Việt Nam – Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác phát triển công nghiệp
VOV.VN -Đến nay các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư khoảng hơn 2.400 dự án ở Việt Nam với vốn đăng ký trên 36 tỷ USD.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển 4 ngành công nghiệp trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, 4 ngành công nghiệp chủ lực, giá trị gia tăng cao sẽ được ưu tiên phát triển, gồm: máy nông nghiệp; công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng; công nghiệp điện tử; và công nghiệp chế biến nông thủy sản. Đây được xem là chiến lược quan trọng giữ vai trò dẫn dắt thúc đẩy thu hút đầu tư, tạo lan tỏa công nghệ và kỹ năng trong thời gian tới, góp phần đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư khoảng hơn 2.400 dự án với vốn đăng ký trên 36 tỷ USD, đứng đầu trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các dự án của Nhật Bản tập trung chủ yếu vào công nghiệp chế biến, cơ khí chế tạo. Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam mong muốn tiếp nhận, nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội, công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn yếu kém và tỉ lệ nội địa hóa thấp hiện là nguyên nhân chính, làm giảm cơ hội thu được giá trị gia tăng từ đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài. Theo khảo sát của Cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản, tỉ lệ cung cấp nội địa hóa cho các công ty Nhật Bản tại Việt Nam chỉ đạt gần 28%, trong khi tại Trung Quốc là 61%, Thái Lan là 53%. Ví dụ như các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam phải nhập khẩu linh kiện từ Thái Lan, Indonesia... và chỉ làm công đoạn lắp ráp.
Ông Trần Anh Vương cho rằng: “Chính phủ cần có thêm các chính sách để ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ tạo cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài cũng như thay đổi cơ cấu kinh tế. Công nghiệp phụ trợ là nền tảng, là thước đo để các nhà đầu tư lớn có thể lựa chọn thị trường Việt Nam. Chính phủ nên có 1 Nghị định riêng về công nghiệp phụ trợ thì mới bao trùm và thu hút 1 cách tích cực nhất các nhà đầu tư. Chúng ta nói là ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ nhưng chúng tôi thấy ví dụ như ở Bộ Công thương mới có Vụ công nghiệp nặng mà không có Vụ Công nghiệp hỗ trợ... Thế như vậy là chúng ta nói ưu tiên nhưng lại không có cơ chế, việc ưu tiên này phải thể hiện bằng hành động”.
Hiện nay, đa số các doanh nghiệp của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên việc chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế.
Tiến sỹ Nguyễn Thanh Thịnh, Trưởng ban đào tạo sau đại học và chiến lược chính sách, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, ngành công nghiệp của Việt Nam đang đan xen nhiều luồng công nghệ khác nhau mà chưa có giải pháp cụ thể: “Muốn thay đổi được, phải chú ý xem xét cụ thể đầu tư trực tiếp nước ngoài, không chỉ đơn thuần về mặt tài chính mà chúng ta phải chú ý đến công nghệ chuyển giao. Công nghệ này phải là công nghệ hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường, chứ lâu nay chúng ta nhập nhiều công nghệ thứ cấp, không đáp ứng được yêu cầu phát triển theo tiêu chí xanh, bền vững. Thời gian vừa qua, chúng ta đầu tư cho công nghiệp theo phong trào, các địa phương đều muốn làm chế biến nông thủy sản, mía đường, thủy điện... Tôi cho rằng cần phải xem xét từ Trung ương và phải có chiến lược phát triển theo hướng bền vững”
Theo Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, 4 ngành được ưu tiên phát triển gồm: máy nông nghiệp; công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng; công nghiệp điện tử; công nghiệp chế biến nông thủy sản sẽ đi đầu áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch gắn với đảm bảo tính tăng trưởng hợp lý về điều kiện kinh tế của Việt Nam. Đến năm 2020, giá trị sản xuất của các ngành ưu tiên sẽ tăng tối thiểu 20% hàng năm và đóng góp tối thiểu 35% vào tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp. Tuy nhiên, để đề án này có giá trị thực tế, các nhà đầu tư Nhật Bản cho rằng Chính phủ Việt Nam cần sớm tập trung vào các giải pháp để xây dựng kế hoạch hành động phát triển cho từng ngành; thu hút sự tham gia của doanh nghiệp hai bên vào quá trình thực hiện.
Ông Takahashi Kyohei, đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt kiến nghị: “Để thực hiện chiến lược công nghiệp hóa đến năm 2020, Chính phủ Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến chính sách thúc đẩy việc chuyển giao các công nghệ quan trọng từ nước ngoài vào Việt Nam nhanh hơn như miễn thuế cho chuyên gia và thuế trong chuyển giao công nghệ, miễn thuế trong đầu tư các ngành công nghiệp đòi hỏi nguồn vốn lớn, thúc đẩy phát triển chung hàng hóa địa phương. Thứ 2, Việt Nam cần tăng cường cơ giới hóa nông nghiệp. Việc nâng cao trình độ đào tại kỹ thuật trong các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề cũng cần được quan tâm hơn nữa. Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa các thủ tục hải quan, tăng cường tin học hóa các thủ tục, rút ngắn thời gian thông quan cho doanh nghiệp”.
Việt Nam đang tham gia đàm phán nhiều hiệp định kinh tế quan trọng như: Hiệp định Tự do thương mại (FTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sau khi các hiệp định này được ký kết, kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế của khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, theo kế hoạch đến năm 2015, các nước ASEAN cam kết xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN với đặc trưng là một thị trường và cơ sở sản xuất chung, một khu vực kinh tế cạnh tranh với sự phát triển đồng đều, có khả năng bắt nhịp với nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam – Nhật Bản đẩy mạnh thực hiện Đề án Chiến lược công nghiệp hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030 sẽ có vai trò quan trọng giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm của chuỗi cung cấp trong thị trường./.