Trồng cây “Quốc bảo”, người Xơ Đăng trên núi Ngọc Linh thoát nghèo làm giàu
VOV.VN - Từ chủ trương đúng, cán bộ vào cuộc với tinh thần trách nhiệm của người đảng viên, 2 xã nghèo nhất tỉnh Kon Tum - từ tỷ lệ hộ nghèo hơn 70% nhờ trồng sâm nay không chỉ thoát nghèo, người dân đã vươn lên ngoạn mục, tự tin làm giàu.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước ở mức 1%-1,5%; phấn đấu đến năm 2030 cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Triển khai Nghị quyết, ngày 23/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 05 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững.
Đưa nghị quyết và chỉ thị của Đảng áp dụng thực tiễn, tại tỉnh Kon Tum, công tác xoá nghèo được triển khai quyết liệt ngay từ đầu nhiệm kỳ, lấy 2 xã Mường Hoong và Ngọk Linh (huyện Đắk Glei) là 2 xã nghèo nhất tỉnh làm điểm. Từ chủ trương đúng, cán bộ vào cuộc với tinh thần trách nhiệm của người đảng viên, 2 xã nghèo nhất tỉnh Kon Tum - từ tỷ lệ hộ nghèo hơn 70%, không chỉ thoát nghèo người dân đã vươn lên ngoạn mục, tự tin làm giàu.
Loạt bài “Từ Nghị quyết của Đảng đến thực tiễn xoá nghèo ở 2 xã nghèo nhất Kon Tum” của nhóm phóng viên VOV - Tây Nguyên nêu những kết quả nổi bật, phân tích cách làm, kinh nghiệm của các cấp uỷ đảng ở tỉnh Kon Tum trong công tác xoá nghèo.
“Trên cơ sở chuyến công tác của đồng chí Bí thư tỉnh ủy năm 2020, nhận thấy 2 xã Mường Hoong, Ngọk Linh là 2 xã nghèo nhất tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Tổ công tác để tìm ra nguyên nhân tại sao 2 xã này nghèo, từ đó chúng tôi xây dựng Đề án giúp đỡ 2 xã”.
“Sau khi Tỉnh uỷ thành lập Tổ hỗ trợ 2 xã Mường Hoong, Ngọk Linh, Ban Thường vụ huyện uỷ cũng đã thành lập Tổ công tác phụ trách 2 xã để trực tiếp theo dõi, hỗ trợ nhân lực và các nguồn lực khác để giúp 2 xã thoát nghèo”.
“Trước đây xã thuộc diện nghèo nhất tỉnh, có thể là nghèo nhất nước, nhưng từ khi có chủ trương giúp đỡ của Tỉnh ủy cũng như Huyện uỷ, đã giúp cho xã rất nhiều để làm thay đổi nếp nghĩ cách làm, bà con biết làm ăn, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương để có sự đột phá”.
Trên đây là những ý kiến của lãnh đạo Tỉnh uỷ Kon Tum, Huyện uỷ Đắk Glei và Đảng uỷ xã Ngọk Linh về những trăn trở "làm sao để giúp dân thoát nghèo", cùng sự ra đời của đề án giúp 2 xã Mường Hoong, Ngọk Linh, huyện Đắk Glei xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội vào tháng 6/2020. Đến nay, sau 4 năm các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt triển khai đề án, 2 xã ở vùng núi cao rừng sâu, nghèo nhất tỉnh, đã có sự đổi thay ngoạn mục.
Trong tiếng mưa rơi lộp độp và tiết trời lạnh giá của vùng núi cao trên 1.700m so với mực nước biển, bà Y Bia, dân tộc Xơ Đăng, ở Làng Mới, xã Mường Hoong, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum cần mẫn kiểm tra vườn sâm Ngọc Linh. Dưới tán rừng già, gần 300 cây sâm từ 4 - 5 năm tuổi đang sinh trưởng khá tốt. Nhẹ tay vun mùn đất vào gốc sâm, bà Y Bia không giấu được niềm vui cho biết, vườn sâm tiền tỷ này đang tiếp tục được nhân giống, mở rộng. Điều này có được khi năm 2021, cán bộ của tỉnh, huyện, xã đến vận động, tuyên truyền, bà đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư mở rộng trồng sâm Ngọc Linh.
“Loại sâm 4 tuổi 1 củ giá khoảng 1,2 triệu đồng nhưng mình chưa bán, mình trồng để nhân giống thêm vì nhà chưa có nhiều, mình cũng đi mua của bà con để về nhân giống thêm. Tiền mua giống này mình phải đi vay ngân hàng 85 triệu đồng từ năm 2021”, bà Y Bia cho biết.
Cùng trong cánh rừng trên núi Ngọc Linh, ông A Năng, Phó Bí thư Chi bộ Làng Mới, xã Mường Hoong đang cùng gia đình chăm sóc vườn sâm hơn 4.000 cây. Ông A Năng là một trong những người đầu tiên ở làng mạnh dạn vay vốn trồng sâm Ngọc Linh. Đến nay, mỗi năm, chỉ riêng tiền bán lá và hạt sâm ông thu về khoảng 300 triệu đồng. Ông A Năng tự tin gia đình sẽ giàu có chỉ sau vài ba năm nữa khi bán lứa củ sâm đã già.
Không chỉ cố gắng làm giàu cho bản thân, ông A Năng còn đang tích cực hỗ trợ bà con trong làng phát triển những vườn sâm mới. Là người có uy tín và kinh nghiệm, ông A Năng cùng bà con Làng Mới lập Tổ liên kết trồng sâm Ngọc Linh, chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ khu vực trồng sâm, hỗ trợ nhau phát triển.
“Khi thành lập tổ liên kết, đầu tiên mình vận động các hộ vào tổ để thống nhất trồng sâm. Sau đó do đã có giống sâm, mình liên kết các hộ bỏ vốn để cùng trồng. Cùng trong một khu vực mọi người cùng trồng, chăm sóc, bảo quản, trông coi, trao đổi lẫn nhau trong nhóm”, ông A Năng cho biết.
Sinh sống lâu đời trên dãy núi Ngọc Linh, bà con người Xơ Đăng ở 2 xã Mường Hoong và Ngọk Linh, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum, quen thuộc với thần dược của rừng già - cây sâm Ngọc Linh. Nhưng việc nhân giống, phát triển trồng sâm trên các vùng rừng núi thì bà con mới thực hiện mấy năm trở lại đây.
Ông A Cẩm, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Hoong cho biết, việc trồng sâm Ngọc Linh được đẩy mạnh từ khi triển khai Đề án của Tỉnh uỷ và Huyện uỷ hỗ trợ xã phát triển kinh tế xã hội để giảm nghèo. Rất nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển vùng trồng sâm. Dư nợ vốn chính sách năm 2020 chỉ khoảng 2 tỷ đồng, nay đã tăng lên 36 tỷ đồng. Ở mỗi thôn, làng đều đã hình thành tổ liên kết, tổ hợp tác trồng sâm. Theo ông A Cẩm, lợi thế của núi Ngọc Linh đang được phát huy hiệu quả để bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
"Tư duy người dân đã có sự thay đổi rõ rệt. Người dân mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển cây sâm Ngọc Linh đây là cây chủ lực để người dân có thể làm giàu”, ông A Cẩm cho hay.
Hiệu quả từ công tác vận động, tuyên truyền cũng như những giải pháp hỗ trợ thiết thực của các cấp uỷ đảng, chính quyền tỉnh Kon Tum đã giúp người dân ở 2 xã Mường Hoong và Ngọk Linh thay đổi tư duy, mạnh dạn vay vốn, tự tin đầu tư. Trên vùng núi cao rừng sâu heo hút, 2 xã nghèo nhất Kon Tum đã có 35 ha Sâm Ngọc Linh, ước tính nguồn thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Theo ông A Phương, Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Đắk Glei, lấy cây sâm Ngọc Linh làm chủ lực, các loại cây giá trị khác như cà phê, sâm dây và nhiều loại dược liệu khác phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng làm phụ trợ, bà con người Xơ Đăng trên dãy núi Ngọc Linh đang từng bước phát huy nội lực để tự thoát nghèo, nhiều hộ tự tin tiến tới làm giàu.
“Đến giờ nhận thức của bà con không còn ỷ lại nhà nước, họ biết xác định khả năng dựa trên nội lực của chính mình. Với tư duy và nhận thức như vậy, quá trình phát triển kinh tế của bà con 2 xã Mường Hoong, Ngọk Linh, đặc biệt là người Xơ Đăng ở đây đã thay đổi rất rõ rệt”, ông A Phương tự hào cho biết.