VAMC chỉ mua nợ có nợ gốc từ 3 tỷ đồng
(VOV) -Quy định này trong Dự thảo Thông tư quy định về việc mua, bán, xử lý nợ xấu của VAMC vừa được NHNN đưa ra lấy ý kiến.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố Dự thảo Thông tư quy định về việc mua, bán, xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Mua, bán nợ bằng tiền đồng Việt Nam
Theo quy định tại Dự thảo Thông tư, đồng tiền được sử dụng trong mua, bán nợ giữa VAMC và tổ chức tín dụng là đồng Việt Nam.
Nguyên tắc mua, bán nợ: Công khai, minh bạch; Tuân thủ đúng pháp luật và trên cơ sở hợp đồng mua, bán nợ; Hạn chế rủi ro và chi phí trong mua, bán nợ; Mua, bán từng khoản nợ.
Sau khi mua nợ, VAMC thực hiện bán các khoản nợ đã mua từ tổ chức tín dụng cho các tổ chức, cá nhân khác theo quy định của NHNN về mua, bán nợ áp dụng đối với các tổ chức tín dụng. Trường hợp bán các khoản nợ được mua bằng trái phiếu đặc biệt theo phương thức thỏa thuận với người mua, VAMC phải thống nhất với tổ chức tín dụng bán nợ về giá bán nợ trước khi thực hiện.
Bên cạnh đó, sau khi mua nợ, VAMC đề nghị 4 ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ (gồm Agribank, Vietinbank, BIDV, Vietcombank) cung cấp thông tin về mức lãi suất cho vay đối với từng kỳ hạn các ngân hàng đang áp dụng tại thời điểm mua nợ.
Từ đó, VAMC có trách nhiệm điều chỉnh mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản nợ đã mua về mức không cao hơn mức lãi suất cho vay bình quân tương ứng theo từng kỳ hạn của các ngân hàng vừa nêu.
VAMC chỉ mua khoản nợ có nợ gốc từ 3 tỷ đồng trở lên
Dự thảo Thông tư còn quy định điều kiện các khoản nợ được Công ty Quản lý tài sản mua bằng trái phiếu đặc biệt. Theo đó, các khoản nợ được VAMC mua bằng trái phiếu đặc biệt phải đáp ứng nhiều tiêu chí như: Các khoản nợ theo quy định của NHNN trong các hoạt động cấp tín dụng, bao gồm các khoản nợ xấu cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán và các khoản nợ khác thuộc hoạt động cấp tín dụng theo quy định của NHNN;
Khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản, trong đó không dưới 65% tổng giá trị tài sản bảo đảm là bất động sản, bao gồm cả bất động sản hình thành trong tương lai;
Khoản nợ, tài sản bảo đảm phải hợp pháp; khoản nợ chưa được dùng để bảo đảm cho nghĩa vụ khác của tổ chức tín dụng; tài sản bảo đảm của khoản nợ không có tranh chấp;
Khoản nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ chứng minh tính hợp pháp của khoản nợ, tài sản bảo đảm; các quyền chủ nợ của tổ chức tín dụng, trách nhiệm và nghĩa vụ trả nợ của khách hàng vay, bên bảo đảm và bên có nghĩa vụ trả nợ đối với tổ chức tín dụng;
Khách hàng vay còn tồn tại;
Đặc biệt, khách hàng vay có số dư nợ gốc vào thời điểm bán nợ không thấp hơn 3 tỷ đồng đối với khách hàng vay là tổ chức và không thấp hơn 1 tỷ đồng đối với khách hàng vay là cá nhân;
Để bán nợ cho VAMC, các tổ chức tín dụng phải lập hồ sơ đề nghị bán nợ gửi VAMC. Hồ sơ bao gồm: văn bản đề nghị bán nợ, danh sách thông tin về khoản nợ, đánh giá thực trạng khoản nợ, hồ sơ liên quan đến tài sản đảm bảo...
Nợ xấu từ 3%, phải bán nợ theo yêu cầu của NHNN
Dự thảo Thông tư này quy định: Tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu từ 3% so tổng dư nợ tín dụng trở lên phải bán nợ cho VAMC, trường hợp tổ chức tín dụng không bán nợ cho VAMC, Ngân hàng Nhà nước xem xét, áp dụng các biện pháp theo quy định tại khoản 5 Điều 14 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, đồng thời yêu cầu tổ chức tín dụng phải bán nợ cho VAMC.
Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng phải bán nợ cho VAMC, tổ chức tín dụng gửi VAMC hồ sơ đề nghị bán nợ theo quy định tại Thông tư này./.