Trái cây ồ ạt xuất ngoại

VOV.VN - Trước thềm năm mới 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, lượng nông sản của Việt Nam xuất khẩu tăng đột biến, mang lại giá trị cao. Đặc biệt, nhiều loại trái cây tươi, trái cây sấy dẻo có lượng đơn hàng lớn và ổn định đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực, tạo điểm sáng cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam trước khi bước vào năm 2023.

Trái cây tươi ồ ạt xuất ngoại

Những ngày này, không khí tất bật chuẩn bị hàng hóa ở vùng chuyên canh sầu riêng huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An khiến ai nấy phấn khởi, đặc biệt là mặt hàng sầu riêng, một trong các loại nông sản được các nông hộ địa phương tập trung canh tác thời gian gần đây. Anh Trần Đăng Khoa, một trong những cơ sở sản xuất sầu riêng phấn khởi khi 3 lứa sầu riêng trồng giãn cách từ 2016 đến nay đã mang lại hoa lợi. Đây cũng là một trong 2 cơ sở đầu tiên của Long An được cấp mã vùng trồng, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Sau đợt thu hoạch trước Tết Dương lịch để phục vụ thị trường nội địa, bà con địa phương đã chuẩn bị cho đơn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc vào tháng 1/2023.

Theo anh Khoa, hai năm trở lại đây, tỉnh Long An rất quan tâm chất lượng sản phẩm, cấp mã vùng trồng cho những loại nông sản chủ lực của địa phương, nhờ đó việc xuất khẩu thuận lợi hơn: “Về việc cấp mã vùng trồng đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sản xuất trái cây cũng như hàng nông sản được xuất khẩu chính ngạch ra thị trường phía Trung Quốc. Sản phẩm của mình tạo ra không bị thương lái ép và không bị thừa hàng, dội chợ”.

Theo ông Đặng Ngọc Quý, Giám Đốc Công ty Tam Nguyên Food tỉnh Tây Ninh, mặc dù tình hình còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ có sự kết nối của Bộ Công Thương, Trung tâm xúc tiến thương mại, Sở Công thương TP.HCM, Công ty đã tiếp cận được một số đơn hàng trái cây cấp đông vào những ngày chuẩn bị bước sang năm mới 2023, phục vụ cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện các nhà máy đóng gói ở Đồng Tháp, Tây Ninh đã hoàn thành 2 container hàng loại 40 feet và các mặt hàng mít, sầu riêng, ớt chỉ thiên đỏ cấp đông đã có mặt ở một số kệ hàng ở các thị trường vừa nêu. Công ty đang chuẩn bị thêm đơn hàng Mãng cầu xiêm cấp đông xuất sang Malaysia vào đầu quý I/2023. Theo ông Quý, vào thời điểm khó khăn này, những đơn hàng xuất khẩu giúp doanh nghiệp có điều kiện duy trì ổn định hoạt động và chăm lo tết cho người lao động.

Tuy nhiên, để thực hiện chiến lược phát triển mới cho năm 2023, Công ty Tam Nguyên Food đang cần vốn để mở rộng nhà máy, công nghệ đóng gói nhằm đáp ứng yêu cầu từng đơn hàng của đối tác khi hầu hết các thị trường lân cận đã hồi phục sau đại dịch. Một trong những giải pháp mở ra cho những doanh nghiệp xuất khẩu là tìm nguồn tín dụng nước ngoài…

“Về vốn thì hiện tại doanh nghiệp rất cần. Nhưng cần nhất lúc này là tìm được giải pháp để tạo nguồn vốn tín dụng cho công ty để phát triển hàng hóa. Đặc biệt, trong những năm tới sẽ giúp được rất nhiều trong xuất khẩu. Một trong những giải pháp lúc này doanh nghiệp phải sử dụng là tìm nguồn vốn tín dụng từ các đối tác hoặc ngân hàng hoặc những nguồn tín dụng vốn đầu tư quốc tế, cũng như đối tác khác”, ông Quý nói.

Trái cây sấy dẻo được ưa chuộng tại thị trường các nước

Bà Nguyễn Thị Minh Thy, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại - Dịch Vụ Bắc Mỹ Thuận, tỉnh Tiền Giang có trụ sở tại quận Tân Phú, TP.HCM chia sẻ, sau đợt dịch bệnh vừa qua, ở nhiều quốc gia, nhu cầu về các mặt hàng liên quan đến sức khỏe, không chất bảo quản đang gia tăng. Hiện doanh nghiệp này có 8 sản phẩm mứt sấy dẻo và Tết này sẽ đưa ra thị trường các sản phẩm chủ lực, như: xoài cát Hòa Lộc sấy dẻo, gừng mật ong sấy dẻo, chuối xiêm sấy dẻo...

Tất cả những sản phẩm này đều không ngâm ủ đường, không sử dụng chất bảo quản, không dùng bất cứ chất phụ gia nào nhằm giữ nguyên vị và sự an toàn sức khỏe của người tiêu dùng. Hiện doanh nghiệp bà Thy đã hoàn thành các đơn hàng cho các đối tác xuất đi phục vụ kiều bào ở Nhật, Hàn Quốc, Nga và Ba Lan. Phần còn lại phục vụ thị trường nội địa dịp Tết.

Tuy nhiên, vì không dùng chất bảo quản nên thời hạn sử dụng sản phẩm mứt sấy dẻo chỉ từ 3 - 6 tháng. Chị Thy cho biết, đây cũng là điều trăn trở lâu nay của chị. Trong thời gian tới, để sản phẩm đến được tay người tiêu dùng hải ngoại sớm và giữ được chất lượng dài hơn, doanh nghiệp và các đối tác đang tính nhiều phương án mở rộng sản xuất, dây chuyền để nâng cao quy trình đóng gói cho sản phẩm. Qua đó, hướng tới một số thị trường khó tính như: Mỹ, EU… Mục tiêu chính của doanh nghiệp trong năm 2023 là khẳng định được thương hiệu sản phẩm Việt từ đó tiêu thụ nông sản cho bà con và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.

“Đến khoảng giữa năm 2023, chúng tôi sẽ xây dựng thêm nhà xưởng, thêm máy móc về để mở rộng sản xuất. Doanh nghiệp đã có hướng làm thêm chứng chỉ để mình có đủ điều kiện để tự đứng ra xuất khẩu luôn chứ không có cần phải làm gia công cho công ty khác giống như trước nữa. Mình muốn thương hiệu Việt là phải là của mình nên để làm được mình cần phải đầu tư”, bà Thy cho biết.

Trong bối cảnh khó khăn, việc tiêu thụ, xuất khẩu nông sản có những điểm sáng đáng khích lệ. Nhiều mặt hàng cấp tập xuất ngoại, hiện diện trên các quầy hàng ở nhiều thị trường nước ngoài đang đem lại những tín hiệu vui. Những bước đi ổn định, vững chắc, kế hoạch được hoạch định rõ ràng cho thấy doanh nghiệp Việt hướng đến năm 2023 với những khát khao chinh phục và mở rộng thị trường mới cho nông sản Việt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nông sản Việt chinh phục những thị trường khó tính
Nông sản Việt chinh phục những thị trường khó tính

VOV.VN - Năm 2022, hàng loạt nông sản của Việt Nam như: Chanh leo, sầu riêng, bưởi, chuối, khoai lang, tổ yến đã chinh phục được các thị trường lớn như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản.

Nông sản Việt chinh phục những thị trường khó tính

Nông sản Việt chinh phục những thị trường khó tính

VOV.VN - Năm 2022, hàng loạt nông sản của Việt Nam như: Chanh leo, sầu riêng, bưởi, chuối, khoai lang, tổ yến đã chinh phục được các thị trường lớn như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lập kỷ lục mới
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lập kỷ lục mới

VOV.VN - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2022 đạt trên 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lập kỷ lục mới

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lập kỷ lục mới

VOV.VN - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2022 đạt trên 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021.

Nông dân Sơn La chuyển đổi số đưa nông sản vươn xa
Nông dân Sơn La chuyển đổi số đưa nông sản vươn xa

VOV.VN - Là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, những năm gần đây, nông dân Sơn La đã bắt kịp xu thế chuyển đổi số trong các quy trình từ sản xuất đến quảng bá, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị và đưa sản phẩm nông sản Sơn La vươn xa.

Nông dân Sơn La chuyển đổi số đưa nông sản vươn xa

Nông dân Sơn La chuyển đổi số đưa nông sản vươn xa

VOV.VN - Là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, những năm gần đây, nông dân Sơn La đã bắt kịp xu thế chuyển đổi số trong các quy trình từ sản xuất đến quảng bá, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị và đưa sản phẩm nông sản Sơn La vươn xa.