Vì sao OPEC không cắt giảm sản lượng dầu?
VOV.VN-Giá dầu thô đã giảm xuống mức 74 USD/thùng, nhưng các nước OPEC quyết định giữ nguyên sản lượng khai thác dầu 30 triệu thùng/ngày...
Ngày 27/11, Hội nghị Bộ trưởng các nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã có cuộc họp quan trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây, trong bối cảnh giá dầu thô sụt giảm gần 30% kể từ tháng 6 đến nay. Hiện giá dầu thô đã giảm xuống mức 74 USD/thùng. Tuy nhiên, tại cuộc họp ở thủ đô Vienna (Áo) các nước OPEC đã quyết định giữ nguyên sản lượng khai thác dầu 30 triệu thùng/ngày, khiến dư luận đặt câu hỏi vì sao.
Từ quan hệ cung – cầu…
Lý giải về việc OPEC giữ nguyên sản lượng dầu trong bối cảnh giá dầu đang giảm và còn có thể giảm thêm, trong khi tôn chỉ của nhóm 12 thành viên này là phối hợp về sản lượng để giữ giá dầu ở mức cao và ổn định cũng như tối đa hóa lợi nhuận thu được, giới phân tích cho rằng có ba lý do chính:
Một là, để tăng cường tính cạnh tranh của OPEC với các đối thủ, nhất là các công ty Mỹ và các nước khác đang thăm dò, khai thác, chế biến dầu từ đá phiến, vì với giá xung quanh 70 USD thì các công ty đó không có lãi, hoặc có lãi nhưng ở mức thấp.
Tại cuộc họp ở thủ đô Vienna (Áo) các nước OPEC đã quyết định giữ nguyên sản lượng khai thác dầu 30 triệu thùng/ngày (Ảnh minh họa: Reuters)
Các chuyên gia của OPEC cho rằng, duy trì sản lượng dầu ở mức cao để làm giảm giá dầu, theo đó làm giảm lợi nhuận của các công ty khoan dầu với mục đích làm chậm lại sự bùng nổ của cuộc cách mạng dầu đá phiến ở Mỹ, tức là trực tiếp “đánh” vào các công ty đang thăm dò dầu từ đá phiến.
Bộ trưởng về dầu mỏ của Arab Saudi, ông Ali Al-Naimi cho rằng, nếu cắt giảm sản lượng để giữ giá dầu, chỉ làm lợi cho các nhà sản xuất dầu từ đá phiến của Mỹ và làm suy giảm tính cạnh tranh của OPEC.
Hai là, Arab Saudi là thành viên OPEC có sản lượng dầu lớn nhất khối nhưng nước này không muốn cắt giảm sản lượng, do lo ngại ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách; và trong khối OPEC đã có 3/12 quốc gia thành viên là Iraq, Iran và Libya được ưu tiên, đặc cách không phải cắt giảm sản lượng dầu trong trường OPEC đồng ý cắt giảm sản lượng.
Ba là, OPEC dù muốn hay không cũng buộc phải tôn trọng quy luật cung - cầu, mặc dù tham vọng của tổ chức này độc quyền để tối đa hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, theo quy luật cung – cầu thì giá cả thị trường sớm hay muộn cũng sẽ dần trở về với “giá trị thực” của nó.
Trên thực tế, giá dầu thị trường quốc tế đã có lúc lên tới 145,29 USD/thùng vào tháng 7/2008, và với giá xung quanh 100 USD/ thùng kéo dài liên tục trong 4 năm 2009 - 2013 do 3 nguyên nhân chính là: Nền kinh tế các nước mới nổi tăng trưởng mạnh, thậm chí “nóng”, khiến nhu cầu năng lượng cũng tăng theo, nhất là các nước phải nhập khẩu nhiều năng lượng như Trung Quốc, Ấn Độ…, nay yếu tố tăng trưởng “nóng” được điều chỉnh, nên nhu cầu “nóng” về dầu cũng giảm theo;
Một số nước gia tăng lượng dự trữ dầu nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, nay lượng dự trữ cũng tương đối bão hòa, khiến cho cầu giảm;
Một số nước có tiềm năng dầu mỏ nội địa, nhưng họ lại tạm đình chỉ khai thác để đảm bảo dự trữ nguồn lực lâu dài cho quốc gia, cũng làm gia tăng nhập khẩu góp phần đẩy giá dầu lên cao, nay họ đã đa dạng nguồn cung, tiếp tục khai thác nguồn lực dầu mỏ trong nước, làm tăng nguồn cung và giảm cầu trên thị trường quốc tế.
Vì thế, nay theo quy luật cung - cầu, việc giảm giá, hay nói một cách khác là giá cả đã phản ánh gần đúng “giá trị thực” của nó là phù hợp, có lẽ các nhà lãnh đạo OPEC cũng đã nhận ra điều này, nên họ không cắt giảm sản lượng dầu để giữ giá cả độc quyền.
Đến sự tác động…
Về lý thuyết, giá dầu giảm sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, trong bối cảnh hiện nay, sự tác động theo hướng tích cực là có nhưng không lớn bởi các lý do:
Theo dự báo triển vọng nền kinh tế toàn cầu năm 2015 (dự báo được tính trên cơ sở giá dầu hiện thời), kinh tế thế giới vẫn phục hồi chậm chạp chỉ đạt mức khoảng 3,7%, và vẫn chứa đựng nguy cơ tái khủng hoảng, nhất là nền kinh tế khu vực EU, đặc biệt là khu vực Eurozone;
Kinh tế Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới, được dự báo là sẽ tăng trưởng 3,0% và trở lại vai trò đầu tàu và động lực phục hồi và tăng trưởng của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, kinh tế Mỹ vẫn chịu tác động lớn bởi những điểm “nóng” Trung Đông, cuộc khủng hoảng ở Ukraine và những vấn đề nội bộ khác.
Kinh tế Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tuy vẫn có tốc độ tăng trưởng cao 7,3% năm 2014 (bình quân 10 năm trước đây 9% - 10%), nhưng dự báo năm 2015 chỉ còn mức 6,6%, do không thể duy trì quá lâu tốc độ tăng trưởng “nóng”.
Kinh tế Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, tuy có khởi sắc hồi năm ngoái và quý 1 năm nay, nhưng mới đây lại rơi vào suy thoái với mức tăng trưởng âm 1,6% so với cùng kỳ năm trước, buộc Thủ tướng Abe phải chọn giải pháp giải tán hạ viện để tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa với chính sách “Abenomics” của mình;
Nền kinh tế Nga được dự báo là sẽ rơi vào suy thoái trong tháng 12 tới và đầu năm 2015…;
An ninh toàn cầu có tác động không nhỏ, nhất là triển vọng giải quyết điểm “nóng” ở Trung Đông, Ukraine và những nguy cơ bất ổn ở Biển Đông… vẫn rất phức tạp, khiến các nguồn lực của các nhà đầu tư thế giới “án binh, bất động” hoặc tìm nơi “trú ẩn” để bảo toàn vốn, nên giá dầu giảm vẫn chưa tác động mạnh lên sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
Vì thế, giới chuyên gia dự báo cho rằng, giá cả dầu mỏ trong giai đoạn cuối năm nay sẽ chỉ xung quanh mức 70 USD/thùng và đầu năm 2015 sẽ tăng lên khoảng 80 USD/thùng.
Và vai trò của OPEC…
Có nhiều ý kiến cho rằng, một kỷ nguyên mới của dầu mỏ giá thấp đang được đặt ra và chắc chắn sẽ tạo ra một số thay đổi quan trọng về địa chính trị. Trong bối cảnh Nga và Iran - những nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào việc xuất khẩu dầu lại đang chịu sức ép từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, giá dầu giảm sẽ gây thiệt hại cho hai nền kinh tế này. Và đây có thể là vấn đề liên quan đến những toan tính địa chính trị.
Cũng theo giới phân tích, trong thời đại ngày nay, bất kỳ hoạt động kinh tế quốc tế nào cũng gắn với những mục tiêu chính trị. Trong bối cảnh hiện nay, cuộc cạnh tranh địa chiến lược giữa phương Tây với Iran xung quanh vấn đề hạt nhân gây tranh cãi, và với Nga xung quanh cuộc khủng khoảng Ukraine thì việc sử dụng công cụ dầu mỏ là hoàn toàn có thể xảy ra.
Để khuyến khích các công ty khai thác dầu đá phiến nội địa, Mỹ rất có thể hỗ trợ cho các công ty này, bảo đảm để họ có thể tồn tại trong cạnh tranh trên thị trường quốc tế, hoặc ít nhất cũng tăng nguồn cung trong nước và giảm nhập khẩu từ thị trường do OPEC khống chế, khiến giá dầu duy trì ở mức thấp có thể làm thiệt hại cho hai nền kinh tế đối thủ của họ là Iran và Nga.
Trong lịch sử cũng đã từng xảy ra, năm 1990, Mỹ cũng đã thỏa thuận với Saudi Arabia trong việc làm giảm giá năng lượng đã góp phần vào việc làm tan rã LB Xô viết. Nên trong kịch bản giữ nguyên sản lượng dầu của OPEC không loại trừ khả năng có bàn tay của Mỹ hòng làm sụp đổ kinh tế Nga, châm ngòi cho cuộc “cách mạng mầu” tại quốc gia này như Tổng thống Nga Putin vừa mới tố cáo Mỹ và phương Tây. Và ngày 26/11, Arab Saudi đã đơn phương hạ giá dầu bán vào thị trường Mỹ được cho là để giữ thị phần tại đây.
Như vây, việc OPEC giữ nguyên sản lượng dầu khai thác, có nhiều nguyên nhân bao gồm cả chủ quan, khách quan, sự tác động của những toan tính địa - chính trị… Tuy nhiên, quan hệ cung – cầu thực là nhân tố tác động chủ yếu chi phối thị trường dầu mỏ thế giới mà các nhà lãnh đạo OPEC, tuy tham vọng áp đặt giá cả độc quyền để thu lợi nhuận cao, nhưng cũng khó có thể chống lại quy luật của thị trường dầu mỏ đang vận động./.