Trung Đông - “mỏ vàng” chưa khai phá cho hàng hóa Việt chất lượng cao
VOV.VN - Thị trường Trung Đông có tính thanh khoản cao, đòi hỏi chất lượng hàng hóa nghiêm ngặt có thể thành “mỏ vàng” cho hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam.
Trung Đông là khu vực có vị trí địa lý chiến lược quan trọng, tiếp giáp với cả ba châu lục châu Á, châu Âu và châu Phi, là địa bàn trung chuyển hàng hóa đi các khu vực xung quanh, đặc biệt Dubai hiện trở thành thị trường trung chuyển hàng hóa lớn thứ ba trên thế giới.
Nông sản là thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam đối với thị trường Trung Đông - châu Phi. |
Những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam sang Trung Đông hiện nay là rau, củ quả, thủy sản, điện thoại di động, giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, gạo, hạt tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều, cà phê…
Trong những năm qua, thương mại Việt Nam - Trung Đông liên tục tăng trưởng cao, năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 12 tỉ USD; đến năm 2018 con số này là gần 14 tỉ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt hơn 8,7 tỉ USD và nhập khẩu gần 3 tỉ USD.
Theo bà Phan Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Trung tâm tác nghiệp tài trợ thương mại Ngân hàng BIDV, Trung Đông là một trong những thị trường có tính thanh khoản cao và đáng tin cậy. Vấn đề duy nhất là thị trường này đòi hỏi chất lượng hàng hóa rất cao với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, điểm khác của thị trường Trung Đông là yêu cầu chứng nhận hàng hóa, sản phẩm từ bên thứ ba có uy tín chứ không chấp nhận tự chứng nhận của doanh nghiệp đưa ra. Đây là một trong những điểm doanh nghiệp cần chú ý nếu muốn xuất khẩu sản phẩm vào thị trường này.
Bà Dương Thị Bích Diệp, Phó Tổng Giám đốc Lavigroup, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, rau củ quả, chia sẻ, thị trường xuất khẩu truyền thống của công ty tập trung ở khu vực Bắc Mỹ, Châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Trung Quốc. Hiện, LaviGroup đang đặc biệt quan tâm thị trường khu vực Trung Đông - châu Phi và xác định đây sẽ là thị trường mang tới sự phát triển đột phá cho doanh nghiệp.
“Trung Đông – châu Phi, nhất là khu vực Trung Đông đối với chúng tôi là một điểm đến mới rất hấp dẫn vì Việt Nam hiện đã có quan hệ ngoại giao với 69/70 quốc gia tại đây. Trước hết phải nói đến nhu cầu, vì nhu cầu là yếu tố quyết định thị trường đối với các doanh nghiệp. Trung Đông – châu Phi có nhu cầu rất lớn đối với nông sản Việt Nam”, bà Diệp cho hay.
“Các quốc gia có thu nhập cao như ở Trung Đông đòi hỏi rất khắt khe không chỉ về khẩu vị, chủng loại, mẫu mã mà đặc biệt kiểm soát tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cũng như nguyên liệu đầu vào chặt chẽ. Đây cũng là một lợi thế của Lavigroup”, bà Diệp cho biết thêm.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tiềm năng của thị trường Trung Đông-châu Phi là rất lớn và phù hợp, tương thích với các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn duy trì hợp tác lâu dài với các nước khu vực Trung Đông, ngoài giải bài toán về đảm bảo ổn định về chất lượng sản phẩm, sự khác biệt về hệ thống pháp luật hay truyền thống văn hóa cũng là những rào cản không nhỏ với doanh nghiệp Việt.
Do đó, các cấp, ngành chức năng giữa Việt Nam và Trung Đông – châu Phi cần tiếp tục có thêm những hành động mạnh mẽ, quyết liệt và cụ thể hơn để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ông Phòng khẳng định: “Với sự nỗ lực thực sự của các bên, tôi tin rằng, kết quả kinh tế, thương mại và hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác chắc chắn sẽ còn gia tăng”.
Ông Phòng cũng cho rằng: “Các cơ quan quản lý Nhà nước cần nỗ lực nhiều hơn, quyết liệt hơn trong việc tìm kiếm các giải pháp và phương thức chung bằng những thỏa thuận hay quy chế phối hợp mang tính ràng buộc, hướng dẫn để hỗ trợ và củng cố niềm tin trong doanh nghiệp. Có như vậy hoạt động đầu tư, hợp tác trao đổi thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam-Trung Đông và châu Phi mới có cơ hội được thúc đẩy”.
Đa phần doanh nghiệp Việt Nam đều ở quy mô nhỏ và vừa, không thể tự mình bươn chải, nhất là ở khu vực cách trở về địa lý như Trung Đông – châu Phi. Chính vì lẽ đó, rất cần sự phối hợp hơn nữa và quyết liệt hơn của các cơ quan quản lý, cũng như các hiệp hội doanh nghiệp… Có như vậy, các doanh nghiệp Việt mới đủ niềm tin và điều kiện để khai phá thị trường rất tiềm năng như Trung Đông-châu Phi./. Nhiều doanh nghiệp nếm “trái đắng” khi làm ăn ở thị trường châu Phi