Trả chỉ tiêu xuất khẩu gạo, doanh nghiệp sẽ phải trả giá?
DN xin trả chỉ tiêu vì giá gạo xuất quá thấp, quá nhiều ràng buộc, còn lãnh đạo Vinafood 2 “dọa” DN sẽ phải trả giá.
Hơn chục doanh nghiệp (DN) vừa đồng loạt có văn bản gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và Tổng Cty Lương thực miền Nam (Vinafood2) xin trả lại chỉ tiêu xuất khẩu gạo theo hợp đồng trúng thầu với Philippines. Lãnh đạo Vinafood2 tuyên bố, DN trả chỉ tiêu sẽ phải trả giá.
Vinafood2 dọa “trả đũa” cắt chỉ tiêu, doanh nghiệp tuyên bố không sợ. Ảnh: Phương Chăm (Ảnh minh họa/NLD) |
Làm lấy lỗ?
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Cty TNHH Việt Hưng (huyện Cái Bè, Tiền Giang) xác nhận vừa có văn bản gửi VFA và Vinafood2, xin không thực hiện hợp đồng ủy thác xuất khẩu gạo sang Philippines với số lượng gần 7.000 tấn, loại gạo 15% tấm. Đây là hợp đồng ủy thác từ Vinafood2, đơn vị trúng thầu xuất sang Philippines 700.000 tấn hồi giữa tháng 4 vừa rồi.
Điểm nữa, gạo qua tới kho bên Philippines, họ mới kiểm tra, rồi cứ đè ra trừ tiền. Trong khi đó, ở Việt Nam, hàng đã được cơ quan giám định, cấp chứng thư cho DN xuất hàng. “Cái này, phải có ràng buộc cơ quan giám định, chứ để hàng qua bên kia còn bị phạt nữa thì sao chịu được”- ông Đôn nói. Ngoài ra, với giá trúng thầu 370 USD/tấn, loại 15% tấm, so với giá mua gạo tạm trữ, DN sẽ lỗ 300 đồng/kg, vì không phải lúc nào cũng mua được với giá thấp.
Trong khi với loại gạo trên, nếu xuất sang thị trường khác sẽ có giá khoảng 295-390 USD/tấn. Như loại gạo 5% tấm Cty của ông Đôn đang xuất sang Hồng Kông và Trung Quốc, cũng có giá 410 USD/tấn, loại 15% tấm tối thiểu là 395 USD/tấn.
Theo thông tin từ Vinafood2, đến thời điểm này, đã có hơn chục DN xin trả lại chỉ tiêu xuất khẩu gạo, với tổng lượng gạo hơn 80.000 tấn. Ông Nguyễn Hùng Linh, Chủ tịch VFA cũng xác nhận, đã có một số DN xin trả lại chỉ tiêu từ hợp đồng xuất khẩu tập trung sang Philippines.
So với thời điểm thu mua gạo tạm trữ trong nước (giá trúng thầu 370 USD/tấn đối với loại 15% tấm), DN vẫn có lãi. Tuy nhiên, hiện nay, giá gạo tăng lên, thì không còn hiệu quả. “Cái này tùy theo việc tạm trữ của từng DN, nếu giờ này, giá gạo không lên thì không ai bỏ đâu”, ông Linh nói.
Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho hay, về tâm lý, đầu năm phải thắng, chứ mới vào cuộc đã thấy thua, DN không tránh khỏi e ngại.
DN trả chỉ tiêu phải trả giá
Chủ tịch VFA cho biết, với lượng gạo do các DN trả chỉ tiêu, DN trúng thầu (ở đây là Vinafood2) phải chịu trách nhiệm hoàn thành hợp đồng. Việc trả lại chỉ tiêu, sẽ ảnh hưởng đến việc phân giao tạm trữ và phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu với các hợp đồng tập trung sau này. Do vậy, VFA đã có văn bản “động viên” các DN cố gắng thực hiện. Với những DN nào nhận lại chỉ tiêu từ các DN xin trả, sau này sẽ được ưu tiên về tạm trữ và về chỉ tiêu xuất khẩu.
Về những tiêu chuẩn khắt khe của phụ lục hợp đồng, ông Linh cho rằng, việc này là do Vinafood2 quá thận trọng khiến DN được ủy nhiệm xuất khẩu cũng sợ, hoang mang. “Trước đây, có lúc giá gạo xuất tới 500 USD/tấn thì phụ lục hợp đồng cũng không bắt DN làm những điều kiện rủi ro như thế. Thực tế, DN giao hàng lên mạn tàu (FOB), là bộ phận giám định đã xác nhận chất lượng gạo đã đạt rồi”, ông Linh nói.
Dự báo trong tháng 5, có thể xuất khoảng 600.000 tấn. Từ đầu năm đến nay, đã xuất trên 1,8 triệu tấn. Giá gạo trung bình, nếu đi hàng container trên 400 USD/tấn. Dự kiến trong tháng 5, tháng 6, gạo xuất đi Philippines theo hợp đồng, với DN chưa chuẩn bị, sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí bị lỗ. Những DN tạm trữ trong kho theo đúng quy định thì sẽ có lời.
Trong khi đó, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thế Năng, Tổng giám đốc Vinafood2 cho rằng, lấy lý do điều kiện phụ lục khắt khe để trả chỉ tiêu là không đúng. “Điều kiện gọi thầu của người ta là buộc kiểm tra chất lượng đến kho. Anh em không tham gia là vì thế thôi, chứ hai năm nay đã thực hiện thế rồi”, ông Năng nói.
Tổng giám đốc Vinafood2 khẳng định, các đơn vị của Vinafood2 đều thực hiện nghiêm túc. Trong các công ty thành viên của hiệp hội, có một vài công ty lộn xộn. “Về việc xử lý, do hơi đột xuất, nên Tổng Cty sẽ điều đình lại với nhà nhập khẩu. Sẽ có những cái giá phải trả cho những đơn vị thế”, ông Năng nói.
Về nguy cơ bị “trả đũa” bằng việc cắt chỉ tiêu trong những việc phân giao tạm trữ, phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Đôn cho biết, nếu phân bổ hợp đồng tập trung, Cty hoàn toàn tự lo được hợp đồng./.