nhân dân.

TP.HCM thông xe toàn bộ nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ

TP.HCM thông xe toàn bộ nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ

VOV.VN - Trưa nay (24/1, tức 25 tháng Chạp), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông – chủ đầu tư) thông tin toàn bộ nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7) đã được hoàn thành và đưa vào phục vụ nhân dân.

Khánh thành cầu Tân Kỳ - Tân Quý, kết nối Quốc lộ 1 với sân bay Tân Sơn Nhất
Khánh thành cầu Tân Kỳ - Tân Quý, kết nối Quốc lộ 1 với sân bay Tân Sơn Nhất

VOV.VN - Sáng 21/1, UBND TP.HCM tổ chức lễ khánh thành cầu Tân Kỳ - Tân Quý, cùng với việc hoàn thành dự án mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Kỳ trước đó, trục đường mới kết nối Quốc lộ 1 tới sân bay Tân Sơn Nhất đã hoàn thành, giúp tăng cường kết nối giao thông.

Khánh thành cầu Tân Kỳ - Tân Quý, kết nối Quốc lộ 1 với sân bay Tân Sơn Nhất

Khánh thành cầu Tân Kỳ - Tân Quý, kết nối Quốc lộ 1 với sân bay Tân Sơn Nhất

VOV.VN - Sáng 21/1, UBND TP.HCM tổ chức lễ khánh thành cầu Tân Kỳ - Tân Quý, cùng với việc hoàn thành dự án mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Kỳ trước đó, trục đường mới kết nối Quốc lộ 1 tới sân bay Tân Sơn Nhất đã hoàn thành, giúp tăng cường kết nối giao thông.

Nhiều dự án giao thông trọng điểm tại TP.HCM sẽ hưởng lợi trong năm 2025
Nhiều dự án giao thông trọng điểm tại TP.HCM sẽ hưởng lợi trong năm 2025

VOV.VN - Tại Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, quán triệt, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của UBND TP.HCM sáng 26/12, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm đã thông tin tình hình về các dự án giao thông trọng điểm.

Nhiều dự án giao thông trọng điểm tại TP.HCM sẽ hưởng lợi trong năm 2025

Nhiều dự án giao thông trọng điểm tại TP.HCM sẽ hưởng lợi trong năm 2025

VOV.VN - Tại Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, quán triệt, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của UBND TP.HCM sáng 26/12, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm đã thông tin tình hình về các dự án giao thông trọng điểm.