Vướng mắc quy hoạch bô xít, Đắk Nông bế tắc trong đầu tư công
VOV.VN - Đầu tư công bế tắc, thiên tai gây thiệt hại lớn, chồng lấn quy hoạch bô xít cản trở phát triển kinh tế, xã hội là những vấn đề nổi bật được nêu ra tại buổi họp báo về tình hình kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng 9 tháng đầu năm do UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức hôm nay (26/10).
Tại buổi họp báo, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, tính đến trung tuần tháng 9, tỉnh giải ngân được hơn 1.300 tỷ đồng, đạt 34,6% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Trong đó, các chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân rất chậm, mới chi được 56 tỷ đồng trong tổng số 1.120 tỷ đồng. Công tác đầu tư công của tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc và khả năng không thể hoàn thành kế hoạch của năm.
Về việc khắc phục hậu quả của thiên tai, UBND tỉnh đang chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung xử lý khắc phục các công trình thiết yếu để ổn định đời sống người dân, phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Theo thống kê, trong 9 tháng, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chịu ảnh hưởng của 12 đợt mưa lớn kéo dài, kèm theo gió lốc, ngập lụt và sạt lở, tổng thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, các công trình giao thông như đường Hồ Chí Minh qua Gia Nghĩa và các tuyến tỉnh lộ bị sạt trượt, ước tính cần hơn 600 tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa. Tuy nhiên, do ngân sách địa phương khó khăn, tỉnh đang đề nghị trung ương xem xét bố trí kinh phí sửa chữa các công trình này.
Đối với những vướng mắc trong chồng lấn quy hoạch bô xít tại tỉnh Đắk Nông đến nay vẫn chưa được giải quyết. Theo thống kê, có hơn 1.000 dự án đang vướng quy hoạch bô xít, diện tích gần 6.700ha. Điều này dẫn đến hàng loạt công trình, dự án không thể triển khai, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội.
Theo ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, điểm nghẽn liên quan đến bô xít vẫn đang chờ các bộ ngành trung ương cùng tháo gỡ.
Ông Mười cho biết: “Liên quan đến vấn đề bô xít thì chúng tôi cũng đã làm rất nhiều việc, quyết liệt, tập trung để tháo gỡ. Mà tháo gỡ vấn đề này là tháo gỡ điểm nghẽn nền kinh tế của Đắk Nông năm 2023. Nhưng vấn đề ở đây là vướng về luật, chứ không dừng ở vấn đề cán bộ đùn đẩy, hay lo sợ trách nhiệm. Về vấn đề luật thì bây giờ phải đề xuất hướng xử lý và thẩm quyền ở đây là của Thủ tướng".