WEF 2017: Đâu là điểm nhấn quan trọng?
VOV.VN - 2 trung tâm kinh tế thế giới (Mỹ và châu Âu) sẽ tiếp tục chi phối sự phát triển của kinh tế toàn cầu trong năm 2017 và có thể cả năm 2018.
Trong 4 ngày (từ 17 - 21/1), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ), với chủ đề “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm”. Hội nghị đã có 446 phiên thảo luận thu hút khoảng 3.000 đại biểu tham gia, bao gồm lãnh đạo nhiều nước, các tổ chức quốc tế lớn. Những điểm nhấn quan trọng của Hội nghị được giới nghiên cứu và dư luận rất quan tâm
Từ những vấn đề chủ yếu…
WEF lần thứ 47 thu hút sự tham gia của các đại biểu đến từ khắp các châu lục, trong đó hơn 70 quốc gia, với gần 50 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ; 40 người đứng đầu các tổ chức quốc tế như LHQ, WTO, IMF, WB…; lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới, các học giả uy tín, các nhà hoạt động xã hội, đại diện các tổ chức phi chính phủ…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại một phiên họp WEF Davos 2017. (Ảnh: TTXVN) |
Hội nghị cũng thảo luận việc triển khai các sáng kiến của WEF trong các lĩnh vực cụ thể như: kinh tế - xã hội, chỉ số tiêu dùng; tăng trưởng kinh tế và bao trùm xã hội; an ninh năng lượng, tài nguyên và môi trường; hệ thống tài chính - tiền tệ; an ninh lương thực, nông nghiệp và y tế; đầu tư, thương mại quốc tế và xây dựng cơ sở hạ tầng; các vấn đề nhân đạo, di cư... cũng được Hội nghị quan tâm.
Các vấn đề chính trị - xã hội thu hút sự quan tâm hàng đầu, trong bối cảnh những căng thẳng sẽ tiếp tục gây sức ép với EU, nhất là các cuộc bầu cử tại một loạt quốc gia trong đó có Pháp, Đức và Italy. Vì thế, Hội nghị tập trung vào chủ đề “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm” nhằm đề cao vai trò quản trị toàn cầu trong việc đối phó với những thách thức trong thời kỳ mới.
Đến xu hướng bảo hộ mậu dịch…
Năm 2016 vừa qua đã xảy ra những “cú sốc”: Trào lưu dân túy xuất hiện và nhanh chóng lan khắp các nước công nghiệp, bắt đầu từ vụ Brexit đến thắng lợi bất ngờ của ông Trump ở Mỹ và đang nhắm tới các cuộc bầu cử ở Hà Lan, Đức, Pháp, Italy…
Sự thay đổi nêu trên đe dọa trật tự dân chủ tự do tồn tại từ sau Thế chiến II, các nguyên tắc mà giới tinh hoa ở Davos luôn tin tưởng như thương mại tự do, chủ nghĩa đa phương, hợp tác để giải quyết những vấn đề lớn của thế giới... “Đang xảy ra một điều gì đó rất to lớn, toàn cầu, nhiều phương diện và chưa từng có trước đây. Nhưng chúng ta chưa biết nguyên nhân từ đâu và làm thế nào ứng phó với nó”.
Báo cáo của Tổ chức Oxfam tại WEF cho biết, toàn cầu hóa đã mang lại thịnh vượng nhưng chỉ cho một nhóm người ở chóp bu: Tài sản của 8 người giàu nhất hành tinh đã bằng tổng tài sản của hơn một nửa nhân loại cộng lại. Nỗi bất mãn của tầng lớp trung lưu và nghèo khó chính là mảnh đất màu mỡ cho những lý thuyết mị dân, biệt lập và bảo hộ thị trường xuất hiện.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, xu thế toàn cầu hóa là không thể đảo ngược bất chấp sự phản đối dữ dội của những người theo chủ nghĩa dân túy ở phương Tây. Toàn cầu hóa không phải là nguyên nhân gây ra nạn di cư ở châu Âu hay khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Vì thế, tiến trình toàn cầu hóa kinh tế, cần đảm bảo lợi ích cho tất cả các nước, “bao quát hơn và bền vững hơn”.
Ngoại trưởng Mỹ, ông Kerry đã khích lệ EU rằng, EU cần “tin vào bản thân mình”, vượt qua những thách thức khác về vấn đề an ninh không để vấn đề di cư gây mất đoàn kết nội khối. Mặc dù tân Tổng thống Mỹ Trump dự báo hậu Brexit EU sẽ tan rã.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện ở Davos. |
Ông Scaramucci cố vấn hàng đầu, phụ trách hợp tác với doanh nghiệp tham dự Hội nghị và phát biểu về các kế hoạch của nhà lãnh đạo mới của Mỹ, nhất là làm rõ chủ trương phản đối các thỏa thuận thương mại quốc tế và dự kiến tăng thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài như thế nào.
Và những giải pháp cần quan tâm…
Tổng thống nước chủ nhà, bà Leuthard bày tỏ lo ngại về chủ nghĩa cực đoan, dân tộc, bảo hộ và tình trạng bất ổn ở châu Âu gây trở ngại cho nỗ lực hợp tác của các quốc gia. Tình trạng bất bình đẳng, thất nghiệp tràn lan ở nhiều nước và tình trạng biến đổi khí hậu đáng lo ngại. Bà Leuthard cho rằng, các nước cần làm việc với nhau để vượt qua thách thức bằng cách đầu tư vào đào tạo lớp trẻ, rút ngắn khoảng cách giữa người giàu và người nghèo.
Chủ tịch WEF, ông Schwab nói trước khi khai mạc WEF 47 rằng: “Về cơ bản, cả thế giới đang chuyển biến về công nghệ, kinh tế, xã hội và chính trị. Không có giải pháp ăn sẵn đơn giản. Những gì chúng ta cần khẩn trương thực hiện là những hành động thực tế và hướng tới tương lai, ngay cả dưới hình thức những bước tiến nhỏ, để mang đến những câu chuyện tích cực”.
Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng và thiết thực tại WEF Davos
WEF cho rằng, chủ nghĩa tư bản thị trường tự do phải được cải cách sao cho lợi ích được phân bổ đồng đều hơn. Dưới sự dẫn dắt của bà Lagarde, Tổng giám đốc IMF, WEF sẽ thảo luận về một cơ chế nhà nước bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người dân bị mất việc và người nghèo ở bên ngoài tiến trình tăng trưởng kinh tế.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ đem lại nhiều tiến bộ như trí tuệ nhân tạo, Internet của vạn vật, robot thông minh và xe tự lái… Tuy nhiên, những tiến bộ này có thể lấy đi công ăn việc làm của hàng triệu người, xói mòn các quan hệ xã hội, nảy sinh mâu thuẫn. Mối đe dọa từ tin tặc, an ninh mạng, “vũ khí hóa” các hệ thống trí tuệ nhân tạo cũng được thảo luận kỹ tại WEF năm nay.
WEF: Nhà đầu tư đặt niềm tin vào quyết tâm đổi mới của Việt Nam
Như vậy, WEF diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề đa dạng, phức tạp, đan xen cả thời cơ và thách thức (Cách mạng Công nghiệp 4.0 và xu hướng bảo hộ mậu dịch). Vì thế, giới phân tích cho rằng, những động thái của hai trung tâm kinh tế thế giới (Mỹ và châu Âu) sẽ tiếp tục chi phối sự phát triển của kinh tế toàn cầu trong năm 2017 và có thể cả năm 2018./.