Xây dựng cơ chế xuất khẩu phi lê cá tra qua một đầu mối
VOV.VN -Tính đến năm 2012 sản lượng nuôi cá tra của nước ta đã đạt 1,3 triệu tấn/năm, tăng gấp 650 lần năm 2000
Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến năm 2012 sản lượng nuôi cá tra của nước ta đã đạt 1,3 triệu tấn/năm, tăng gấp 650 lần năm 2000; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD/năm, tăng gấp 692 lần năm 2000. Thị trường xuất khẩu mở rộng đến 136 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tuy nhiên, trong khi sản lượng tăng nhưng giá xuất khẩu cá tra ngày càng có chiều hướng giảm hàng năm. Tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Châu Âu – một thị trường lớn của cá tra giảm mạnh từ 48% năm 2008 xuống còn 22,4% năm 2012, giá trị từ 581 triệu USD xuống còn 425 triệu USD. Đến năm 2013, sản lượng và diện tích nuôi cá tra sụt giảm mạnh; uy tín của sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh tại nhiều thị trường bị sụt giảm nghiêm trọng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, người nuôi phải treo ao do thua lỗ kéo dài.
Tại hội nghị, nhiều giải pháp, kiến nghị đã được đưa ra, đó là vấn đề quản lý chặt chẽ về chất lượng, cần gắn kết và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến, ban hành Quy chế áp dụng thí điểm hệ thống cấp và kiểm soát hạn ngạch sản lượng nuôi cá tra xuất khẩu phù hợp với nhu cầu của thị trường, tránh cung vượt cầu làm giảm giá trị.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Cafatex kiến nghị:“Kiểm soát, giới hạn sản lượng bằng nuôi trồng và chế biến có điều kiện là quan trọng nhất".
Bên cạnh những giải pháp trên, Hiệp Hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng đưa ra các giải pháp, kiến nghị cần Ban hành chương trình nâng cao chất lượng và phòng bệnh cho cá tra giống, Ban hành Quy chế kiểm soát chất lượng thức ăn nuôi cá tra; chương trình chất lượng quốc gia sản phẩm cá tra xuất khẩu và cho phép thu phụ phí phát triển và bảo vệ thị trường ngành cá tra./.