Từ ngày 1/7 sẽ thanh tra nhà máy giấy “bức tử sông Hậu“
Từ ngày 1/7/3026, Bộ TN&MT sẽ thanh, kiểm tra Nhà máy Giấy Lee & Man để làm rõ thông tin nhà máy này "bức tử" sông Hậu.
Bắt đầu từ ngày 1/7/2016, Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) sẽ tổ chức thanh, kiểm tra đối với Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam trước thông tin lo ngại doanh nghiệp này có hoạt động gây ô nhiễm môi trường "bức tử sông Hậu".
Từ ngày 1/7/3026, Bộ TN&MT sẽ thanh, kiểm tra Nhà máy Giấy Lee & Man |
Trước hàng loạt thông tin lo ngại về việc Nhà máy giấy Lee & Man của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam tại cụm công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang sau khi hoạt động có thể gây “bức tử sông Hậu”. Bộ TN&MT đã quyết định tổ chức đoàn thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam.
Bộ TN&MT cho biết, thông tin lo ngại về việc doanh nghiệp này có thể vi phạm về môi trường là vấn đề cần quan tâm, giải quyết, vì vậy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã giao Tổng cục Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường (Sở TN&MT) Hậu Giang, Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh Hậu Giang và các cơ quan liên quan tiến hành thanh tra, xem xét và đánh giá việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Giấy Lee & Man.
Theo Quyết định thanh tra của Tổng cục Môi trường, đoàn thanh tra sẽ bắt đầu thực hiện quyết định thanh, kiểm tra vào ngày 1/7/2016.
Thực hiện đợt thanh tra lần này, ngoài các cơ quan có liên quan, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã yêu cầu đoàn kiểm tra mời một số chuyên gia đầu ngành về công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải trong sản xuất giấy cùng tham gia đoàn thanh, kiểm tra.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đây là dự án tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường, nếu doanh nghiệp không thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, thì đoàn thanh, kiểm tra cần phải xem xét toàn diện các nội dung.
Trước hết là kiểm tra quy trình phê duyệt, nội dung đánh giá tác động môi trường, giấy phép xả thải nước thải, công nghệ sản xuất và xử lý nước thải đặc biệt là công nghệ xử lý nước thải.
Đồng thời, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam trong việc thực hiện quy định về đánh giá tác động môi trường, giấy phép xả thải, áp dụng quy chuẩn môi trường, việc thiết kế, thẩm định, xây dựng, kế hoạch vận hành thử nghiệm…
Tiếp đến là kiểm tra phương án, công trình ứng phó sự cố môi trường, hồ chỉ thị sinh học, hệ thống giám sát tự động, trực tuyến kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường địa phương, đảm bảo nước thải trước khi thải ra môi trường được kiểm soát đầy đủ các thông số về môi trường theo quy định. Hệ thống này phải dễ dàng tiếp cận và được sự giám sát của người dân.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu: Kết quả kiểm tra, thanh tra nếu phát hiện các vi phạm phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời phải đề xuất cho phép hay chưa cho phép nhà máy đi vào giai đoạn vận hành thử nghiệm sản xuất, các giải pháp yêu cầu nhà máy phải tiếp tục hoàn thiện, xử lý triệt để trước khi vận hành.
Trước đó, dư luận đã dấy lên thông tin về việc Nhà máy giấy của Công ty trách nhiệm hữu hạn Giấy Lee & Man Việt Nam (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hongkong – Trung Quốc) được xây dựng tại tỉnh Hậu Giang có quy mô lớn nhất Việt Nam (TOP 5 trên thế giới) khi đi vào hoạt động mỗi năm sẽ thải khoảng 28.500 tấn xút (NaOH) ra sông Hậu, trong khi khu vực này không có hệ thống xử lý nước thải trung tâm bảo đảm yêu cầu an toàn là nguyên nhân tác động xấu đến môi trường và có nguy cơ "bức tử sông Hậu".
Đây là dự án chuyên sản xuất, gia công, mua bán các loại giấy, bao bì bột giấy và sản phẩm từ giấy. Vào tháng 3/2015, dự án Nhà máy giấy Lee &Man Việt Nam đã chính thức khởi công và dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 8/2016.
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (Vasep), vì rất lo ngại dự án này có thể hủy hoại nguồn lợi thủy sản vùng ĐBSCL bởi nếu dự án này đi vào hoạt động, và với mức xả xút công suất khủng như trên thì chẳng khác nào dòng sông Hậu bị “bức tử”. Theo đánh giá của Vasep thì đây quả thực là một vấn đề đáng lo ngại cho vùng sản xuất thủy sản trọng điểm của cả nước, đó là vùng ĐBSCL, khu vực chiếm trên 70% diện tích thủy sản, 40% sản lượng nuôi trồng và 60% sản lượng xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Do vậy, mới đây VASEP đã gửi công văn tới Quốc hội và Chính phủ kiến nghị rà soát công nghệ xử lý nước thải của Dự án này đồng thời kiến nghị việc giám sát hoạt động xả thải của nhà máy từ đầu tư thiết bị, cơ chế giám sát và thực thi./. Lo ngại Nhà máy giấy bức tử sông Hậu: Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang nói gì?