Vì sao Lào Cai có chỉ số PCI cao nhất cả nước?

(VOV) - Lào Cai tập trung nâng cao ý thức công vụ của cán bộ công chức, đẩy mạnh cải cách hành chính một cửa liên thông.

Để đánh giá xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đã xây dựng bộ 9 tiêu chí về môi trường đầu tư - kinh doanh. Các tiêu chí này gồm: Tính minh bạch và trách nhiệm, chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước, tính năng động của lãnh đạo tỉnh, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động,  thiết chế pháp lý, chi phí không chính thức, chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai.

Trong việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI ở khu vực Tây Bắc, nếu như Điện Biên bị  xếp vào danh sách các tỉnh đứng hàng cuối của cả nước, thì ngược lại Lào Cai lại là tỉnh trong nhiều năm liền có chỉ số PCI đứng trong top hàng đầu của cả nước.

Căn cứ vào các tiêu chí của VCCI, Lào Cai đã xây dựng chương trình hành động với 8 nhóm giải pháp để các ngành, các địa phương thực hiện. Các nhóm giải pháp này tập trung vào việc nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức tác phong thực hiện công vụ của cán bộ công chức; đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng một cửa liên thông.

Kiểm tra hàng hoá nhập khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai. (Ảnh: Phạm Sơn)

Các dịch vụ hỗ trợ công của tỉnh như: Tổ hỗ trợ doanh nghiệp; bộ phận một cửa tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch được kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động.

Nội dung liên quan đến các lĩnh vực mang tính nhạy cảm như: đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng; trình tự thủ tục hành chính, tiềm năng thế mạnh của tỉnh, quy hoạch đầu tư... được đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, một số ngành liên quan để doanh nghiệp, người dân nắm bắt dễ dàng. Lãnh đạo tỉnh định kỳ tổ chức các cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các vướng mắc.

Ông Đặng Xuân Phong, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Lào Cai cho biết, chỉ số PCI có đánh giá năng lực điều hành của các cấp chính quyền ở tỉnh, sự năng động điều hành của lãnh đạo tỉnh.

“Lãnh đạo tỉnh sẵn lòng lắng nghe các doanh nghiệp, bất kỳ lúc nào cũng có thể gặp gỡ trao đổi. Hoặc doanh nghiệp gặp khó khăn gì cần sự vào cuộc của tỉnh thì tỉnh cũng sẵn lòng đi làm việc với Trung ương, các đối tác, các ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển”, ông Đặng Xuân Phong chia sẻ.

Theo nhiều doanh nghiệp đầu tư tại Lào Cai, với cách làm như trên, trong nhiều năm lại đây, môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh ở Lào Cai được cải thiện rõ nét. Điều này thể hiện rất rõ ở việc cải cách thủ tục hành chính ngày một chuyên nghiệp - hiện đại - công khai minh bạch - trách nhiệm và tạo môi trường thuận lợi, kịp thời giải quyết các mắc cho các nhà đầu tư. Thủ tục hành chính liên quan được giải quyết nhanh gọn, doanh nghiệp và người dân không phải chờ đợi, mất nhiều thời gian.

Hiện nay, Lào Cai đã có trên với trên 430 dự án đầu tư của các doanh nghiệp trong nước đã và đang triển khai đầu tư vào địa bàn, với tổng vốn đầu tư trên 43.000 tỷ đồng và 27 dự án FDI vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đầu tư trên 500 triệu USD trên các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh như: Xuất nhập khẩu, dịch vụ - du lịch, khai thác khoáng sản…

Riêng năm 2012, thu ngân sách Nhà nước từ các dự án đầu tư đã đạt 980 tỷ đồng, chiếm trên 30% tổng thu Ngân sách Nhà nước toàn tỉnh; góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 12.000 lao động.

Ông Hoàng Minh Tuấn, Giám đốc công ty CP Nam Tiến, một trong những doanh nghiệp đầu tư lớn vào Lào Cai với số vốn đăng ký hơn 2.000 tỷ đồng  trong các lĩnh vực xây dựng - thuỷ điện - sản xuất vật liệu cho rằng, Lào Cai là một trong những địa phương có việc thực hiện thủ tục hành chính, mối quan hệ giữa Nhà nước với doanh nghiệp, chính quyền với doanh nghiệp, sở ban ngành với doanh nghiệp dễ chịu nhất.

“Doanh nghiệp tồn tại được phụ thuộc nhiều ở cơ chế chính sách, Lào Cai có chính sách thông thoáng nhưng vẫn đúng luật nên đã tạo điều kiện thuận lợi, góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn”, ông Tuấn nhận xét.

Năm 2010, Lào Cai đứng thứ 2 cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), năm 2011, vươn lên đứng ở vị trí số 1 với nhiều chỉ số đứng đầu cả nước. Năm 2012, tuy bị tụt xuống vị trí thứ 3 nhưng Lào Cai vẫn là tỉnh tốp đầu của cả nước và khu vực về PCI. Xác định một số chỉ tiêu đạt thấp dẫn tới việc tụt bậc xếp hạng là tính pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo lao động, Lào Cai đang tập trung khắc phục để duy trì, tiếp tục nâng cao chỉ số PCI trong năm nay và những năm tới.

Ông Đặng Xuân Phong, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Lào Cai cho biết, trong quý II/2013, Sở sẽ tham mưu cho tỉnh tổ chức một hội nghị triệu tập tất cả các cơ quan, đơn vị có liên quan đến các chỉ số yếu kém nêu trên để bàn và giao nhiệm vụ cụ thể. Sở cũng tham mưu để xây dựng chương trình kế hoạch phát huy những chỉ số cao, khắc phục chỉ số yếu kém của Lào Cai, cố gắng giữ vững và duy trì chỉ số PCI những năm tiếp theo.

Duy trì và tiếp tục nâng cao chỉ số PCI - đây là việc làm cần thiết để Lào Cai quảng bá hình ảnh đẹp của mình tới bạn bè trong, ngoài nước và khai thác tốt các tiềm năng thế mạnh địa phương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

PCI của Lào Cai – nhìn từ thủ tục hành chính
PCI của Lào Cai – nhìn từ thủ tục hành chính

Thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện nên đã có nhiều doanh nghiệp đến với Lào Cai.

PCI của Lào Cai – nhìn từ thủ tục hành chính

PCI của Lào Cai – nhìn từ thủ tục hành chính

Thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện nên đã có nhiều doanh nghiệp đến với Lào Cai.

 PCI 2011: Lào Cai dẫn đầu, Cao Bằng đội sổ
PCI 2011: Lào Cai dẫn đầu, Cao Bằng đội sổ

Lần đầu tiên trong suốt quá trình thực hiện điều tra chỉ số PCI, cả Bình Dương và Đà Nẵng đều không ở thứ hạng cao nhất.

 PCI 2011: Lào Cai dẫn đầu, Cao Bằng đội sổ

PCI 2011: Lào Cai dẫn đầu, Cao Bằng đội sổ

Lần đầu tiên trong suốt quá trình thực hiện điều tra chỉ số PCI, cả Bình Dương và Đà Nẵng đều không ở thứ hạng cao nhất.

Tụt hạng PCI, các tỉnh ĐBSCL chưa hết ngỡ ngàng
Tụt hạng PCI, các tỉnh ĐBSCL chưa hết ngỡ ngàng

Trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011, ĐBSCL có 13 tỉnh, thành thì có đến 10 tỉnh giảm thứ hạng.

Tụt hạng PCI, các tỉnh ĐBSCL chưa hết ngỡ ngàng

Tụt hạng PCI, các tỉnh ĐBSCL chưa hết ngỡ ngàng

Trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011, ĐBSCL có 13 tỉnh, thành thì có đến 10 tỉnh giảm thứ hạng.