Vào TPP, kinh doanh phải trung thực, tôn trọng các cam kết
VOV.VN -Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt, hai nội dung này thuộc về văn hóa kinh doanh và cần được thực thi nghiêm túc để có thể kiếm lợi từ TPP.
Phiên đàm phán TPP lần này (dự kiến từ 1-10/9/2014) được kỳ vọng sẽ đạt được nhiều đột phá để tạo đà cho việc sớm kết thúc đàm phán. Và đàm phán TPP càng đến gần đích ký kết, câu chuyện về năng lực các chủ thể sẽ tham gia thị trường của Hiệp định TPP càng được quan tâm sâu sắc hơn.
Phóng viên VOV.VN phỏng vấn chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty InvestConsult Group (chuyên về tư vấn đầu tư và kinh doanh) về nội dung này.
Luật sư cần hiểu về TPP trước doanh nghiệp
PV: Đích ký kết TPP đang đến gần hơn, để có thể gặt hái được thành quả khi TPP chính thức được thực hiện, theo ông, những chủ thể nào và họ cần làm gì sớm để có thể tự tin, chủ động tham gia thị trường này?
Ông Nguyễn Trần Bạt
Ông Nguyễn Trần Bạt: Phải luôn nhận thức là chúng ta không khôn hơn các Hiệp định này được. Chúng ta phải chấm dứt ngay tình trạng láu tôm láu cá trong các quan hệ thương mại quốc tế, phải sử dụng sự khôn ngoan bằng những con đường lý giải, nếu có tranh chấp thì phải có luật sư. Tức là phải quen sử dụng một cách tổng hợp trí tuệ của xã hội vào công việc điều hành trong quan hệ quốc tế về kinh tế.
Do đó, trước hết là đội ngũ những người làm nghề luật sư phải rèn luyện khả năng hiểu biết của mình về TPP trước các thương nhân ở trong nước, và phấn đấu để biết ai là người có kinh nghiệm giải quyết vấn đề TPP ở Mỹ, chẳng hạn, trong giới luật sư. Bởi vì, các luật sư mà không thông thạo, không trinh sát được tất cả các hầm hố của từng thị trường sẽ để khách hàng của mình rơi xuống hố.
Bên cạnh đó, toàn bộ các lực lượng cung cấp các dịch vụ xuất khẩu hàng hóa của chúng ta buộc phải thông thái để hỗ trợ xã hội sản xuất của Việt Nam. Và các nhà sản xuất đương nhiên phải tuân thủ các quy trình về chất lượng, vệ sinh sản phẩm. Tất cả các sản phẩm công nghiệp phải luôn luôn lấy việc bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ con người là một trong các tiêu chuẩn để hành động.
Do đó, thương nhân Việt Nam buộc phải ý thức mấy việc: Thứ nhất, phải tự giác. Thứ hai, phải tổ chức lại hệ thống giáo dục đào tạo. Phải làm việc này để chúng ta có một lớp người lao động được đào tạo cẩn thận hơn, để ứng phó với các đòi hỏi chất lượng của TPP. Nếu cứ để tình trạng đào tạo như hiện nay thì rất khó, xã hội chúng ta không có những con người đủ năng lực để có thể thỏa mãn đòi hỏi về chất lượng. Các trường dạy nghề phải dạy đủ để những nhà sản xuất có đủ công nhân có tay nghề sản xuất những hàng hóa theo đơn đặt hàng.
Một trong những lợi thế của Việt Nam là gia công, rất nhiều nhà đầu tư sẽ đặt xưởng gia công ở Việt Nam, họ sẽ tuyển mộ lao động. Vì nói gì thì nói, lương của chúng ta dù có được cải thiện vẫn không thể cao hơn lương của người lao động ở phương Tây được. Do đó, tất cả những nhà đầu tư họ đều bỏ tiền vào những vùng lương còn thấp.
PV: Chắc hẳn TPP được ký kết và sau động thái giảm thuế sẽ là hàng loạt rào cản thương mại, những chính sách bảo hộ tinh vi của các quốc gia thành viên. Vậy theo ông, Việt Nam cần phải chuẩn bị những gì tối thiểu cho cuộc hội nhập TPP này?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký một nghị quyết về việc nâng cao sức cạnh tranh quốc gia. Tức là chúng ta phải nâng cao sức cạnh tranh một cách toàn diện, kể cả với năng lực điều hành của Chính phủ, năng lực hưởng ứng và chấp hành kỷ luật công nghiệp hiện đại của xã hội, đối với cả việc chấp hành luật lệ của các lực lượng sản xuất và kinh doanh. Vì sự khôn lỏi không có giá gì, nó không thể uyên bác hơn sự khôn ngoan của một hiệp ước kinh tế.
Kinh doanh phải trung thực, tôn trọng các cam kết
PV: Thưa ông, có một điểm mà ít chuyên gia bàn tới về bộ quy tắc ứng xử trong không gian kinh tế TPP tới đây, đó là vấn đề văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy văn hóa kinh doanh sẽ quyết định như thế nào đến sự thành bại của doanh nghiệp thưa ông?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Lâu nay chúng ta lạm dụng khái niệm văn hóa kinh doanh. Tôi nghĩ là không phải nội hàm nào của khái niệm văn hóa cũng có ý nghĩa trong đời sống kinh doanh. Có lẽ tập trung nhất của khái niệm văn hóa mà ảnh hưởng đến kinh doanh thì có hai đặc trưng.
Thứ nhất, đó là sự trung thực, sự tín nhiệm lẫn nhau là quan trọng nhất, các cụ hay gọi một cách nôm na là chữ tín. Bởi vì đó là trung tâm của đạo đức kinh doanh, nếu không có chữ tín thì mọi hàng hóa trong một nền sản xuất bị nghi ngờ, và chắc chắn là nó không bán được một cách thuận lợi.
Cho nên khi xét đến ảnh hưởng của khái niệm văn hóa, có lẽ chúng ta phải nói đến chuyện xây dựng sự trung thực, để dần dần chúng ta tìm kiếm lòng tin của xã hội, trước hết là của xã hội chúng ta với các sản phẩm của chúng ta. Cũng qua con đường đó, chúng ta đi tìm kiếm sự tín nhiệm của các thị trường khác đối với sản phẩm.
Thứ hai, chúng ta phải có năng lực để giữ gìn các cam kết. Khía cạnh quan trọng thứ hai của văn hóa đối với kinh doanh chính là năng lực thực hiện các cam kết thông qua hợp đồng. Đôi khi chúng ta ký những hợp đồng mà không hiểu, do đó cũng không hiểu rằng những điều kiện trong hợp đồng đòi hỏi một năng lực rất lớn để thỏa mãn.
Nói cách khác, hai điểm nội hàm của khái niệm văn hóa liên quan đến đời sống kinh tế và kinh doanh, là giữ gìn sự trung thực trong kinh doanh, và giữ gìn năng lực tôn trọng các cam kết đã ký. Đấy là hai điểm quan trọng nhất thuộc vào những ý nghĩ quan trọng nhất trong khái niệm văn hóa trong đời sống kinh tế và kinh doanh.
Phải ổn định số lượng và chất lượng hàng hóa
PV: Vậy theo ông, khi tham gia vào bộ quy tắc ứng xử trong không gian về kinh tế của TPP, về lâu dài doanh nghiệp cần làm gì để củng cố và phát triển vị thế của mình?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Phải ổn định. Đó là chất lượng ổn định, thái độ ổn định, quy mô ổn định. Để giữ gìn tín nhiệm trên thị trường thì một hàng hóa phải có chất lượng tốt và ổn định. Nó cũng phải có một quy mô dự phòng đủ để nếu đòi hỏi của thị trường lớn hơn thì cung ứng được ngay.
Đó còn là cần có số lượng tốt. Bởi vì có một kẻ thứ ba nào đó sẽ thay thế anh nếu anh đuối sức trong một lúc nào đó. Cho nên xây dựng tầm nhìn trong chiến lược cung ứng một mặt hàng ra thị trường rất quan trọng, phải tính được trước để tránh bị hụt hơi để giữ được khách hàng. Bởi vì tất cả các khách hàng của một sản phẩm luôn luôn tính đến nó là đầu vào của một quá trình thương mại khác.
Ví dụ, sản xuất áo để bán cho một chuỗi bán lẻ, nếu bỗng nhiên không có hàng, các dãy bán lẻ sẽ mất uy tín.
Ở tầm quốc gia, phải nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Tức là tất cả từ thủ tướng cho đến các bộ trưởng phải theo dõi thị trường, để có thể bắt được các sự khác nhau, sự chênh vênh của các nhịp điệu kinh tế đối với nền kinh tế nói chung./.