Tràn lan hàng Tết không rõ nguồn gốc xuất xứ
VOV.VN - Các loại hàng khô như thịt bò, măng khô, các loại mứt, trái cây khô... và cả dầu ăn, tương ớt, các loại gia vị... cũng không nhãn mác.
Còn gần hai tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng tại thành phố Hồ Chí Minh, thị trường hàng hóa thực phẩm phục vụ Tết đã bắt đầu sôi động. Đáng chú ý là, từ chợ đầu mối đến các chợ lẻ, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn được bày bán tràn lan trên thị trường, gây lo ngại về an toàn thực phẩm.
Không khó để tìm những mặt hàng thực phẩm khô như: thịt bò khô, măng khô, các loại mứt, trái cây khô... được trưng bày trên các quầy hàng tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), chợ Bình Tây (quận 6), chợ Thủ Đức... không có nhãn mác, xuất xứ. Kèm theo đó là dầu ăn, tương ớt, các loại gia vị... cũng không nhãn mác, được bán chung trong các ki ốt hàng khô này. Các mặt hàng này đều thuộc diện “3 không”- không nguồn gốc, không nhãn mác, không hạn sử dụng và có giá rẻ hơn nhiều so với hàng hóa cùng loại được đóng gói với thông tin đầy đủ cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi được hỏi về thông tin sản phẩm, hầu hết những tiểu thương ở đây đều trả lời rằng: họ không biết xuất xứ, nguồn gốc của hàng hóa hoặc do gia đình, người quen bỏ mối.
Bà Trần Thị Mỹ, tiểu thương ở chợ Thủ Đức nói: “Cái ông đó đi bỏ măng. Người ta thế nào, ở đâu mình đâu biết. Mà ai đâu đi hỏi làm chi. Người ta bỏ mối bán cho mình, măng ngon thì mình mới bán cho các hàng nấu bún măng. Trước gìờ mình cứ lấy hàng rồi bán mà không thấy ai phản ánh gì”.
Còn bà Bùi Thị Nụ, một người bán nước giải khát ở chợ Phạm Văn Hai cho biết: Bánh kẹo thì chỉ mua ở đây thôi chứ nó mua hay bỏ ở đâu ai mà biết. Chợ đâu có ai kiểm tra, đâu phải thời bao cấp đâu mà kiểm tra, chẳng ai quản lý ai hết. Còn nếu mua về mà ăn phải đồ bị hư, thiu thì lên báo rồi người ta xuống kiểm tra. Chứ bình thường đâu có ai kiểm tra. Buôn bán tự do mà, nhiều cái xe đẩy bánh kẹo đi đó, nó đề Hố Nai - Đồng Nai ai mà biết”.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có gần 250 chợ truyền thống, hàng trăm siêu thị và các trung tâm thương mại, các cửa hàng tiện ích, hàng ngàn điểm bán hàng nhỏ lẻ khác. Tuy nhiên, việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm chủ yếu chỉ mới thực hiện được ở các siêu thị, trung tâm thương mại... Còn ở các chợ tự phát, nhỏ lẻ, việc này vẫn còn bị bỏ lửng. Thực trạng này do ý thức của cả người bán lẫn người mua đều còn hạn chế, trong khi lực lượng thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm còn quá mỏng, quản lý còn chồng chéo. Nhiều vụ việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa được phát hiện, kiểm tra, xử lý. Người dân thành phố, đặc biệt là công nhân lao động, người nghèo vẫn thường xuyên sử dụng các sản phẩm thiếu an toàn.
Theo ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù vẫn có tình trạng người dân sử dụng nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ dẫn đến ngộc độc, thậm chí gây tử vong, nhưng trong năm 2014, Hội không nhận được khiếu nại nào liên quan đến hàng hóa thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
“Người khiếu nại phải có thứ để chứng minh được rằng mình đã mua sản phẩm ở nơi này nơi kia. Tuy nhiên, thường thì người tiêu dùng không giữ được cái gì để chứng minh. Thành ra việc này rất khó khăn, người bị khiếu nại họ sẽ chối” – ông Phong cho biết thêm.
Năm 2014, thành phố Hồ Chí Minh đã lấy hơn 19 ngàn mẫu thực phẩm để giám sát, trong đó có gần 14% mẫu không đạt an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, trong số 93 loại thực phẩm phụ gia được lấy mẫu, có tới 13 mẫu sử dụng nhiều phoóc-môn, hàn the, là những chất gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Trong 11 tháng năm 2014, Chi cục Quản lý thị trường thành phố cũng đã kiểm tra 7.000 lượt về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu hủy trên 700 tấn hàng hóa. Bình quân mỗi năm cơ quan này phát hiện hơn 15.000 vụ hàng hóa không đảm bảo chất lượng, trong đó hàng hóa liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm chiếm gần 40%.
Các ngành chức năng kiểm tra rồi xử phạt, nhưng nguyên nhân chính vẫn là ý thức của người dân về an toàn vệ sinh thực phẩm còn yếu, việc chấp hành các quy định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của một bộ phận các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa cao. Mặt khác do lợi nhuận mà những cơ sở sản xuất lẫn người bán hàng trở nên vô cảm với cộng đồng, tình trạng vi phạm và cố tình vi phạm còn nhiều.
Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, ngoài nỗ lực của các ngành chức năng thì chính người tiêu dùng phải chủ động trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn và mạnh dạn phản ánh khi phát hiện vi phạm.
Ông Hòa khuyến cáo: “Khi mua thực phẩm, người tiêu dùng phải lưu ý đến hạn sử dụng. Trên nhãn phải có nguồn gốc rõ ràng, có địa chỉ cụ thể của nhà sản xuất hoặc của thương nhân. Khi có những thông tin này thì chứng tỏ rằng các sản phẩm này được công bố hợp quy hoặc phù hợp quy định”.
Để xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định của pháp luật cần phải nghiêm hơn. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần biết tự bảo vệ mình, không mua những sản phẩm không có nguồn gốc. Các ngành chức năng phải tăng cường công tác kiểm tra, xử phạm những cơ sở vi phạm, nhất là trong dịp cuối năm và Tết nguyên đán sắp tới./.