TPP sẽ kéo nguồn vốn ngoại vào Việt Nam
VOV.VN -Wall Street Journal nhận định, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ kéo nguồn vốn ngoại vào thị trường Việt Nam.
Thời báo phố Wall (Wall Street Journal - WSJ) cho rằng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang “nhòm ngó” thị trường Việt Nam và Malaysia sau khi TPP kết thúc đàm phán cách đây vài ngày.
WSJ dẫn nhận định của chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp dệt may đang cân nhắc mở rộng hoạt động ở Việt Nam và Malaysia để tận dụng lợi thế xuất khẩu nhờ ưu đãi thuế quan từ TPP.
Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson đánh giá, TPP có thể coi là bước ngoặt đối với các nền kinh tế Đông Nam Á. Theo cơ quan này, đến năm 2025, TPP có thể giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm 29%.
Cũng theo cơ quan này, Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất nếu xét về tăng trưởng thu nhập thực tế nhờ TPP. Theo đó, thu nhập thực tế đến năm 2025 của Việt Nam có thể tăng 10,5%, tiếp đến là Malaysia tăng 5,6%, trong khi đó, Mỹ và Canada chỉ tăng 0,4%.
Dệt may là ngành được kỳ vọng sẽ "hái ra tiền" từ TPP. (Ảnh minh họa: Internet). |
TPP được coi là hiệp định tự do hóa thương mại tốt nhất trong 20 năm qua, nhờ đó một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sẽ hút được nguồn vốn lớn từ nước ngoài.
Mặc dù TPP hiện gồm 12 thành viên, chiếm 40% GDP toàn cầu nhưng có vẻ như các nền kinh tế nhỏ trong khối này lại hưởng lợi nhiều hơn. Điển hình là Việt Nam và Malaysia – các quốc gia chưa ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ - thị trường tiêu thụ lớn cả về nguyên liệu thô và thành phẩm.
Hiện hàng hóa từ Việt Nam và Malaysia vào Mỹ đều phải chịu thuế. Tuy nhiên, với TPP, hàng hóa từ các nước thành viên sẽ được hưởng cơ chế giảm hoặc miễn thuế quan, do đó tạo sức cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia.
Hưởng lợi từ TPP: Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách thể chế
Giới chuyên gia dự đoán, thuế đánh vào hàng dệt may của Việt Nam khi vào Mỹ sẽ giảm về gần 0% từ mức 17% hiện nay, mặc dù quá trình này có thể mất nhiều năm.
WJS cho hay, doanh nghiệp dệt may United Sweethearts của Malaysia đã lên kế hoạch mở nhà máy thứ 2 tại Việt Nam, và những tiến triển mới đây của TPP sẽ càng thúc đẩy kế hoạch này của họ. Doanh nghiệp này kỳ vọng sẽ doanh thu gấp đôi trong vòng 5 năm nếu được dỡ bỏ thuế quan.
Ông David Hon, lãnh đạo của công ty sản xuất xe đạp Duarte tại Mỹ cho biết, sẽ chờ xem liệu các nước TPP sẽ được hưởng ưu đãi thuế như thế nào trước khi cân nhắc thu hẹp sản xuất ở Trung Quốc, châu Âu và chuyển hướng sang Việt Nam và Malaysia./.