Từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, “không biết thì không quản”
VOV.VN - Trong năm qua nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị nền kinh tế nước ta có sự phục hồi mạnh mẽ khi tăng trưởng GDP đạt 7,09%, cao hơn mục tiêu 6-6,5% đã đề ra. Dù vậy, để tiếp tục tăng trưởng GDP 8% trong 2025, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, cần có đột phá về thể chế -phải đi trước mở đường...
Trong năm qua nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị nền kinh tế nước ta có sự phục hồi mạnh mẽ khi tăng trưởng GDP đạt 7,09%, cao hơn mục tiêu 6-6,5% đã đề ra. Được cộng đồng quốc tế và các tổ chức quốc tế nhận định là điểm sáng về tăng trưởng và thuộc nhóm một số các nước tăng trưởng cao trên thế giới, khu vực. Mặc dù vậy, để tiếp tục tăng trưởng GDP 8% trong năm nay, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, cần có đột phá về thể chế -phải đi trước mở đường cho phát triển.
Cụ thể năm 2024, trong mức tăng trưởng chung 7,09% thì khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất 42,36%; Tiếp theo là khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,64%; Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,86%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,14%. Đặc biệt tăng trưởng kinh tế của nước ta duy trì ở mức cao trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát hợp lý, các cân thương mại xuất nhập khẩu đạt kết quả tích cực với xuất siêu 24,77 tỷ USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2024 ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay, khẳng định niềm tin vững chắc của các nhà đầu tư quốc tế vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam…
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhìn nhận, kinh tế nước ta dần phục hồi với dấu hiệu tốt dần lên theo từng quý, mặc dù có những tháng sự phục hồi khá mong manh, đây là tiền đề quan trọng giúp tạo dư địa để nền kinh tế Việt Nam bứt phá mạnh mẽ hơn trong năm 2025.
"Đây chính là những con số chứng minh với thế giới với khu vực về sự phục hồi rất mạnh mẽ của nước ta trong năm 2024, về phát triển kinh tế- xã hội. Về xã hội có thể khẳng định là thu nhập của người lao động cũng có mức tăng tương ứng với thu nhập là tăng đến 8,6% và năng suất lao động tăng lên là 5,88 %" - bà Hương cho biết.
Mặc dù vậy, nền kinh tế nước ta vẫn còn tồn tại một số khó khăn trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến bất định như tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực sức mua yếu, phục hồi chậm. Dư địa nguồn lực trong nền kinh tế còn nhiều, nhưng chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả, nhất là nguồn lực tư nhân. Cùng với đó, thể chế, pháp luật vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”; tư duy xây dựng pháp luật còn nặng về quản lý hơn là kiến tạo phát triển. Lãng phí vẫn còn trong nhiều ngành, lĩnh vực, làm suy giảm nguồn lực, bỏ lỡ thời cơ cho phát triển của đất nước.
Theo Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung vẫn còn những rào cản về môi trường kinh doanh còn vướng mắc, cần phải khắc phục: "Cả năm 2024 có khoảng 197.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, trong lúc đó khoảng 233.000 doanh nghiệp thành lập mới và gia nhập thị trường- điều này có nghĩa ra môi trường kinh doanh của chúng ta không thuận lợi".
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% và phấn đấu hai con số trong các năm tới, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, cần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế… Cùng với đó, xác định đột phá về thể chế là: “đột phá của đột phá”, phải đi trước mở đường cho phát triển; đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật theo hướng “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, tạo không gian phát triển mới”, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, “không biết thì không quản”.
Đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; tiếp tục tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.