Vùng biên mậu Móng Cái: Cấm biên và những vướng mắc nội tại
VOV.VN - Ngoài những nguyên nhân khách quan từ cơ chế điều hành biên mậu từ phía Trung Quốc còn có khó khăn từ chính nội tại trong nước.
Theo các doanh nghiệp tại Móng Cái, nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động xuất nhập khẩu Móng Cái ảm đạm như thời gian vừa qua là do phía nước bạn Trung Quốc điều tiết kinh tế biên mậu. Việc Trung Quốc thực hiện cấm biên, đặc biệt là hàng tạm nhập tái xuất đã đẩy hoạt động biên mậu khu vực này gần như ngưng trệ. Phía bạn cho rằng, hàng tạm nhập tái xuất đi qua các cửa khẩu phụ, lối mở, đồng nghĩa cho hàng hóa của nước thứ 3 đi qua (quy định chỉ được đi qua cửa khẩu chính) là tổ chức buôn lậu, nên thực hiện cấm biên.
Khi ưu thế bị khống chế (khoảng 70% tổng hàng hóa xuất-nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái là hàng tạm nhập tái xuất) việc giao thương hàng hóa, hoạt động biên mậu tại Móng Cái giảm sâu rõ rệt.
Thống kê của Chi Hải quan Móng Cái cho thấy, năm 2011 có 115.000 container chở hàng qua cửa khẩu thì đến năm 2013 chỉ còn 40.000 container và đến thời điểm này của năm 2014 mới có khoảng 20.000 container, phần lớn là hàng xuất chính ngạch như mì tôm, bột sắn… không có hàng tạm nhập tái xuất.
Ông Đỗ Quang Sáng, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Ninh nêu thực tế: Các doanh nghiệp trong nước đầu tư Móng Cái tính ra tới hàng nghìn tỉ đồng đang án binh bất động không phát huy được. Vấn đề ở đây là do cơ chế chính sách thay đổi đã dẫn đến điều này. Trước đây Móng Cái hoạt động thương mại hoạt động rầm rộ với hàng nghìn lao động, nay nhiều người thất nghiệp và không có việc làm.
Nhiều người lao động tại Móng Cái đã phải bỏ nhà cửa đi nơi khác tìm kiếm việc làm.
Hạn chế một số hàng tạm nhập tái xuất đông lạnh qua biên giới để ngăn chặn tình trạng những mặt hàng này có thể thẩm lậu trở lại nội địa. Điều đó có nghĩa là cửa ra cho hàng tạm nhập tái xuất vốn đã chật chội lại càng eo hẹp hơn. Một vấn đề nữa là quy định việc mua, bán, trao đổi hàng hoá của cư dân biên giới được miễn thuế nhập khẩu hàng hoá không quá 2 triệu đồng/người/ngày.
Hầu hết cư dân tham gia hoạt động trao đổi hàng hóa tại khu vực Móng Cái đều cho rằng, định mức 2 triệu đồng là quá nhỏ so với giá trị hàng hoá thị trường và chưa tương xứng với chính sách từ phía Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đang thực hiện mức miễn thuế nhập khẩu đối với sản phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt thông qua phương thức trao đổi hàng hoá của cư dân biên giới là 8.000 nhân dân tệ/người/ngày (gần 30 triệu đồng Việt Nam).
Ông Hồ Văn Long, chuyên tham gia trao đổi hàng hóa tại vùng biên Móng Cái cho biết, hiện nay, nhà nước có quy định miễn thuế nhập khẩu hàng hoá 2 triệu đồng/người/ngày khiến người dân khó làm ăn buôn bán. Đề nghị nhà nước nghiên cứu xem xét nâng định mức cho bà con làm ăn trong khoảng 4 - 5 triệu đồng.
Trước thực trạng biên mậu tại Móng Cái đìu hiu, giảm sâu so với nhiều năm trước, không ít lần tỉnh Quảng Ninh đã gặp gỡ các doanh nghiệp tìm cách tháo gỡ khó khăn, nhưng kết quả vẫn chưa được bao nhiêu. Nhận định chung cho thấy, ngoài những nguyên nhân khách quan từ cơ chế điều hành biên mậu phía nước bạn Trung Quốc còn có khó khăn từ chính nội tại trong nước. Đó là việc điều chỉnh thường xuyên, chưa sát thực tiễn về cơ chế chính sách từ các bộ, ngành Trung ương.
Từ thực tế địa phương, ông Dương Văn Cơ, Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái cho rằng, các bộ ngành chức năng cần đánh giá đúng tính hiệu quả của những chủ trương, chính sách.
“Chúng tôi kiến nghị, đề xuất với các Bộ, ngành Trung ương đánh giá lại cái hiệu quả để làm sao giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp đang hoạt động chuyển khẩu, chuyển tải, tạm nhập tái xuất và kho ngoại quan tại khu vực cửa khẩu biên giới, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động, đồng thời thúc đẩy kinh tế xã hội”, ông Cơ kiến nghị.
Sẽ rất khó cho hoạt động biên mậu tại khu vực Móng Cái tấp nập, sầm uất như nó vốn có trong “một sớm một chiều”. Nhưng hoàn toàn có thể “ấm” trở lại nếu các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương có những quyết sách điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn./.