Việt Nam xuất siêu 7,55 tỷ USD nhưng nỗi lo còn đó
VOV.VN - Trong bối cảnh nền kinh tế trên thế giới vẫn trong tình trạng bấp bênh, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá 4 tháng đầu năm 2023 đạt 206,76 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hoá 4 tháng xuất siêu 7,55 tỷ USD, nhập siêu 7,2 tỷ USD. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là cả xuất siêu và nhập siêu đều giảm so với cùng kỳ, đòi hỏi Việt Nam cần có giải pháp kịp thời.
Trong 4 tháng năm nay, Việt Nam xuất khẩu hàng hoá đạt 107,16 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu thì giá hàng hoá đi xuống cũng là yếu tố làm giảm kim ngạch xuất khẩu. Nhiều mặt hàng xuất khẩu giá giảm từ 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do lạm phát ở mức cao, giảm tổng cầu trên phạm vi toàn thế giới, nhất là đối với hàng tiêu dùng không thiết yếu.
Trong đó, những ngành hàng như: dệt may, da giày, gỗ, thuỷ sản với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU… có mức sụt giảm nhiều nhất. Đồng thời, một số ngành hàng xuất khẩu như thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa đang phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại. Vấn đề chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao trong thời gian qua cũng ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, vẫn có một số điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu thời gian tới: “Một số khu vực kinh tế lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ có tăng trưởng cao hơn dự báo. Một số nền kinh tế đang nổi tại châu Á như: Ấn Độ, ASEAN tăng trưởng khả quan. Thứ hai là các chính sách kích cầu đầu tư công và hỗ trợ các doanh nghiệp của Nhà nước cũng đã bước đầu phát huy tác dụng trong việc phục hồi sản xuất kinh doanh. Thứ ba là chỉ số sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng dần qua các tháng, đặc biệt tháng 4 vừa qua. Đây là những yếu tố dự báo tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu trong thời gian tới sẽ khả quan hơn”.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá 4 tháng đầu năm nay đạt 99,6 tỷ USD, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Điều này được lý giải là nhu cầu hàng hoá thế giới suy giảm, sản xuất và xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng đến nhập khẩu hàng hoá nguyên liệu phục vụ sản xuất. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có mức suy giảm mạnh hơn khu vực doanh nghiệp trong nước, do tỷ trọng xuất khẩu khu vực này chiếm hơn 74%.
Để đẩy mạnh trường xuất khẩu, Việt Nam đang tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn nhiều tiềm năng như: Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan như: ASEAN, các thị trường có tầng lớp trung lưu gia tăng như thị trường mới nổi E7. Bên cạnh đó, đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do FTA, tạo thuận lợi hoá cho các doanh nghiệp xuất khẩu, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi. Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistic, để giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam; đẩy mạnh xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới./.