Dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang:

Từ vướng mắc giá đền bù đến mua đất tái định cư

VOV.VN - Công tác kiểm kê, xác định nguồn gốc và áp giá đền bù đất đai, tài sản được người dân cho là thiếu công khai minh bạch.

Được khởi công từ năm 2009, với tổng vốn đầu tư trên 7.000 tỷ đồng, Dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) đảm nhận việc cấp nước tưới cho hàng nghìn ha đất sản xuất và phân lũ, khai thác tiềm năng thủy điện, góp phần cải thiện đời sống người dân trong vùng...

Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thi công, UBND huyện Vũ Quang vẫn chưa thể bàn giao hoàn toàn mặt bằng cho dự án như kế hoạch đặt ra (cuối năm 2013). Nguyên nhân do người dân không đồng tình với công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư. 

Cảnh tiêu điều tại khu tái định cư Hói Trùng. (Ảnh: Huy Nam)

Do tác động lớn của công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang đối với đời sống người dân, nhất là hơn 800 hộ trong diện phải di dời giải tỏa, tỉnh Hà Tĩnh đã đặc biệt quan tâm đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Nhưng, thực tế công tác này đang gây ra những lo ngại, hoài nghi trong dân khi việc kiểm kê, xác định nguồn gốc và áp giá đền bù đất đai, tài sản được người dân cho là thiếu công khai minh bạch.

Ông Nguyễn Văn Sơn ở xã Sơn Thọ - một trong những hộ bị ảnh hưởng bởi dự án cho rằng, Ban bồi thường hỗ trợ tái định cư huyện Vũ Quang đã sai khi không đền bù ngôi nhà gỗ 3 gian kiên cố của ông, trị giá hàng trăm triệu đồng, vì cho rằng nhà của ông xây dựng vi phạm Chỉ thị 32 của tỉnh về việc đình chỉ xây dựng, cơi nới nhà cửa…thuộc vùng dự án.

“Ban bồi thường nói tôi vi phạm Chỉ thị 32, nhưng Chỉ thị 32 từ năm 2008 mới phổ biến cho người dân, trong khi nhà tôi xây dựng từ cuối năm 2006, đầu năm 2007. Nếu nói tôi vi phạm Chỉ thị 32 thì tại sao khi tôi làm nhà các anh không lập biên bản vi phạm? Nếu có biên bản vi phạm thì tôi sẽ không đòi đến bù”, ông Sơn bức xúc nói.

Ông Sơn chỉ là một trong hàng trăm trường hợp bất bình, khiếu nại về việc đền bù, hỗ trợ tái định cư của UBND huyện Vũ Quang. Theo phản ảnh của người dân, chính quyền đã vi phạm Nghị định 69/2009 của Chính phủ khi thu hồi, áp giá đền bù đất đai, nhà cửa của họ không rõ ràng, minh bạch.

Đơn cử như trường hợp ông Trần Quốc Toản, ở xã Hương Điền, gia đình ông có trên 18.000m2 đất trong vùng lòng hồ, mặc dù chưa có quyết định thu hồi đất, nhưng UBND huyện Vũ Quang đã gọi ông lên nhận tiền đền bù.

Không đồng tình với cách làm này, ông Toản đến Ủy ban huyện hỏi cho rõ thì 3 ngày sau, huyện mới đưa cho ông tờ quyết định thu hồi. Lúc này, ông mới biết diện tích đất bị ghi thiếu, loại đất áp giá đền bù cũng sai, còn tờ quyết định thì được ban hành 1 năm trước đó.

“Khi bồi thường cho người dân, chính quyền phải có quyết định bồi thường rõ ràng. Trong quyết định bồi thường phải nêu rõ mức bồi thường hỗ trợ và tái định cư (nếu có) để người dân hiểu và so sánh đối chiếu chéo giữa ông A, ông B, ông C. Nhưng đây họ không làm như vậy, họ không lập phương án bồi thường, phải công khai phương án bồi thường nhưng họ làm không ai biết và có sự thiên vị”, ông Toản cho biết.

Không chỉ bất bình trong việc kiểm kê, áp giá bồi thường, trong quá trình tổ chức tái định cư của huyện Vũ Quang cũng vấp phải phản đối quyết liệt của dân. Thế mới có chuyện nhiều người đồng loạt từ chối vào vùng tái định cư. Họ cho rằng mình đã bị “thiệt đơn thiệt kép” khi nhiều tài sản, đất đai tại nơi ở cũ đã không được tính đúng tính đủ, giờ lại phải mất thêm hàng chục triệu đồng/mỗi hộ để mua đất tái định cư. Trong khi, điều kiện sinh sống tại nơi ở mới còn thua xa nơi ở cũ, hạ tầng thiếu đồng bộ, không có đất sản xuất, nước sinh hoạt nhiễm sắt nặng, có nơi vượt quá 20 lần.

Anh Nguyễn Điệp, ở xã Sơn Thọ cho biết, Ủy ban huyện đồng ý bảo lưu giá đất cho gia đình anh theo thời điểm năm 2010, nhưng còn mấy hộ mới giao nộp đất chỉ được tính hơn 50 triệu đồng, tức là giá thành chỉ được tính khoảng 10.000 đồng/m2. Trong khi đất ở khu tái định cư đã tăng lên hơn 100.000/m2. Thực tế này khiến người dân bức xúc, không biết kêu ai, mà kêu cũng không được giải quyết…

Trao đổi với phóng viên VOV, ông Nguyễn Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang, Trưởng ban chuyên trách bồi thường, hỗ trợ tái định cư công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang thừa nhận, nhiều thắc mắc, khiếu nại của người dân là chính xác. Trong đó có nguyên nhân bất cập từ trình độ chuyên môn của cán bộ khi kiểm kê, áp giá đền bù… Còn về việc lập biên bản để có cơ sở chứng minh khi không đền bù các công trình vi phạm như khiếu nại của dân.

“Lúc đầu, ở một số xã tổ chức đi lập biên bản những công trình vi phạm, nhưng sau đó người dân không hợp tác nên thôi, cán bộ chỉ đến đánh dấu vào sổ là được. Không phải ngày nào xã cũng cử được cán bộ vào kiểm tra xem dân làm cái gì sai phạm để lập biên bản. Xét về lý là đúng, nhưng trong thực tiễn không thể làm được”, ông Nguyễn Đình Đức bày tỏ.

Cho dù nguyên nhân là gì đi nữa thì những bức xúc về việc kiểm kê, bồi thường, hỗ trợ tái định cư của người dân trong vùng dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang là có thật. Điều này đã được khẳng định trong báo cáo của Công an tỉnh Hà Tĩnh khi xác minh phục vụ công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân.

Báo cáo của Công an tỉnh Hà Tĩnh có ghi rõ: “Ban chuyên trách giải phóng mặt bằng dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (huyện Vũ Quang) mắc các thiếu sót, cụ thể như công tác kiểm kê đất, xác định nguồn gốc đất, tài sản trên đất của một số hộ dân chưa chính xác. Việc ban hành quyết định thu hồi đất, phần căn cứ còn thiếu Nghị định 69/2009 của Chính phủ, thiếu thông tin về số tờ bản đồ, số thửa đất theo quy định”.

Cách làm thiếu minh bạch của Ban chuyên trách giải phóng mặt bằng huyện Vũ Quang trong việc giải tỏa, đền bù tái định cư dự án thủy lợi Ngàn Trươi Cẩm Trang đã gây bất bình trong nhân dân.

Người dân nơi đây đã phải chịu “thiệt kép” về kinh tế khi chưa được đền bù thỏa đáng, giờ lại chịu cảnh thiếu thốn đủ bề tại khu tái định cư. Chính những vướng mắc nêu trên đã khiến nhiều hộ gia đình đã từ chối nhận tiền đền bù, bám trụ lại nơi ở cũ để kiếm sống, mặc cho thời điểm chặn dòng dự án đã cận kề và các cơ quan hành chính địa phương đã dời đi từ vài tháng trước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

"Thủy điện gây thiệt hại sẽ phải đền bù"
"Thủy điện gây thiệt hại sẽ phải đền bù"

VOV.VN -Ông Nguyễn Bá Thanh đồng ý với cử tri về việc yêu cầu chủ đầu tư thủy điện đền bù cho người dân khi xả lũ không đúng quy trình.

"Thủy điện gây thiệt hại sẽ phải đền bù"

"Thủy điện gây thiệt hại sẽ phải đền bù"

VOV.VN -Ông Nguyễn Bá Thanh đồng ý với cử tri về việc yêu cầu chủ đầu tư thủy điện đền bù cho người dân khi xả lũ không đúng quy trình.

Bình Định: Vỡ bờ hồ thủy lợi, hàng trăm hộ bị ngập
Bình Định: Vỡ bờ hồ thủy lợi, hàng trăm hộ bị ngập

Rạng sáng 1/1, bờ cơi hồ thủy lợi Hội Khánh, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ (Bình Định) bị vỡ, khiến hoa màu của hàng trăm hộ dân bị chìm trong nước.

Bình Định: Vỡ bờ hồ thủy lợi, hàng trăm hộ bị ngập

Bình Định: Vỡ bờ hồ thủy lợi, hàng trăm hộ bị ngập

Rạng sáng 1/1, bờ cơi hồ thủy lợi Hội Khánh, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ (Bình Định) bị vỡ, khiến hoa màu của hàng trăm hộ dân bị chìm trong nước.

Vỡ hồ thủy lợi Suối Đá ở Bình Thuận
Vỡ hồ thủy lợi Suối Đá ở Bình Thuận

Hồ thuỷ điện này chứa gần 7 triệu m3 nước bất ngờ bị vỡ.

Vỡ hồ thủy lợi Suối Đá ở Bình Thuận

Vỡ hồ thủy lợi Suối Đá ở Bình Thuận

Hồ thuỷ điện này chứa gần 7 triệu m3 nước bất ngờ bị vỡ.

Bình Định xả lũ cứu hồ thủy lợi Định Bình
Bình Định xả lũ cứu hồ thủy lợi Định Bình

VOV.VN -Mưa lớn phía thượng nguồn mấy ngày qua khiến mực nước hồ lên nhanh, lưu lượng nước đổ về hồ là 230m3/giây.

Bình Định xả lũ cứu hồ thủy lợi Định Bình

Bình Định xả lũ cứu hồ thủy lợi Định Bình

VOV.VN -Mưa lớn phía thượng nguồn mấy ngày qua khiến mực nước hồ lên nhanh, lưu lượng nước đổ về hồ là 230m3/giây.