Vì sao gói 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội "bị ế"?
Sau gần 1 năm triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, đến nay mới giải ngân được hơn 500 tỷ đồng, tức chưa tới 1% với vỏn vẹn 7 dự án.
Đến nay, cũng chỉ có 28 địa phương công bố Danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình. Khi được ban hành, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được kỳ vọng góp phần hiện thực hoá mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội. Hiện Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo tình hình triển khai và làm rõ nguyên nhân tốc độ giải ngân thấp như vậy.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội là chương trình do 4 ngân hàng thương mại nhà nước tự nguyện huy động vốn tham gia và lãi suất giảm từ 1,5 - 2% so với thị trường. Ngân hàng Nhà Nước cũng đã 2 lần điều chỉnh hạ lãi suất, với doanh nghiệp là 8% và với người mua nhà là 7,5%/năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức lãi suất này chưa thật sự hấp dẫn các chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Duy Thành - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý nhà Toàn Cầu cho biết: "5 năm sau sau khi họ đã vay thành công và họ tiếp nhận được căn nhà đấy thì lãi suất thả nổi hay một nguồn lãi suất khá mơ hồ sẽ tạo ra khó khăn cho người mua".
Bên cạnh đó, gói tín dụng này dành cho đối tượng vay có rủi ro thấp, dự án nhu cầu nhà ở thực. Trong khi nhiều doanh nghiệp đang có lượng tồn kho bất động sản lớn cũng đang áp lực với những khoản vay hiện tại, chưa kể nhảy nhóm nợ. Ngoài ra, lợi nhuận từ dự án nhà ở xã hội bị khống chế chỉ 10%, thủ tục pháp lý còn nhiều vướng mắc.
Theo các chuyên gia, các ngân hàng cần phải tính lại mức lãi suất phù hợp và Nhà nước nên hỗ trợ thuê nhà giá rẻ chứ không phải bán nhà giá rẻ.
"Thay vì chúng ta dùng nguồn tiền hỗ trợ lãi suất thì có thể dùng chi phí đó để hỗ trợ cho việc thuê nhà, trả tiền thuê nhà cho những người có thu nhập thấp, như vậy sẽ hỗ trợ trực tiếp hơn đến những người có nhu cầu cao hơn", TS Phạm Anh Khôi - Chuyên gia tài chính cho hay.
Trong thời gian tới, các chuyên gia cũng cho rằng phải đưa sản phẩm lên sàn chứng khoán và huy động vốn từ công chúng.