Xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, nền móng từ nguồn nhân lực
VOV.VN - Trong 3 ngày (29-31/7) diễn ra “Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn” và “Triển lãm kết nối, xúc tiến đầu tư, giao thương ngành công nghiệp bán dẫn thành phố Hà Nội 2024”, các chuyên gia công nghệ đã thảo luận về tiềm năng, cơ hội cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại nước ta.
Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo chuyển đổi ngắn hạn, để tiến tới xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn.
Các chuyên gia công nghệ tham gia “Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn Thành phố Hà Nội 2024” đều khẳng định, điều quan trọng nhất để xây dựng hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn đó là các cấp lãnh đạo đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng chính sách, đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành này. Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng các đơn vị liên quan xây dựng Kế hoạch hành động và Chiến lược để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; Đề án phát triển nguồn nhân lực bán dẫn…
Nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn nước ngoài đang quan tâm, hợp tác với Việt Nam, để có thể thêm các cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn. 3 Khu công nghệ cao tại thành phố Hồ Chí Minh, Hòa Lạc (Hà Nội) và thành phố Đà Nẵng sẽ là đầu mối quan trọng trong quá trình xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, với nhiều điều kiện tốt về giao thông, hạ tầng công nghệ, đội ngũ nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, nguồn lao động dồi dào trong các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn và khoảng 5.500 kỹ sư thiết kế các sản phẩm bán dẫn sẽ là những lực lượng quan trọng của ngành bán dẫn. Tuy nhiên, để phát huy được tiềm năng, lợi thế hướng tới mục tiêu trong khoảng 5 năm tới có 50.000 kỹ sư làm việc trong ngành bán dẫn, thì trước hết là tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao về bán dẫn, đào tạo chuyển đổi kỹ sư cho ngành bán dẫn từ các ngành gần với ngành này.
Ông Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cho biết: “Nguồn nhân lực là một trong những thế mạnh của Việt Nam và hầu hết các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đến với Việt Nam đều đánh giá: Đây là điểm lợi thế lớn nhất của Việt Nam. Nhưng nguồn nhân lực đối với ngành công nghiệp bán dẫn là chất lượng cao, chất lượng quốc tế. Hiện nay chúng ta có một bối cảnh rất thuận lợi là từ lâu rồi đào tạo rất nhiều kỹ sư, nhiều sinh viên từ ngành gần và ngành phù hợp với bán dẫn, chứ không phải bây giờ chúng ta mới vào cuộc đào tạo. Bản chất của chúng ta là đào tạo ngắn hạn, đào tạo chuyển đổi”.