WEF Phác họa lộ trình tăng trưởng mới
VOV.VN -“Phác họa lộ trình tăng trưởng mới” là chủ đề của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) mùa hè, diễn ra tại thành phố Đại Liên, Trung Quốc từ ngày 9 - 11/9.
Diễn đàn thu hút hơn 1.700 đại biểu, đến từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung thảo luận nguy cơ suy thoái toàn cầu và những động thái sử dụng công cụ tiền tệ của Trung Quốc.
Nguy cơ suy thoái
Trước thềm Hội nghi, giới chuyên gia dự báo, có khả năng xảy ra nguy cơ GDP thực tế toàn cầu sẽ giảm liên tục trong vòng mấy năm tới, xuống mức 2%, thậm chí thấp hơn vào giữa năm 2016. Theo đó, khả năng xảy ra một cuộc suy thoái toàn cầu, ở mức “vừa hoặc sâu” là không loại trừ.
Nỗi lo nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới giảm tốc mạnh đã bao trùm thị trường mấy tháng gần đây và cả không khí tại WEF. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước và nhập khẩu cũng sụt giảm đáng kể gần 14%, là bằng chứng cho sự lo ngại có tính toàn cầu.
WEF Phác họa lộ trình tăng trưởng mới. |
Chuyên gia kinh tế trưởng Willem Buiter của ngân hàng Citigroup cho rằng, nếu nền kinh tế toàn cầu rơi vào một cuộc suy thoái có “độ sâu vừa phải” trong năm tới, thì nguyên nhân chính rất có thể là sự giảm tốc của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là một cuộc suy giảm tăng trưởng ở Trung Quốc.
Trong báo cáo ông Buiter nhận định: “Chúng tôi tin rằng đang tồn tại một khả năng ngày càng lớn xảy ra kịch bản kinh tế Trung Quốc, các nền kinh tế mới nổi và kinh tế toàn cầu suy thoái”, “Chúng tôi xem kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với rủi ro cao và gia tăng về hạ cánh cứng”.
“Đây là một kịch bản suy thoái kinh điển”, rằng Trung Quốc gần đây đã xảy ra tình trạng dư thừa công suất, vay nợ quá nhiều trong khu vực doanh nghiệp, và hai lần bong bóng vỡ trên thị trường bất động sản và chứng khoán.
Giới phân tích cho rằng, dựa trên mô hình của Citigroup, kinh tế Trung Quốc trong năm nay chỉ tăng trưởng ở mức 4% thay vì 7% so với dự báo trước đó. Vì thế, kinh tế Trung Quốc xấu đi sẽ kéo theo kinh tế Mỹ và các nền kinh tế khác, do thương mại của Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn hơn trong thương mại toàn cầu so với Mỹ, nên sự tác động là rất lớn.
Trung Quốc trấn an Hội nghị
Trong phiên khai mạc, ông Lý Khắc Cường - Thủ tướng Trung Quốc đã có bài phát biểu trấn an Hội nghị. Ông khẳng định sẽ duy trì hướng đi về cơ bản, rằng: “Chúng tôi sẽ không bị lay động bởi những biến động kinh tế ngắn hạn trong hướng đi tổng thể”.
Ông Lý cho rằng, việc tạo ra hơn 7 triệu việc làm mới cho khu vực đô thị và giữ thất nghiệp ở mức 5,1% trong 6 tháng đầu năm nay cho thấy kinh tế Trung Quốc đang đi “khá đúng hướng”.
“Việc tăng tiêu thụ và khu vực dịch vụ trong nền kinh tế cũng cho thấy các chính sách của Trung Quốc đạt được hiệu quả”. Ông Lý cam kết với Hội nghị sẽ đẩy nhanh quá trình cải cách cơ cấu và tăng cường các biện pháp về cơ chế chính sách mà Chính phủ Trung Quốc đã đặt ra.
Tuy nhiên, phóng viên Kinh doanh châu Á - BBC, Karishma Vaswani nói: “Trung Quốc từng vay và chi tiêu để thoát khỏi cuộc khủng hoảng hồi năm 2008, thông qua phát triển lĩnh vực bất động sản, đã thu hút người lao động đến đây. Nhưng nay bất động sản cũng đang có vấn đề”. Khiến Hội nghị vẫn có cơ sở để lo ngại.
Về động thái điều chỉnh tỷ giá vừa qua, ông Lý Khắc Cường khẳng định: “đồng Nhân dân tệ (NDT) không có cơ sở để tiếp tục mất giá” và “Trung Quốc không muốn xảy ra cuộc chiến tiền tệ trên thế giới”.
Ông Lý giải thích, kể từ năm 2013 đến nay, giá trị thực tế của đồng NDT đã tăng 15%, nên việc điều chỉnh vừa qua (4,6%), chỉ là rất nhỏ so với mức tăng 15% trước đó.
Trung Quốc hiện có lượng dự trữ ngoại hối rồi rào, về tổng thể kinh tế đang vận hành trong giới hạn hợp lý, vì vậy thời gian tới tỉ giá đồng NDT sẽ giữ ở mức ổn định, cân bằng và hợp lý.
Tuy nhiên, ông Lý cũng thừa nhận kinh tế Trung Quốc đang gặp những khó khăn nhất định, đó là hậu quả tất yếu của việc điều chỉnh kết cấu nền kinh tế, nhưng cộng đồng quốc tế không nên quá lo lắng vì “Trung Quốc đã ngăn chặn được các yếu tố rủi ro tài chính mang tính hệ thống”.
Những tuyên bố nêu trên, được coi là nhằm trấn an dư luận trong bối cảnh nước này vừa tiến hành phá giá đồng NDT gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền tài chính - kinh tế toàn cầu.
Mở rộng thị trường ngoại hối
Về giải pháp thúc đẩy kinh tế, trấn an thị trường, ông Lý Khắc Cường tuyên bố nước này sẽ cho phép các Ngân hàng trung ương nước ngoài tham gia giao dịch trên thị trường ngoại hối nội địa của Trung Quốc.
Trước đây, các nước chỉ được phép tham gia vào thị trường trái phiếu liên ngân hàng của Trung Quốc nhằm khuyến khích họ nắm giữ các tài sản bằng đồng Nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối.
Động thái trên sẽ giúp Trung Quốc tiến gần hơn đến mục tiêu tham gia vào “rổ tiền” có khả năng chuyển đổi toàn cầu cùng với 7 đồng tiền khác vào tháng 9/2016.
Theo số liệu của Standard Chartered, cho đến nay đã có hơn 60 Ngân hàng trung ương và quỹ đầu tư quốc gia đã đầu tư vào các tài sản bằng đồng NDT, với giá trị lên đến 70 - 120 tỷ USD
Chuyên gia phân tích tại ngân hàng China Merchants, cho đây là một bước tiến để Trung Quốc mở cửa cán cân vốn, nhưng mức độ sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc mở cửa thị trường nội địa mạnh đến mức nào và sự hưởng ứng của các nhà đầu tư nước ngoài…
Trung Quốc hy vọng qua đây “đồng NDT sẽ ít biến động hơn và tính chất đầu cơ cũng sẽ giảm xuống nếu các Ngân hàng trung ương các nước thực hiện những khoản đầu tư ổn định và dài hạn”. Tuy nhiên, NDT sẽ “mở” đến đâu?, vẫn chưa có câu trả lời.
Như vậy, tuy chủ đề của WEF là “Phác họa lộ trình tăng trưởng mới” của kinh tế thế giới, nhưng những quan ngại về sự sụt giảm của nền kinh tế đứng thứ hai thế giới và những chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ Trung Quốc đã thu hút mất quá nhiều thời gian của Hội nghị.
Vì thế, “lộ trình tăng trưởng mới” và hiệu quả thực sự rút ra từ Diễn đàn mùa hè 2015 hiện vẫn chưa rõ nét./.