Trở thành triệu phú nhờ cho chim nghe nhạc
Trải qua nhiều thất bại, cuối cùng với công nghệ nuôi chim bồ câu độc đáo, mới lạ, đã mang lại cho anh Toàn thu nhập trung bình mỗi tháng trên 30 triệu đồng.
Chia tay công trường nơi đất khách, bỏ lại sau lưng những lời bàn tán lẫn dị nghị của nhiều đồng nghiệp, với hơn 20 triệu đồng trong tay, anh Thiều Quang Toàn (45 tuổi, trú thôn Hiệp Thanh, xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh, Khánh Hòa) quyết tâm quay về vùng đất khô cằn, quanh năm nắng nóng và gió cát để làm giàu. Trải qua nhiều thất bại, cuối cùng với công nghệ nuôi chim bồ câu độc đáo, mới lạ, đã mang lại cho anh Toàn thu nhập trung bình mỗi tháng trên 30 triệu đồng.
Làm giàu tư nuôi chim bồ câu |
Tạo đột phá bất ngờ
Là nông dân nên anh Toàn cũng như hàng chục lao động, khác trên mảnh đất Cam Thịnh Đông cho dù quần quật làm lụng vẫn không đủ trang trải cuộc sống nên phải kéo nhau đi làm công nhân cầu đường. Cuộc sống xa gia đình, nay đây, mai đó khiến anh Toàn nhiều đêm ứa nước mắt vì nhớ nhà. Nỗi buồn ấy cùng những đêm mất ngủ trong chiếc lán tạm chưa đầy 20m2 khiến Toàn bật ra ý nghĩ tại sao không tìm hướng đột phá trên chính quê hương mình bằng cách làm trang trại chăn nuôi.
Anh Toàn tâm sự, ý nghĩ làm giàu bật ra xong, anh cứ nung nấu mãi rồi mới nói cho nhiều công nhân cùng quê khác nghe. Nghe xong, ai cũng cười, cả vùng đất cát trắng xoa, nắng đến quay quắt, rộc người, nhiều gia đình cũng đã thử trồng cây nhưng không được, chăn nuôi cũng không xong. Vậy mà đòi làm giàu, mơ làm tỷ phú. Rõ hão huyền.
Bạn giễu cười mặc bạn, nếu không thử sao biết là viển vông? Chẳng lẽ cứ tha hương đi làm công nhân cầu đường mãi? Những câu hỏi cùng khát vọng làm giàu cứ thôi thúc Toàn. Thế nên, giữa năm 2013 khi tích cóp được 20 triệu đồng, anh quyết định trở về quê để bắt tay vào giấc mơ làm giàu của mình.
Ban đầu Toàn chăn nuôi gà, vịt nhưng môi trường quá khắc nghiệt, lại hay có dịch bệnh nên thất bại. Anh tiếp tục nảy ý định nuôi bồ câu theo kiểu trang trại. Vét sạch tất cả số tiền tiết kiệm trong nhà, anh Toàn mua hơn 400 cặp bồ câu trưởng thành về làm trang trại nuôi. Bồ câu mắn đẻ nên thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống, gấp đôi đi làm công nhân cầu đường.
Thấy mô hình trang trại bồ câu của anh Toàn tồn tại được nên hàng loạt người dân ở Cam Ranh cũng nuôi theo để cải thiện cuộc sống, hạn chế tình trạng lao động chính phải tha hương. Nhưng sau một thời gian sống trong trang trại có mái lợp tôn, bồ câu sợ nóng nên bay đi khắp nơi. Nhiều gia đình hoảng loạn sợ cụt cả vốn lẫn lời. Toàn lại tiếp tục là người tiên phong tự mày mò, nghiên cứu sau đó, anh vỡ lẽ rằng, ở vùng cát trắng này nếu lợp trang trại bằng ngói hay tôn thì không ổn mà phải lợp bằng tranh, lợp thật dày và thường xuyên phun nước làm mát. Nếu chỗ nào đã lợp bằng tôn hoặc tấm xi măng kiên cố thì phải phủ lên trên một lớp tranh hoặc lá dừa thật dày, như thế sẽ rất thích hợp cho bồ câu. Ai cũng làm theo anh Toàn, bồ câu không còn bỏ đi nữa. Nhiều hộ dân háo hức nuôi theo và đã thoát nghèo.
Sáng kiến độc đáo
Khi đã tìm ra giải pháp để bồ câu không sợ nóng và bay đi thì lại xảy ra “mối họa” khác làm mọi người lo lắng hơn. Hàng loạt cặp bồ câu trưởng thành trong các trang trại rất hung hãn, liên tục đánh nhau. Nghiêm trọng hơn chúng còn phá tổ của nhau. Anh Toàn bộc bạch: “Chúng đánh nhau loạn xạ, hàng loạt bồ câu mái đánh nhau ảnh hưởng đến sức khỏe nên không sinh sản nữa. Có lẽ một phần cũng do điều kiện nơi đây khắc nghiệt quá. Thậm chí có những ngày hàng trăm con bồ câu thương tích đầy mình, bỏ ăn cũng chỉ vì đánh nhau. Hàng loạt chủ trang trại nháo nhác và lo lắng đến mất ăn mất ngủ”. Ông Lê Văn Hưu - một chủ trang trại ở Cam Ranh cho biết: “Thấy anh Toàn nuôi bồ câu giống làm ăn được nên chúng tôi dốc hết tiền của, sức lực làm theo. Giờ xảy ra tình trạng này nên ruột gan ai cũng nóng như lửa đốt”.
Nuôi bồ câu giống mang lại thu nhập cao |
Là người tiên phong mang hướng làm ăn mới này về quê hương nên không đêm nào anh Toàn ngủ được yên giấc. Anh bảo, “tất cả tiền lời có được tôi dốc hết vào trang trại. Có thời điểm, trang trại có hơn 1.000 con bồ câu sinh sản nhưng bị bệnh và chết liên tục vì đánh nhau, mọi giải pháp can thiệp đều không có tác dụng”. Cơn bấn loạn lên đến đỉnh điểm. Có lúc cảm giác ngột ngạt anh cũng muốn buông xuôi tất cả. Nhưng nhiều trang trại khác chờ đợi “phát kiến” mới của anh như nắng hạn chờ mưa, nếu anh buông xuôi thì nhiều người khác cũng điêu đứng theo.
Sau nhiều đêm thức trắng, anh quyết định “sốc” lại tinh thần bằng cách lao vào nghiên cứu cách khắc phục. Anh tải hàng trăm ca khúc nhạc cổ điển và nhạc dòng Bolero vào điện thoại di động để những lúc quá mệt nằm luôn giữa trang trại bồ câu mở ra nghe cho vơi bớt sự bức bối. Lạ thay, giữa lúc hàng trăm chú bồ câu đang đánh nhau điên loạn nhưng khi nghe những bản nhạc này thì dừng lại, mắt lim rim, đầu gật gù như đang “phê”. Càng nghe chúng càng khoái và hết hẳn tình trạng đánh nhau. Ngay lập tức, anh Toàn nảy ra sáng kiến mua hàng chục cặp loa mini lắp đặt khắp trang trại rồi đồng loạt cắm thẻ nhớ đã tải hàng nghìn bản nhạc Bolero, bản nhạc cổ điển mở từ 7h sáng đến chập tối (thời điểm bồ cầu đi ngủ). Từ đó, bất kể thời tiết thế nào, bồ câu cũng rất ngoan.
Anh Toàn bộc bạch: “Được nghe nhạc, bồ câu nhỏ thì lớn nhanh, còn bồ câu trưởng thành thì càng nghe càng “yêu nhau” cuồng nhiệt nên đẻ mắn lắm, con nào con nấy béo quay, khỏe mạnh không hề có bệnh gì”. Nắm được bí quyết, anh Toàn tiếp tục mở rộng trang trại, mua thêm hàng trăm cặp bồ câu trưởng thành khác về nuôi.
Miệt mài truyền bí quyết
Từ khi sáng kiến độc đáo phát huy tác dụng, anh Toàn lập tức thông báo cho tất cả trang trang trại nuôi bồ câu khác trên địa bàn Cam Ranh để cùng áp dụng. Trang trại nào áp dụng cũng đều mang lại hiệu quả bất ngờ. Ông Nguyễn Văn Tâm, chủ một trang trại ở phường Cam Nghĩa cho biết: “Đang ở tận cùng lo âu, tận cùng quẫn bách, có được sáng kiến của anh Toàn đúng là như có được liều thần dược. Tất cả bồ câu đều sống với nhau thanh bình, mức sinh sản dày hơn. Ở vùng đất Cam Ranh này, nhất là những xã, phường có điều kiện cát trắng khắc nghiệt áp dụng mô hình trang trại nuôi bồ câu bằng mái rơm, mái tranh và cho nghe nhạc như anh Toàn rất phát huy hiệu quả”.
Còn ông Lê Văn Hảo - chủ trang trại bồ câu Hảo Thanh ở Cam Lâm tâm sự: “Trước đây ở huyện Cam Lâm thường nuôi tôm nhưng hay mất mùa nên thanh niên bỏ đi làm thuê hết. Thế nhưng từ khi học được cách nuôi bồ câu của anh Toàn thì không ai đi làm thuê nữa. Riêng ở Khánh Hòa đã có trên 20 trang trại đã và đang học theo kiểu làm trang trại và cách nuôi bồ câu như anh Toàn, nhất là vùng khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, anh Toàn không giữ bất cứ bí quyết nào cho riêng mình mà có thời gian rảnh rỗi là anh lại đi chia sẻ kinh nghiệm của mình cho tất cả những người có nhu cầu”.
Anh Toàn thở phào trong niềm vui và bày tỏ khát vọng: “Tôi có khát vọng khắp các vùng đất nghèo khó sẽ áp dụng cách nuôi bồ câu của tôi để làm giàu hoặc có cuộc sống ấm no. Tính đến tháng 4 năm 2016 này tôi có gần 12.000 con bồ câu trưởng thành, liên tục sinh sản. Bồ câu con bán ra mỗi tháng lời được trên 30 triệu đồng. Số tiền này gấp gần 10 lần đi làm thuê như trước đây”./.
Nuôi chim trĩ cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm