Vì sao tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ?
VOV.VN - Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng năm 2023, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh vẫn đạt 8,05%, xếp thứ 15 cả nước và cao nhất khu vực Bắc Trung Bộ. Tổng sản phẩm trên địa bàn đạt gần 100.000 tỷ đồng, xếp thứ 33 cả nước. Vậy, đâu là những yếu tố giúp Hà Tĩnh “vượt qua chính mình”, trong bối cảnh không ít địa phương “rơi vào” mức tăng trưởng âm?
Nếu như 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng của Hà Tĩnh chỉ đạt 5,02%, thì đến hết năm 2023 con số này đã lên tới 8,05%, vượt kế hoạch đề ra. Để đạt được con số tăng trưởng này, bên cạnh sự nỗ lực của cả hệ thống thì các dự án đầu tư được triển khai, đi vào hoạt động được xem là đòn bẩy quan trọng. Trong đó, có thể kể đến việc Tổ máy số 1, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I vận hành trở lại sau gần 2 năm xảy ra sự cố, giúp sản lượng điện của nhà máy đạt trên 4.300 triệu kWh, tổng doanh thu khoảng 8.700 tỷ đồng. Đó còn là hiệu ứng từ Nhà máy sản xuất Pin VinES tại Vũng Áng, tổng mức đầu tư trên 6000 tỷ đồng đi vào hoạt động; công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc Nam qua địa bàn Hà Tĩnh sớm hoàn tất…
“Nổi bật là công nghiệp tăng trưởng 10,5%, chiếm 32% cơ cấu, trong khi năm 2022 công nghiệp tại địa phương này giảm gần 13%. Về ngành xây dựng thì trong năm Hà Tĩnh tăng hơn 14%”, ông Trần Thanh Bình, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh cho biết.
Đối với dự án giao thông trọng điểm - cao tốc Bắc Nam qua địa bàn, tỉnh Hà Tĩnh là một trong những địa phương sớm hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng cũng như sẵn sàng các mỏ vật liệu phục vụ dự án. Theo đại diện chủ đầu tư, việc mặt bằng và vật liệu xây dựng được đáp ứng đã giúp tiến độ cao tốc Bắc Nam, đoạn Bãi Vọt Vũng Áng không những đảm bảo tiến độ mà còn có thể về đích sớm hơn kế hoạch.
“Là nhà thầu ở đây, chúng tôi đánh giá cao sự vào cuộc của chính quyền tỉnh Hà Tĩnh cũng như người dân, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng và các thủ tục hành chính. Có thể nói, đây là dự án mà chúng tôi thực hiện thuận lợi nhất từ trước đến nay”, ông Hoàng Chiến Thắng, Giám đốc Ban quản lý dự án thành phần đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Ban quản lý dự án Thăng Long, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá.
Cùng với thu hút đầu tư, đảm bảo tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, kết quả giải ngân đầu tư công ấn tượng cũng đã “góp sức” đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh. Thống kê cho thấy, năm 2023, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn Hà Tĩnh đạt gần 10.000 tỷ đồng, bằng 116,4% kế hoạch Trung ương giao.
Đơn cử như tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh - nơi đang triển khai 43 dự án, trong đó có 26 dự án đang thực hiện đầu tư, tất cả đều đảm bảo tiến độ thi công cũng như giải ngân nguồn vốn. Ông Nguyễn Trịnh Hà, Phó Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh cho biết, với tổng nguồn vốn 760 tỷ đồng được giao trong năm, đơn vị đã toàn tất công tác giải ngân đầu tư.
“Để đẩy nhanh tiến độ các dự án chúng tôi đặc biệt quan quan tâm công tác giải phóng mặt bằng, với việc đi trước một bước. Cùng với đó là thực hiện tốt công tác phối hợp với các địa phương, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, phát sinh…”, ông Nguyễn Trịnh Hà cho biết.
Tương tự tại Thị xã Kỳ Anh - Trung tâm kinh tế khu vực phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh, công tác giải ngân đầu tư công cũng được tập trung thực hiện, với kết quả thực hiện trong năm đạt 100% kế hoạch. Ông Nguyễn Thế Anh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết, hiện trên địa bàn đang triển khai 50 dự án (bao gồm các dự án của tỉnh do Ban quản lý khu kinh tế làm chủ đầu tư), với tiến độ, chất lượng đảm bảo. Trong đó, khâu giải phóng mặt bằng được coi là then chốt đối với quá trình thực hiện các dự án.
“Việc triển khai các dự án trên địa bàn được Thị xã Kỳ Anh quan tâm đặc biệt. Giải phóng mặt bằng với giải ngân đầu tư công gắn kết với nhau rất chặt chẽ. Muốn giải ngân được đầu tư công thì phải có mặt bằng… Việc này chúng tôi làm rất tốt”, ông Nguyễn Thế Anh cho hay.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Hà Tĩnh trong năm 2023 - năm có nhiều khó khăn là cơ sở quan trọng để địa phương này hoàn thành chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 từ 8 đến 8,5%. Trong đó, dư địa của ngành công nghiệp, với Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 vận hành tối đa, sản lượng điện dự kiến đạt khoảng 6,4 tỷ kWh; sản lượng thép trên 5 triệu tấn và 5,8 triệu tấn phối thép của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa… sẽ là những con số, dấu mốc quan trọng.