USD mất giá, đe dọa vị thế của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu?
VOV.VN - Các chuyên gia nhận định, nước Mỹ không còn giữ vị thế thống trị của mình trong hệ thống tài chính toàn cầu nếu đồng USD tiếp tục suy yếu.
Trong những tuần vừa qua, đồng USD tiếp tục suy yếu trước những đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới. Nguyên nhân được nhận định là USD đang bị ảnh hưởng bởi căng thẳng chính trị tại Mỹ. Chính vì thế, các chuyên gia nhận định, nước Mỹ không còn giữ vị thế thống trị của mình trong hệ thống tài chính toàn cầu nếu đồng USD tiếp tục suy yếu.
Tính đến đầu phiên giao dịch hôm nay (giờ Việt Nam), trên thị trường thế giới, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường thay đổi đột biến giảm so với 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới là là EUR, JPY), GBP, CAD, SEK, CHF giảm 0,82% xuống còn 92,47.
Đồng USD đang không còn được các nhà đầu tư tin tưởng. (Ảnh minh họa: KT) |
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một nguyên nhân khác khiến chỉ số USD giảm giá khoảng 10% trong năm nay do tình trạng không chắc chắn về chương trình nghị sự kinh tế của Tổng thống Donald Trump.
Jeffrey Schott, chuyên gia cao cấp tại Viện kinh tế quốc tế Peterson của Mỹ cảnh báo, nhiều chính sách của Nhà Trắng thời gian qua hơi khó hiểu. Một số chính sách được đưa ra dưới sức ép áp đặt của Tổng thống Donald Trump muốn đạt được.
“Điều rõ ràng được nhận thấy là chính sách cắt giảm thuế, chấm dứt hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) của Mỹ đối với Mexico và Canada mà chưa lường hết được phản ứng của thị trường. Điều này cũng khiến các cố vấn kinh tế của ông Donald Trump và bản thân Tổng thống Mỹ thường hay gây áp lực đối với các đối tác, dẫn đến quan hệ giữa các bên căng thẳng”, Jeffrey Schott nhận định.
Đáng chú ý, bộ máy chính quyền hỗn loạn dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến lòng tin vào đồng USD giảm nghiêm trọng. Kể từ khi nhậm chức, ông Donald Trump đã chọn cách đối đầu với chính phủ nhiều nước, bao gồm cả các đồng minh thân cận như Australia và Đức cùng với các cuộc tranh cãi với Triều Tiên về chương trình hạt nhân và tên lửa.
Chính vì thế, các thị trường đã cho thấy sự thiếu tin tưởng vào chính quyền của ông Donald Trump, dẫn đến nỗi lo về một cuộc khủng hoảng mới có thể gây ra làn sóng tháo chạy khỏi đồng USD.
Điều này trái ngược hẳn với thời kỳ ông Donald Trump lên nhậm chức vào tháng 11 năm ngoái. Bởi nhà đầu tư kỳ vọng, tân Tổng thống Mỹ sẽ bãi bỏ nhiều quy định, cắt giảm thuế và kích thích tài khóa dưới hình thức tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và quốc phòng, đưa nền kinh tế Mỹ khởi sắc.
Trong gần 1 thế kỷ qua, đồng USD đã luôn được xem là nơi trú ẩn an toàn của thế giới tài chính. Không có đồng tiền nào khác hứa hẹn mức độ an toàn và thanh khoản cao như đồng USD đối với tài sản tích lũy.
Nhưng giờ đây, khi đồng USD không còn được các nhà đầu tư tin tưởng, nước Mỹ sẽ chẳng còn "vĩ đại" như khẩu hiệu của ông Donald Trump đưa ra lúc tranh cử là "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" khi không còn giữ vị thế thống trị của mình trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Khi đối mặt với một bộ máy chính quyền đầy rắc rối của ông Donald Trump, liệu các nhà đầu tư toàn cầu có muốn tiếp tục bỏ tiền vào Mỹ hay họ sẽ đi tìm chỗ ẩn náu ở nơi khác? Câu trả lời sẽ nằm ở chính trong những chính sách của Mỹ trong thời gian tới./.
“Thị trường tài chính ngân hàng vẫn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại“