Dấu ấn thương mại Việt Nam: Khởi sắc từ quyết tâm đổi mới
VOV.VN - Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam qua nhiều năm thường gấp đôi thậm chí có những năm tăng gấp ba lần tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Sau 73 năm thoát khỏi chế độ thực dân, với nỗ lực chung của cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt qua hơn 30 năm Đổi mới, Việt Nam ngày nay đã có quan hệ kinh tế thương mại với hầu hết nền kinh tế trên thế giới, trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu với tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu trên 400 tỷ USD (năm 2017). Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hiện đã có mặt tại thị trường hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Xuất - nhập khẩu luôn là điểm sáng
Đánh giá thành tựu thương mại của Việt Nam, PGS.TS. Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp - Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, từ sau Đổi mới đến nay xuất nhập khẩu luôn là một điểm sáng trong nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn ở mức cao, thường là gấp đôi thậm chí có những năm tăng gấp ba lần tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
“Tăng trưởng xuất khẩu trong giai đoạn này đã đảm bảo cho hàng hóa của Việt Nam đến được các thị trường lớn trên thế giới, giải quyết được nhu cầu việc làm rất lớn. Cho nên hoạt động XNK không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa kinh tế mà còn mang ý nghĩa xã hội tích cực”, PGS.TS. Phạm Tất Thắng nhận xét.
Tỷ trọng hàng nguyên liệu xuất khẩu là tài nguyên của Việt Nam đang ngày càng giảm đi, xuất khẩu những mặt hàng có hàm lượng kỹ thuật cao ngày càng tăng lên. |
“Nếu như những năm trước đây, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu dầu thô, quặng, than đá, lúa và hàng dệt may… nhưng trong những năm gần đây, tỷ trọng những mặt hàng này đã nhường chỗ cho các mặt hàng có hàm lượng kỹ thuật cao như máy tính, điện thoại và linh kiện, điện tử và linh kiện… đây trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam”, PGS.TS. Phạm Tất Thắng nêu rõ.
Nhận xét về tiến trình phát triển thị trường XNK hàng hóa của Việt Nam, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Bộ NN&PTNT cho rằng, những năm bắt đầu đổi mới là giai đoạn nền kinh tế Việt Nam tiến hành đàm phán, ký kết và tham gia rất nhiều Hiệp định thương mại để mở cửa tự do hóa thị trường.
“Nét nổi bật kinh tế thời kỳ này là Việt Nam đã mở ra thị trường thông thoáng cho sản xuất hàng hóa, loại bỏ các hạn ngạch xuất khẩu lúa gạo từ năm 2000; nhập khẩu phân bón trở nên dễ dàng; tín dụng cho nông dân tăng rất mạnh. Đây là thời kỳ tăng trưởng nông nghiệp cao và ổn định nhất của nông nghiệp Việt Nam với mức tăng trưởng trên 4,4% kéo dài suốt trong 8 - 9 năm, là điều kiện để sản xuất hàng hóa phát triển tốt. Việt Nam đi từ một nước thiếu gạo trở thành một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới”, TS. Đặng Kim Sơn cho biết.
Thừa nhận bước phát triển vượt bậc của kinh tế thương mại Việt Nam sau đổi mới và hội nhập, ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Hapro đánh giá cao mối quan hệ hợp tác kinh tế mở rộng của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. “Các mặt hàng của Việt Nam đặc biệt là hàng nông sản, thực phẩm là thế mạnh đến với các thị trường lớn, góp phần mang về ngoại tệ cho đất nước, tạo đầu ra cho nông sản. Nhờ quá trình đổi mới và tổ chức lại sản xuất, Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu gạo, hạt tiêu, hạt điều lớn nhất thế giới”, ông Sơn nói.
Còn nhiều điểm “nghẽn” cần tháo gỡ
Bên cạnh những thành tựu nổi bật của hoạt động XNK trong thời gian qua, Việt Nam vẫn còn những điểm nghẽn đang làm giảm hiệu quả xuất khẩu. PGS.TS. Phạm Tất Thắng chỉ rõ, vẫn còn nhiều mặt hàng nếu không đưa sang thị trường Trung Quốc sẽ không xuất khẩu được sang các nước khác, điều này có nghĩa hàng hóa, nhất là hàng nông sản thực phẩm chưa thực sự có chất lượng cao. Nhiều mặt hàng xuất khẩu có tiếng là “chủ lực” nhưng thực chất vẫn là các sản phẩm gia công, hưởng lợi thế nhân công giá rẻ như dệt may, chế biến gỗ, giày dép…
Đáng chú ý hơn trong cơ cấu xuất khẩu hiện nay, kim ngạch xuất siêu đang tập trung vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng nhập siêu lại thuộc về những doanh nghiệp trong nước. Điều này thể hiện sự yếu kém của các doanh nghiệp trong nước nên cần phải nhanh chóng thay đổi, đặc biệt là cung cách sản xuất vẫn chưa thoát khỏi tình trạng manh mún, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, thủ công nghiệp và hàng thủ công mỹ nghệ.
“Nếu không thay đổi thực tế này, Việt Nam khó có thể trụ vững được trong bối cảnh xuất khẩu ngày càng khó trong xu thế mở cửa, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, nhiều quốc gia đã dựng lên những rào cản thương mại… Khi Việt Nam không giải quyết được tồn tại trong nội bộ nền kinh tế sẽ gặp khó khăn rất lớn trong xuất khẩu”, PGS.TS. Phạm Tất Thắng cảnh báo.
Có chung quan điểm này, ông Vũ Thanh Sơn cho rằng, trong giai đoạn tới đây, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhưng sẽ đối mặt với cạnh tranh gay gắt, mặt hàng nông sản xuất khẩu các nước trong khu vực cũng có sản phẩm tương tự. Để có thể xuất khẩu mạnh mẽ, cạnh tranh với thế giới, nền sản xuất nông nghiệp cũng phải được cải tiến, cần được đầu tư phát triển để hình thành sản xuất lớn tạo ra một lượng hàng lớn đồng nhất về chủng loại và chất lượng để có thể cung cấp những đơn hàng lớn cho xuất khẩu. Đây là vấn đề lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cần hết sức quan tâm./.
Chuyên gia quốc tế lạc quan với triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018
Lực cầu trong nước đẩy kinh tế Việt Nam đi lên
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 có thể đạt 7,02%
Kinh tế Việt Nam 7 tháng đầu năm 2018: Nhiều chỉ số ấn tượng