Việt Nam có thể trở thành trọng điểm mới của đầu tư quốc tế
VOV.VN - Thương mại tự do trên thế giới đang thay bằng thể chế thương mại song phương và đa phương, trật tự thương mại thế giới cũng đang được định hình lại.
Thương mại Việt Nam nằm trong vòng quay và ảnh hưởng trực tiếp của những xung đột thương mại giữa các nước lớn. Những hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương với các nước và khu vực trên thế giới sẽ giúp thương mại Việt Nam giảm thiểu những ảnh hưởng và tiếp tục phát triển, để thương mại tiếp tục là một trong những động lực chính của nền kinh tế.
Hình thành hệ thống thương mại tự do
Ngày 17/10/2018, Ủy ban châu Âu đã thông qua Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA), được khởi động đàm phán từ tháng 6/2012. Ủy ban châu Âu nhất trí trình lên Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu phê chuẩn hiệp định này. Theo kế hoạch, EVFTA sẽ được Nghị viện châu Âu thông qua vào đầu năm 2019, sau khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam và EU sẽ phân giai đoạn xóa bỏ 99% thuế quan hàng hóa.
EVFTA được kì vọng sẽ tác động tích cực tới Việt Nam. (Ảnh: KT) |
Đây là lần đầu tiên EU mở cửa thị trường toàn diện cho một quốc gia đang phát triển ở châu Á, cũng là hiệp định thương mại tự do thứ 12 mà Việt Nam chính thức tham gia, đánh dấu Việt Nam có bước tiến thực sự trong tiến trình hội nhập thị trường các nước phát triển thậm chí kinh tế toàn cầu.
Việt Nam đã lần lượt tham gia 16 FTA, trong đó có 10 FTA đã chính thức có hiệu lực, 2 FTA đang trong quá trình chờ các nước thành viên phê chuẩn và 4 FTA đang trong quá trình đàm phán. Những nền kinh tế đang có quan hệ hiệp định thương mại tự do với Việt Nam gồm các quốc gia hoặc khu vực lớn trên thế giới như các nước thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, EU, liên minh Á-Âu…
Đây là các đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 60-70% quy mô ngoại thương của Việt Nam. Sau một thời gian dài xây dựng, Việt Nam đã hình thành hệ thống thương mại tự do tương đối lớn và hoàn thiện.
Việc ký kết FTA có thể thay đổi cục diện nhập siêu thương mại ở chừng mực nhất định. Ngoài ra, cùng với việc giảm bớt các rào cản thuế quan, FTA cũng tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu, gián tiếp có lợi cho việc thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các ngành nghề liên quan của Việt Nam.
Xoay chuyển cán cân thương mại
Hơn 10 năm qua, thế giới đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh của ngoại thương và sự cải thiện kết cấu thương mại của Việt Nam. Năm 2005, ngoại thương chỉ có 76 tỷ USD, nhưng năm 2017 đã tăng lên 446,9 tỷ USD, tăng gần 5 lần. Năm 2017, quy mô thương mại hàng hóa của Việt Nam đứng thứ 3 trong 10 nước Đông Nam Á (chỉ sau Singapore và Thái Lan) chiếm 16,5% tổng thương mại hàng hóa đối ngoại của ASEAN.
Thương mại Việt Nam có thể hưởng lợi trong xung đột thương mại giữa các nước lớn. |
Xét về kết cấu xuất nhập khẩu, năm 2012 Việt Nam đã xuất siêu 8,48 tỷ USD, xoay chuyển được cục diện nhập siêu thương mại trong nhiều năm.
Năm 2010, Việt Nam tổng cộng thu hút được 8 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đến năm 2017 đã vượt qua con số 14 tỷ USD, trong đó nguồn đầu tư chủ yếu là các quốc gia có quan hệ thương mại tự do với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc… Hiện nay, Việt Nam là quốc gia thu hút được lượng FDI tương đối nhiều ở Đông Nam Á (năm 2017 chỉ đứng sau Singapore và Indonesia).
Xét về mặt ngoại thương và thu hút đầu tư nước ngoài, theo một ý nghĩa nào đó Việt Nam đã theo kịp “bốn con hổ châu Á” trước đây, trở thành một trong những quốc gia năng động nhất trong hợp tác kinh tế đối ngoại ở Đông Nam Á và thậm chí là của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nổi lên là một công xưởng của thế giới
Từ khi đi theo con đường Đổi mới và mở cửa đến nay, kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh, GDP năm 2016 lần đầu tiên vượt mức 200 tỷ USD, năm 2017 là 223,9 tỷ USD. Đồng bộ với phát triển về tổng lượng, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng duy trì ở mức tương đối cao và có thời điểm lên đến 8%, trong 10 năm trở lại đây luôn duy trì ở mức 5-7%, thể hiện xu hướng kinh tế tăng trưởng mạnh.
Trong kết cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, thiết bị điện, sản phẩm dệt may, máy móc và giày dép là những sản phẩm xuất khẩu chủ yếu, chiếm khoảng 56% tổng kim ngạch xuất khẩu (số liệu năm 2016). Đặc điểm chung của những sản phẩm này cơ bản là sản phẩm gia công sản xuất sử dụng nhiều sức lao động, thể hiện rõ đặc trưng kết cấu ngành nghề là lấy ngành gia công sản xuất làm chủ đạo.
Hiện nay, tỷ lệ giá trị sản xuất của 3 ngành nghề lớn lần lượt là: nông nghiệp 18,14%, công nghiệp 36,37% và dịch vụ 45,49. Trong đó, gia công sản xuất đóng góp lớn nhất cho sự tăng trưởng của công nghiệp, có lúc chiếm đến 68% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam.
Ngoài ra, kết cấu dân số trẻ của Việt Nam cũng khiến cho việc tiêu thụ các sản phẩm thông tin điện tử và sử dụng các kênh bán hàng mới nổi như thương mại điện tử có tiềm năng phát triển lớn.
Hưởng lợi trong xung đột thương mại giữa các nước lớn
Hiện nay, các thể chế thương mại song phương và đa phương dần thay thế WTO trở thành công cụ quan trọng duy trì trật tự thương mại thế giới, thương mại đang chuyển từ toàn cầu hóa sang vỡ vụn. Trong bối cảnh này, với việc có môi trường bên ngoài có lợi dựa trên trụ đỡ của hệ thống thương mại tự do lớn và động lực tăng trưởng kinh tế bên trong mạnh mẽ, Việt Nam sẽ chiếm lợi thế đặc biệt và có thể thu lợi từ trong đó.
Việt Nam có thể trở thành đối tượng trọng điểm mới của đầu tư quốc tế. Việt Nam có ưu thế lớn hơn Trung Quốc trong phương diện giá thành sức lao động. Hệ thống thương mại tự do tương đối lớn cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan thấp, điều này rất có sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, từ cuối năm 2017 đến nay, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong ngành này đã liên tiếp rời khỏi Trung Quốc: tháng 10/2017, công ty Nikon của Nhật Bản tuyên bố đóng cửa nhà máy ở Vô Tích, đầu năm 2018 một nhà máy sản xuất điện tử của Nhật Bản cũng rút vốn khỏi Tô Châu, tháng 5/2018, công ty Samsung của Hàn Quốc đã đóng cửa công ty điện tử viễn thông Samsung Thâm Quyến...
Từ trước đến nay, Mỹ luôn là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam chỉ sau Trung Quốc và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là 21,6 tỷ USD, chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước đang ngày càng sâu sắc hơn.
Với ưu thế nguồn nhân lực và sự ổn định về chính trị đã cung cấp động lực bên trong cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam, trong khi đó mạng lưới thương mại tự do bao phủ tương đối rộng lại tạo ra không gian lan tỏa rộng lớn bên ngoài cho nền kinh tế. Điều kiện bên trong và bên ngoài bổ sung lẫn nhau đã cùng tạo nên những thành tựu trong quá khứ của Việt Nam và góp phần hỗ trợ Việt Nam tiếp tục duy trì “kỳ tích kinh tế” và địa vị “con hổ mới của châu Á” trong tương lai. Đây cũng là điều mà Việt Nam có thể đắc lợi trong xung đột thương mại Mỹ-Trung./.
Việt Nam thúc đẩy EVFTA, hối thúc EU sớm dỡ thẻ vàng với thủy, hải sản
Hiệp định EVFTA – Động lực thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam