Vượt qua "lời nguyền" của nền sản xuất manh mún, mù mờ bằng tinh thần hợp tác
VOV.VN - Thay đổi trong tư duy, định hướng, chiến lược để sản xuất nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển bền vững, mang lại đúng giá trị của ngành hàng có lợi thế.
Sự kiện trong đầu năm 2022, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô xoài (3 tấn) sang thị trường châu Âu là một tin vui. Qua đó, tạo thêm niềm tin, động lực cho nhà vườn và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Đơn vị cung ứng xoài là HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh.
Hơn chục năm qua, Đồng Tháp đã chú trọng phát triển vùng sản xuất cây ăn trái tập trung và xây dựng vườn cây ăn trái kiểu mẫu với 3 loại cây là xoài, nhãn và quýt hồng. Đến nay, đã hình thành nên những vườn cây ăn trái chủ lực. Việc sản xuất cây ăn trái an toàn theo hướng GAP cũng được triển khai thực hiện gắn với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, cấp mã vùng trồng xoài để xuất khẩu, liên kết sản xuất với tiêu thụ...
Hiện toàn tỉnh có trên 4.800 ha cây ăn trái được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang các nước phát triển (Mỹ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc).
Ông Võ Tấn Bảo, nhà vườn ở hợp tác xã nông nghiệp Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho biết, diện tích trồng xoài của hợp tác xã gần 140 ha và chủ yếu là xoài cát Chu; Quy trình sản xuất theo hướng VietGap, GlobalGap để vào các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và các thị trường khác.
“Trước giờ hợp tác xã làm theo hướng VietGap, an toàn là trên hết. Hợp tác xã cam kết với bà con theo hướng mà xoài an toàn, đạt chuẩn đi châu Âu, tăng giá trị cho nông dân” - ông Võ Tấn Bảo nói.
Liên kết sản xuất chính là sức mạnh để vượt qua khó khăn và từng bước khẳng định giá trị sản phẩm nông sản. Thế nhưng, đến nay vấn đề sản xuất manh mún, nhỏ lẻ không theo quy hoạch đã được chỉ rõ trong nhiều năm qua nhưng câu chuyện này vẫn còn đang nóng hổi. Sức mạnh chưa được tập hợp, thiếu sự dẫn dắt đang là một trong những khó khăn của sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Các hợp tác xã hình thành nhiều nhưng chưa phát triển xứng tầm, chưa thể là đầu mối bảo vệ quyền, lợi ích của người sản xuất. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp gặp khó trong tiếp cận nguồn tín dụng, mở rộng mô hình canh tác và hạ tầng logistics yếu và thiếu nên rất dễ bị đứt gãy.
TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, số lượng sản xuất thủy sản, trái cây, lúa gạo của ĐBSCL tăng nhưng chất lượng, giá trị gia tăng không nhiều, điều này đi ngược với xu thế.
“Nếu chúng ta nhìn vào cây lúa, chúng ta nhìn vào tôm, nhìn vào cá, chỉ đến khi chúng ta hình thành được các tập đoàn, hình thành được các doanh nghiệp lớn thì khi đó các hoạt động có tính manh mún trước đây, hoạt động có tính gia công và chất lượng thấp thì nó mới chuyển thành hoạt động có giá trị cao được. Và điều này có nghĩa nếu như chúng ta muốn phát triển các loại hình kinh tế khác của đồng bằng thì doanh nghiệp phải được đặt ở trung tâm của các chính sách kinh tế” - TS. Vũ Thành Tự Anh nêu ý kiến.
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu – tỉnh Bến Tre cho biết, muốn đưa một loại nông sản nào vào các thị trường Mỹ, châu Âu hay các thị trường đều yêu cầu gắt gao về truy xuất nguồn gốc, vùng nguyên liệu, biện pháp canh tác, tiêu chuẩn của sản phẩm.
Theo bà Tường Vy, Công ty đang xuất khẩu mặt hàng xoài đi Mỹ, Australia và một số thị trường. Để có vùng nguyên liệu ổn định, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu thì doanh nghiệp và người dân phải cam kết với nhau. Doanh nghiệp thu mua và người dân phải minh bạch thông tin về chất lượng.
“Khi mà chúng ta xác định mục tiêu là thị trường nào là trọng điểm thì chúng ta sẽ phải tập trung để xây dựng thành một chuỗi cung cấp về vùng nguyên liệu. Các doanh nghiệp phải tận dụng các công nghệ bảo quản sau thu hoạch để mà có thể tiếp cận được những thị trường, đó là một chiến lược không phải của riêng một doanh nghiệp mà là chiến lược của các bộ ngành” - bà Tường Vy nói.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan kỳ vọng, rất cần những doanh nghiệp lớn, đủ mạnh, có thể đứng ra đặt hàng nông dân sản xuất và bao tiêu. Chính những doanh nghiệp này sẽ hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình, phù hợp với nhu cầu khách hàng. Như vậy, nông dân không phải vừa lo sản xuất, vừa lo bán hàng; doanh nghiệp chủ động trong hoạt động xuất khẩu.
“Chừng nào doanh nghiệp thấy rằng việc xây dựng chuỗi ngành hàng là một chiến lược để nâng cao thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp thì lúc đó chúng ta mới thoát ra khỏi tư duy mùa vụ và thương vụ. Lúc đó mới dẫn dắt người nông dân thay đổi qua từng mùa vụ, không phải thay đổi ngay. Cần một chiến lược dài hạn thoát qua tư duy thương vụ của doanh nghiệp, người nông dân người ta sẽ hướng vào đó” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Quan điểm cần giảm sản xuất tự phát, tăng sản xuất theo tín hiệu thị trường và theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; liên kết một cách chặt chẽ để hình thành những vùng chuyên canh, nguyên liệu lớn đã và đang được các địa phương trong vùng nhìn nhận là hướng đi tích cực để nâng cao giá trị hàng hóa nông sản.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ thông tin, nông sản vùng ĐBSCL được kỳ vọng sẽ có những bước chuyển biến khi Nghị quyết của Quốc hội đã thông qua thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù cho Cần Thơ. Trong cơ chế đặc thù có việc hình thành trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL với mục tiêu “Một điểm đến đa dịch vụ” sẽ góp phần hình thành nên chuỗi sản xuất liên kết.
“Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm vùng sẽ khuyến khích hình thành mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để thiết lập mối quan hệ giữa nơi sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hóa để góp phần gia tăng lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và giá trị gia tăng của sản phẩm” - ông Trần Việt Trường khẳng định.
Những vấn đề từ thực tế diễn ra trong thời gian qua đã bộc lộ rõ hạn chế của chuỗi sản xuất – xuất khẩu hàng hóa nông sản của vùng ĐBSCL. Nông sản của vùng đang sản xuất theo cái mình có, chưa theo đòi hỏi thị trường; chưa xác định rõ mục tiêu, đích đến để xúc tiến nhiều hơn vào các thị trường mà Việt Nam đã tham gia ký kết FTA; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng chỉ ra vấn đề tư duy sản xuất để xuất khẩu vẫn là tiểu ngạch chứ chưa phải sản xuất để xuất khẩu chính ngạch.
Vựa nông sản miền Tây chưa thể thoát được vòng luẩn quẩn và sự rủi ro luôn rình rập. Để thay đổi và vượt qua "lời nguyền" của một nền sản xuất "manh mún, tự phát, mù mờ" cần phải nỗ lực bằng tinh thần hợp tác, liên kết. Trong đó, thay đổi căn bản từ tư duy mùa vụ của người nông dân, tư duy thương vụ của doanh nghiệp và tư duy nhiệm kỳ của các cấp chính quyền./.
Bài viết cùng loạt bài: "Nâng cao giá trị nông sản miền Tây - bắt đầu từ thay đổi tư duy"
Bài 1: Nông sản miền Tây “luẩn quẩn”: Giá mít Thái rớt thê thảm, vì đâu?