Triển vọng phát triển cây keo lai trên vùng đất dốc Ninh Thuận
VOV.VN - Cây keo lai phù hợp với điều kiện khí hậu của huyện Bác Ái và có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định.
Những năm gần đây nhiều hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện miền núi Bác Ái - tỉnh Ninh Thuận đã đưa vào trồng cây keo lai trên vùng đất dốc và đồi núi trọc vùng cao và bước đầu mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, để cây keo lai thực sự là cây xóa đói giảm nghèo,vấn đề quy hoạch trồng loại cây này cần được quan tâm, tránh tình trạng người dân phát triển ồ ạt cây keo lai, dẫn đến nhiều rủi ro khó lường.
Ông Nguyễn Đình Hành ở xã miền núi Phước Thành, huyện Bác Ái có 3 ha trồng cây keo lai sắp thu hoạch. Ông Hành cho biết, nhận thấy loại cây này đem lại hiệu quả kinh tế cao, dễ trồng nên gia đình ông bắt đầu chuyển từ trồng bắp sang trồng keo lai từ năm 2011.
“Trước đây, diện tích đất này chuyên canh tác bắp nhưng do điều kiện thiếu nước nên gia đình chuyển sang trồng keo lai từ 3 năm nay. Ngày đó chương trình trồng keo lai ở Ninh Thuận chưa có, nhưng gia đình vẫn tin tưởng diện tích keo lai sẽ phát triển tốt, giá cả ổn định và có thể thoát nghèo từ cây keo lai này”, ông Nguyễn Đình Hành nói.
Ông Pinăng Xuân, ở xã Phước Thành, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận cho rằng, trồng cây keo tương đối phù hợp với vùng đất này. Nếu được Nhà nước hỗ trợ bà con về đất, giống và quy trình chăm sóc… keo lai sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con trong tương lai.
Doanh nghiệp đi tiên phong trong việc trồng cây keo lai trên địa bàn huyện Bác Ái là Công ty Ngọc Doanh. Công ty này hiện có gần 400 ha cây keo lai tại xã Phước Thắng và Phước Thành. Cây keo lai phù hợp với điều kiện khí hậu của huyện Bác Ái và có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định, việc thu mua vận chuyển cũng rất thuận tiện.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Duyên, Giám đốc Công ty Ngọc Doanh cho rằng, hiện tại Khánh Hòa có cảng Cam Ranh với 3 nhà máy sẵn sàng mua keo lai, cây có đường kính từ 12cm trở lên đã có thể bán thân gỗ với giá 1,8 triệu/tấn, cành với ngọn cũng có giá 1,25 triệu đồng/tấn nên vấn đề tiêu thụ không phải lo lắng, thậm chí thiếu sản phẩm cho chế biến xuất khẩu.
Hiệu quả trồng cây keo lai bước đầu đã rõ. Tuy nhiên việc phát triển cây keo lai cần có quy hoạch cụ thể, tránh tình trạng người dân vì cái lợi trước mắt, dẫn đến phát triển ồ ạt cây keo lai. Đã từng có bài học vì phát triển cây trồng theo phong trào, nên người dân cũng lao đao vì đến khi thu hoạch giá thấp, doanh nghiệp không thu mua dẫn đến phải chặt bỏ.
Bên cạnh đó, việc trồng độc canh cây keo lai đối với người dân ở Bác Ái cũng là một sự mạo hiểm. Vì để thu hoạch cây keo lai người dân phải chờ từ 3 - 5 năm, trong khi quỹ đất sản xuất hạn chế nên người dân khó có thể lấy ngắn nuôi dài.
Ông Nguyễn Cảnh Tài, Phó chủ tịch UBND xã Phước Thành, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận cho biết, xã cũng chỉ phân bổ vùng trồng keo lai tập trung ở những khu đất thuộc loại cằn cỗi, nghèo dinh dưỡng. Đối với những diện tích đất canh tác cây hàng năm sẽ không được đưa vào sản xuất cây keo lai để phát triển những cây khác kinh tế hơn.
Việc đưa vào trồng cây keo lai trên địa bàn huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận có thể mở ra một hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân tại đây. Nhưng trước hết, công tác quy hoạch trồng cây keo lai cần được các cấp, các ngành quan tâm, để cây keo lai có thể phát triển bền vững và mang lại hiệu quả cao cho người dân./.